-->
Cộng đoàn Lille khởi động năm trong Đức Kitô !
15/10/2014
Chuẩn bị mừng 150 năm thành lập Dòng
31/10/2014
Show all

Truyền giáo

Nếu như trong Tân Ước, nhân chứng điển hình dễ thấy về việc truyền giáo hay nói cách khác là đem Tin Mừng đến cho người khác, đó là bà Maria Madalêna và các tông đồ, thì gần chúng ta hơn là hình ảnh Thánh Têrêxa hài đồng Giêsu, được coi là bổn mạng của các xứ truyền giáo và rất nhiều chứng nhân khác được ghi nhận trong lịch sử Giáo hội từ xưa tới nay. Và thực tế, có vô vàn hình thức truyền giáo cũng như cách thức phục vụ người khác trong xã hội cũng như giữa lòng Giáo hội, tùy theo thời thế, hoàn cảnh, khả năng và ơn riêng của mỗi người Chúa ban cho.

Và rồi trong Cựu Ước “Này con đây, xin hãy sai con đi” (Is 6,8)

Đối với các nữ tu Tận hiến Đức Mẹ Lên Trời, đây là tiên chỉ sống thứ nhì, thể hiện sự sẵn sàng và niềm đam mê truyền giáo và một trong ba đặc sủng then chốt của nhà dòng, đó chính là truyền giáo. Cha Emmanuel d’Alzon đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sứ vụ này “…một lần nữa, những gì cần, trước hơn hết, là những nhà truyền giáo” (Sách thiêng liêng). Đây là lời nhắn nhủ và là niềm khích lệ mạnh mẽ cho chị em Tận Hiến trong công cuộc truyền giáo từ thuở khai sinh đến nay.

Dưới nhãn quan của người đời, các nhà truyền giáo có khi được xem như những chuyên gia, những nhà thám hiểm, vv. Có vẻ hoành tráng nhưng không nhất thiết truyền giáo là phải đi nước này, nước nọ, miền ngược, miền xuôi, sứ vụ này cũng cần làm ngay giữa nơi chúng ta đang cư trú. Và nhất là đừng nghĩ rằng chỉ mình chúng ta chọn Đức Kitô, nhưng chính Đức Kitô là người chọn chúng ta trước và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Lời của Chúa Giêsu với hai động từ chủ đạo đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn để thực hiện được. Như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô “hãy đi ra ngoài vành đai, ngoại ô”, dù là truyền giáo tại chỗ cũng đòi hỏi sự vượt lên chính mình, vượt ra khỏi những định kiến cũ rích, những yếu điểm tầm thường, xa dần lối sống thờ ơ, hững hờ với những khó khăn, đau khổ của người khác về vật chất cũng như tinh thần, những thân phận nhỏ trong xã hội.

Việc Phúc Âm hóa đóng vai trò chủ chốt trong đời sống của người Kitô hữu, cụ thể là cần Phúc Âm hóa giống như Đức Giêsu, sống một cuộc sống khó
nghèo và bền chí đến cùng và nhất là Phúc Âm hóa bằng sự hiện diện của Đức Kitô trong chính cuộc đời chúng ta, cần minh chứng rằng chính sự sống của Đức Kitô ngự trị trong chúng ta. Là chứng nhân của Đức Kitô, mở lòng ra sống và chứng minh cho những người xung quanh thấy được niềm vui và niềm hạnh phúc trong đời sống Đức tin của mình và nhất là sự bình an trong Đức Kitô và rồi mang tình yêu, niềm vui và bình an đích thực mà chúng ta lãnh nhận nơi Ngài đến cho người khác một cách triệt để, bằng những những hành động cụ thể. Đó là bằng chứng xác thực trong cuộc sống thực tế, như vậy là đẹp lòng Chúa rồi. Và như Đức Thánh Cha Phanxicô nói “đừng để mất niềm vui của việc Phúc Âm hóa”, đây là lời gửi gắm cũng như lời mời gọi chân thành dành cho mỗi người chúng ta.

Thiết nghĩ, trên con đường truyền giáo cũng là dịp để hoàn thiện mình hơn, là cơ hội để thánh hóa bản thân và hơn hết, cần tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện và sự Toàn năng của Thiên Chúa. Chúa sẽ ban Thần khí soi sáng để chúng ta nhận ra được những thời điềm mà Chúa muốn mặc khải trong chính cuộc sống thường ngày, chắc chắn, giúp ta phân định những gì cần làm, nên làm để hoàn thành sứ vụ của mình. Qua những biến cố của cuộc sống, đôi khi cần học cách đón nhận những khó khăn, thử thách, những lúc thất vọng, rủi ro, nản chí, lo sợ và nhất là đối diện với những hạn chế, yếu điểm này nọ trong cuộc sống. Thậm chí, có những người đi quá xa, lao mình vào công việc phục vụ, dẫn đến việc ít kết hợp mật thiết với Chúa. Cho nên, cần phải làm sao để đời sống cầu nguyện và công việc tông đồ quyện lẫn khăng khít với nhau, mang tính chất tương hỗ.

Vì tất cả những lẽ trên, truyền giáo đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta một sự lạc quan, yêu đời, một niềm tin mạnh mẽ, và dĩ nhiên cũng cần một nghị lực phi thường, sự can trường, ý chí cường mạnh, sự trung kiên và lòng nhẫn nại vượt qua tất cả. Trên hết mọi sự, lấy Đức Kitô làm tâm điểm và luôn gắn kết với Ngài và quy hướng về Chúa Cha và nguồn năng lượng đích thực múc lấy từ suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa đầy yêu thương. Có như vậy mới có được sự tự do trong tâm hồn để sẵn sàng đáp trả lời mời gọi hầu thực thi sứ vụ cấp bách của Giáo hội một cách triệt để, đích thực và sâu sắc mang tinh thần Kitô giáo và cuối cùng nhớ rằng: “đừng lo lắng, Ta luôn ở cùng con, dù là vô hình”– Thầy Roger ( Taizé)

Phương Thúy, tập sinh OA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ