-->
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
16/11/2019
Mừng sinh nhật trên Thiên Quốc của cha Emmanuel d’Alzon
21/11/2019
Show all

Đời sống đa văn hóa

« Sống tương giao văn hóa », « sống hội nhập văn hóa », là những cụm từ không thể thiếu trong từ điển truyền giáo của các tu sĩ nhất là các tu sĩ dòng truyền giáo. Việc nhận thức rõ những thách thức và cơ hội mà đời sống này mang lại rất quan trọng.  Điều này càng ngày càng trở nên cấp thiết cho mỗi một tu sĩ, mỗi một cộng đoàn tu, trước những ánh nhìn phản quang của xã hội hiện đại. Những nhận thức đi từ ban sơ đến sâu sắc sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn con đường và sứ vụ tận hiến trong ánh sáng Tin Mừng. Đây cũng là một dấu chỉ thời đại mang tính ngôn sứ mà Giáo Hội không ngừng mời gọi chúng ta đào sâu hiểu biết để có những thích ứng phù hợp với những thay đổi của thời đại sống.

Cách đây không lâu, một đợt thường huấn về chủ đề này đã được tổ chức trong nội vi Tỉnh Dòng Châu Âu – tại Nîmes, Pháp. Buổi thường huấn không chỉ là một chương trình đào tạo, học tập mà còn là một cơ hội quý báu để các chị em Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời, vốn xa cách về địa lý có thêm một dịp để gặp gỡ nhau.

Sơ Anna Dung (Nữ Tu Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời, hiện đang sống sứ vụ ở Pháp), đã được mời ngồi ghế nóng, để chia sẻ cùng chị em những kiến thức mà bản thân chị đã được học trong cuộc thường huấn Liên dòng ở Roma. Ngụp lặn trong một biển kiến thức của đợt thường huấn ở Roma, chị đã làm lại một bài tóm lược khá hoàn chỉnh và cực kì thú vị về chủ đề Đời sống đa văn hóa và xa hơn thế là sự Tương giao giữa các nền văn hóa. Chị đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về việc sử dụng và phân biệt những thuật ngữ có liên quan, hay làm sáng tỏ hơn những khía cạnh đức tin trong việc hội nhập vào một nền văn hóa xa lạ. Thông thường chúng ta hay nhầm lẫn việc sống và sống hội nhập cùng những nền văn hóa khác. Người sống đời sống đa văn hóa với nhiệt tâm sẽ luôn tìm đượcIMG_3937 những điều tốt nơi nền văn hóa bạn và biết chỉ trích những điều xấu nơi nền văn hóa của chính mình. Người này sẽ không mãi đứng trong cái vòng an toàn của bản thân nhưng dám tiến lên đối thoại cùng những người đến từ nền văn hóa khác. Họ điều tiết khéo léo giữa việc đóng vai trò làm chủ nhà (hôte) hay làm khách lạ (étranger) khi đứng trước bất kì ai, bất kì văn hóa vùng miền hay quốc gia nào. Việc làm khách lạ ở đây là một hình ảnh mang tính ẩn dụ, khiến chúng ta suy nghĩ đến thái độ khiêm hạ nơi mỗi người, dám trở nên người yếu thế hơn, người phải cậy dựa vào người khác. Như thế, người đối diện sẽ lấy vai trò chủ nhà để đón tiếp bạn, mở lòng chia sẻ cùng bạn những điều hay từ văn hóa của họ. Đây là một bước lùi cho nhiều bước tiến ! Trái lại, người chỉ sống cho mình trong một đời sống đa văn hóa sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Bề ngoài, chúng ta có thể thấy hình ảnh « đẹp » của một đời sống với nhiều văn hóa khác nhau nhưng bên trong, mỗi văn hóa cá thể ấy lại chỉ tôn sùng văn hóa của chính mình trong góc phòng của mình. Để tránh nguy cơ chỉ sống theo « vẻ bề ngoài » ấy, mỗi chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình, ra khỏi « căn phòng » của riêng mình, của văn hóa mình, để đến với người khác, đến với văn hóa khác.

Bước sang ngày thứ hai, Cha Jacques Nieuviarts (Tu sĩ Dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời) đã đưa các chị em làm một cuộc ngược dòng Kinh Thánh. Từ Cựu Ước đến Tân Ước, cái nhìn Kinh Thánh về một đời sống đa văn hóa dưới VUTE1345lăng kính của Cha đã biến từ không thành có. Những chuyến hành trình xuyên qua các vùng đất xa lạ của dân Thánh xưa vốn mang đậm hình ảnh của đời sống đa văn hóa, đa sắc tộc. Đời du mục là phải di chuyển liên tục, có khi đi thật xa mới có thể tìm được chỗ nghỉ chân. Một hành trình dài với những thử thách đức tin, lòng trung thành, giúp cho dân Chúa giác ngộ căn tính của mình và  họ cũng nhận ra mầu nhiệm sâu xa ẩn trong lời chúc lành của Chúa. Trong phần Tân Ước, chúng ta lại thấy hình ảnh của việc hội nhập văn hóa  thông qua những giới hạn, những quan niệm bị phá vỡ. Ví như Chúa Giêsu xuống thế làm người, là Con Thiên Chúa tối cao nhưng lại chết treo thập giá như một nô lệ, một kẻ trộm cướp… Người thời đó không ai có thể chấp nhận một Đấng Messia như thế. Điều Đức Kitô đã làm đã phá bỏ ranh giới trong tương quan giữa thần thánh và con người. Hay ví như người phụ nữ Ca-na-an, bỏ lại sau lưng mặc cảm về sự phân biệt đối xử chủng tộc giữa dân ngoại và dân It-ra-en, bằng chính lòng tin mà bà đã xin Chúa mở lòng thương. Cuối cùng Chúa Giêsu cũng tự phá vỡ nguyên tắc của chính mình là Người chỉ đến vì những con chiên lạc nhà It-ra-en, đã chữa lành con gái của một phụ nữ dân ngoại như bà. Còn chúng ta, chúng ta dám phá vỡ nguyên tắc nào trong tương quan với tha nhân ?

Còn với Sơ Laurence (Nữ Tu Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời, Bề trên Giám Tỉnh của tỉnh dòng Châu Âu), các chị em đến với cuộc đời và sứ vụ tiên khởi của cha Victorin Galabert, một trong nhưng tu sĩ đầu tiên của Dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời. Sự cố gắng của Cha trong những ngày đầu trên mảnh đất truyền giáo Bun-ga-ri khiến các chị em phải thán phục vì thời của Cha còn khắc khổ và thiếu thốn hơn ngày nay rất nhiều. Tất cả những hi sinh, gian khổ mà Cha đã làm, Cha đã làm vì Danh Chúa. Cha cũng hi sinh nhiều ý muốn của bản thân để dễ hòa nhập hơn vào sứ vụ ở Bun-ga-ri. Điều quan trong mà chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm truyền giáo và sống hội nhập văn hóa nơi Cha chính là phải luôn biết tín thác vào ơn Chúa, không được xao lãng đời sống thiêng liêng là mối liên hệ mật thiết cùng Thiên Chúa Chí Ái. Hãy làm những thứ chúng ta có thể, Thiên Chúa sẽ hoàn tất những thứ mà chúng ta cho là không thể, cho là quá sức.

Tóm lại, sống đời sống đa văn hóa cách lành mạnh và với trái tim cởi mở là một quá trình lâu dài cần rất nhiều những cố gắng và hi sinh cá nhân. Quá trình này cần mỗi người chúng ta can đảm tiến về phía trước mỗi ngày, rũ bỏ sự vị kỉ cá nhân, đón nhận sự khác biệt nơi chị em mình như một điều quý giá mà Chúa đã ban tặng. Nhất là luôn bước đi trong ánh sáng của đức tin, đức cậy và đức ái. Hành trình du mục của chúng ta theo chân Chúa Giêsu còn rất dài, chúc tất cả chị em kiên trì đến cùng !

Sơ Thanh Thúy, OA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ