-->
Thường huấn khấn sinh tại Pháp – J.O.A (Jeunes Oblates de l’Asomption)
21/12/2012
Nam Ban – món quà Giáng sinh
24/12/2012
Show all

Kỷ niệm 150 Truyền giáo Đông Âu

Thực là một niềm vui lớn lao cho anh chị em hai hội dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời và Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời trong ngày 16 tháng 12 năm 2012 vừa qua, ngày kỷ niệm 150 năm truyền giáo Đông phương ! Thánh lễ mừng được diễn ra một cách trang trọng vào lúc 18h30 tại nhà thờ Đức Bà Paris, ngôi Thánh đường cổ kính mang giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc Tây phương, nơi mà dư âm ngày lễ khai mạc năm kỷ niệm 850 năm nhà thờ Chính Tòa Paris vẫn còn vang vọng,  từ ngày 12/12/2012 đến ngày 24/11/2013. Chủ tế Thánh lễ là Đức Hồng y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Giáo phận Paris và đông đảo linh mục tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời. Quả là niềm vui nối tiếp niềm vui. Thánh lễ được bắt đầu với lời giới thiệu của Đức Hồng y, lời mời gọi hãy vui lên trong Đức Chúa, theo tâm tình Chúa Nhật III Mùa Vọng năm nay, cùng chia vui với gia đình Đức Mẹ Lên Trời, mang tâm tình tri ân, cảm mến Thiên  Chúa và tiếp tục tin tưởng phó thác nơi Ngài. Thánh lễ diễn ra và kết thúc hết sức sốt sắng.

Trước đó cùng ngày, vào lúc 14h30 anh chị em Hai hội dòng đã tụ họp khá đông đủ tại  ngôi nhà nguyện đơn sơ, ấm áp của nhà dòng chị em Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời ở Paris để tham dự hội thảo. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của các Tu sĩ gia đình Đức Mẹ Lên Trời và các vị khách mời giáo dân, ân nhân gần xa… Nhân vật chính của buổi gặp gỡ, chia sẻ là vị Giáo sư sử học Jean- Luc, người đã dày công nghiên cứu về lịch sử Giáo hội Đông Phương, người đã tìm tòi và đào sâu lịch sử truyền giáo của anh chị em Đức Mẹ Lên Trời ở Phương Đông, cùng chia sẻ có 4 tu sĩ hai nhà dòng đã từng hoặc đang sống, phục vụ ở các nước Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Ngược dòng lịch sử Giáo sư trình bày và nhắc lại các sự kiện và biến cố lịch sử về mặt xã hội cũng như Giáo hội xảy ra như một câu truyện kể đầy hứng thú, đồng thời kể lại những biến cố và kỷ niệm chính ông đã từng chứng kiến. Đối với các chị em Tận Hiến, đây là dịp để tìm về cội nguồn của nhà dòng với những câu thảo luận mang tính lịch sử và cũng là cơ hội cho những ai muốn khám phá và tìm hiểu thêm về sự ra đời cũng như sự trưởng thành của nhà dòng tại Đông phương từ 150 năm nay.

Theo lời kể, cha Emmanuel d’Alzon, Đấng sáng lập, một lần hành hương tại Roma, nhận được lời chúc phúc đặc biệt của  Đức Thánh Cha Pio IX, mong muốn đáp lại lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng và nhận thấy nhu cầu cấp thiết cho công cuộc truyền giáo và hiệp nhất Kitô giáo, đặc biệt là với anh chị em Chính Thống giáo ở các nước Phương Đông, nơi mà số lượng người Công giáo chỉ chiếm một tỉ lệ thiểu số. Cùng với sự đáp trả, Cha d’Alzon đã nhận ra thánh ý Chúa trên từng bước chân và dự định của mình. Ngay lập tức, năm 1862, Ngài đã gửi một số anh em Đức Mẹ Lên Trời đầu tiên tới vùng đất này. Ngài cũng đã kêu gọi sự giúp đỡ của một số nữ tu sĩ nhưng không mấy  suôn sẻ và hiệu quả. Ít năm sau, năm 1865 Ngài đã thành lập Hội dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời với mục đích kết hợp hiệu quả với anh em Augustinô Đức Mẹ Lên Trời nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách ở đây.  Đây là một trong những công trình đầu tiên của Ngài. Ba năm sau đó, năm nữ tu Tận hiến đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất Andrinople, Bungari. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà tập viện đầu tiên được đặt tên là : Đức Bà Bungari. Chắc chắn Ngài đã có ẩn ý khi đặt cái tên tượng trưng này.

Hăng hái phục vụ các nhu cầu của xã hội cũng như Giáo hội về giáo dục, y tế, lo cho dân nhập cư. Sứ mệnh cao cả được giao phó đã được các tu sĩ trẻ thực hiện bằng chứng tá trong đời sống tận hiến, phục vụ. Tất cả đều nỗ lực hết mình, làm việc cật lực, tận tâm với mục đích cao cả : Đại kết Kitô giáo, sống và làm chứng Đức tin Kitô Giáo giữa vùng đất, nơi mà đại đa số là người Chính Thống Giáo và số ít người Hồi giáo và Do Thái giáo. Nhờ vào sự liên kết lâu bền và vững chắc giữa anh chi em hai Hội dòng, công cuộc truyền giáo ở Đông phương phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, lan sang cả một số nước Bắc Âu và ngày càng gặt hái được nhiều hoa trái tốt đẹp. Tình yêu dành cho Giáo hội là một trong ba chiều kích linh thiêng mà gia đình Đức Mẹ lên Trời xây dựng nên. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã từng quan tâm ưu ái cho sự hiệp nhất phương Đông và phương Tây. Như lời Ngài nói đây là hai lá phổi truyền thống và cốt lõi của Hội thánh và kế tiếp được Đức Thánh cha đương nhiệm Bênêđíctô XVI ưu ái quan tâm, truyền giáo Đông phương nằm gói gọn trong việc hiệp nhất Giáo hội và công cuộc truyền giáo một cách năng động, nhiệt thành. Đây là tài sản quý báu của Giáo hội. Cha d’Alzon từng nói : Chúng ta yêu mến Giáo hội vì Đức Kitô yêu mến Giáo hội – một tình yêu siêu nhiên, vĩnh hằng. Tinh thần Đức Mẹ Lên Trời là nét đặc trưng tiêu biểu được thể hiện rõ ràng qua cảm nghĩ sâu sắc của Đấng sáng lập trong bức thư mà Ngài gửi cho chị em Tận hiến 10 năm sau đó. Ngài nói : Hãy nhớ rằng sứ mạng của các con là làm cho người ta yêu mến một Giáo hội mà chính Thiên Chúa đã giao cho sứ vụ cứu chuộc muôn dân. Tóm lại, tất cả đều quy về tình yêu dành cho Giáo hội, cuộc sống của tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời liên đới, gắn liền với Giáo hội, xúc tiến cho việc Đại kết.

 Mặc dù gặp nhưng thách thức và khó khăn như lịch sử chiến tranh, chính trị, cụ thể là những gò bó của chủ nghĩa cộng sản thời bấy giờ. Nhưng các tu sĩ đã vượt qua được những trở ngại này và sự phát triển bền vững của Hội dòng là nền tảng cơ bản cho sứ mệnh truyền giáo trong khu vực và cả các châu lục khác sau này. Để làm nên sức mạnh và sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững như nguyện vọng sâu xa của Đấng sáng lập và có được như ngày nay, sự hiện diện của Hai Hội dòng trên gần 30 quốc gia và 4 châu lục, không thể bỏ qua sự đóng góp to lớn của việc truyền giáo Đông phương, một trong những cầu nối truyền giáo đầu tiên của anh em Augustinô Đức Mẹ Lên Trời và chị em Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời.

Noi gương Đấng sáng lập với lý lẽ thực tế là đào sâu đời sống Đức tin Kitô giáo và mối quan hệ mật thiết với Đức Giêsu Kitô, sống tinh thần bác ái huynh đệ, với niềm đam mê cho sự hiệp nhất qua hoạt động tông đồ và đời sống cầu nguyện. Ngày nay các tu sĩ còn phải đương đầu với những khó khăn về chính trị, văn hóa, tập tục. Qua lời làm chứng và chia sẻ của các Sơ và các Cha, một số địa điểm Giáo xứ, số lượng người Công giáo quá ít ỏi, điển hình như ở Thổ Nhĩ Kỳ, tỉ lệ người Công giáo chỉ chiếm 1%. Đây quả là một thách thức lớn. Chính vì những biến động của xã hội cũng như Giáo hội nên đòi hỏi sự nhanh nhẹn, nhạy bén để thích ứng.

Ở Bungari, Giáo hội bị cai trị và ảnh hưởng của nhà vua và Giáo hội Chính thống giáo. Ngôi thánh đường ở đây được sẻ chia với anh chị em Chính Thống giáo. Để duy trì lâu bền sự hiệp nhất Kitô giáo cần sự đóng góp chia sẻ, hiệp thông, liên đới cụ thể và thiết thực hơn của từng cá thể trong Giáo hội Công giáo cũng như Giáo hội Chính thống giáo. Cho đến nay, hầu hết những cuộc gặp gỡ, đàm thoại giữa hai bên đều gặt hái được những thành công, giúp nhau ngày càng hiểu rõ hơn và nâng đỡ nhau trong đời sống Đức tin. Mối thân tình này dễ thấy như chuyến hành hương tại Lộ Đức năm 2006 của một nhóm rất đông Chính thống giáo dưới sự hướng dẫn của một tu sĩ trẻ tuổi dòng Đức Mẹ Lên Trời. Cùng nhau hâm nóng trong cuộc đời làm chứng cho Đức Kitô và chia sẻ, nâng đỡ nhau để giúp nhau triển nở ra nhiều đóa hoa muôn màu muôn sắc cho Giáo Hội.

Với niềm tin tưởng nơi Đấng Toàn Năng và như có người nói : một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em. Muốn  cùng nhau xây dựng triều đại Nước Thiên Chúa đòi hỏi tinh thần khiêm nhường trong cách đối thoại và lòng bác ái đơn sơ, tương trợ lẫn nhau. Điều này đã được anh chị em Đức Mẹ Lên Trời thực hiện và đạt kết quả như mong muốn từ 150 năm nay. Nhờ ánh sáng soi đường của Đức Kitô, đi theo đường lối chỉ đạo của các vị chủ chăn, Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo khu vực này luôn tìm kiếm sự hiệp thông trong tình yêu và sự thật, luôn sống trong bể ái của Tình yêu Thiên Chúa. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn đến kết quả tốt đẹp sau các cuộc đàm thoại, gặp gỡ giữa hai bên và bởi công cuộc truyền giáo của anh chị em Đức Mẹ lên Trời luôn đặt dưới cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa tình yêu ngay từ thuở sơ khai.

Tham dự hội thảo này gợi tôi nhớ lại thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt nam và các nhà Truyền giáo Bồ Đào Nha lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất hình chữ S. Hẳn đã gặp biết bao thử thách, khó khăn thậm chí hy sinh đẫm máu nhưng như bạn bè quốc tế cũng phải công nhận sự kiên trì, sắc son của Giáo hội Việt Nam. Cũng vì tình yêu dành cho Đức Kitô và cho Giáo Hội mà ba tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời người Bungari : Pavel, Kamel và Josaphat đã hy sinh vì chính đạo. Quả thật, dấu ấn của Chúa đã đổ xuống trên các Ngài, giúp các Ngài có đủ can đảm và sự kiên trường bước theo Đức Kitô, ngã xuống vì Giáo hội. Các Ngài đã tri ân Thiên Chúa bằng chính máu đào của mình. Năm 2002, Đức Cố Giáo hoàng  Gioan-Phaolô II đã phong các Ngài lên hàng Hiển thánh.

Cuối cùng, sống chứng tá và phục vụ trong sự hiện diện của Chúa, Đấng Bảo trợ, các tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời luôn có được sức mạnh cần thiết để tiến lên phía trước. Luật sống theo linh đạo của Thánh Augustinô là nguồn trợ lực cho đời sống Tận hiến, là ngọn đèn soi dẫn anh chị em bước theo Đức Kitô trong tin yêu, những người thợ kiến tạo hiệp nhất như lời Đức Kitô để lại : « Ước gì họ nên một ». Ước mong công cuộc truyền giáo Đông phương cũng như trên khắp thế giới của gia đình Đức Mẹ Lên Trời ngày càng rộng mở,  tiến triển tốt đẹp và bền vững nhờ vào sự lạc quan, ý chí kiên cường, bền bỉ, tinh thần phó thác triệt để nơi Ba Ngôi Thiên Chúa để được Chúa dẫn dắt, dìu đưa bước trên nẻo chính lộ và luôn sống trọn hảo đời sống Đức tin đời sống dâng hiến, hầu luôn được hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa và san sẻ niềm hạnh phúc ấy cho nhiều người.

                                                                                                                                                                                                                                        Phương Thúy, đệ tử oa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ