-->
Cộng đoàn Lille khai giảng niên khóa 2013-2014
24/09/2013
Mẹ Maria-Mẫu gương đối thoại và hòa bình.
07/10/2013
Show all

Suy niệm Chúa Nhật XXVI: Ladarô ở quanh chúng ta

Có lẽ không mấy gì lạ lẫm với đoạn Tin Mừng Chúa nhật XXVI  thường niên năm nay nhưng  có thể khiến nhiều người phải suy ngẫm kỹ càng và sâu xa những điều mà Chúa Giêsu muốn nói, phải chăng đây là lời cảnh báo hay thông điệp mà Ngài muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Đoạn Tin Mừng gợi ra cho chúng ta hai khung cảnh hoàn toàn khác xa, đối lập nhau, hai con người, hai tầng lớp xã hội. Chắc hẳn có những người cảm thấy an lòng với tâm trạng vui mừng, hớn hở nhưng có thể cũng không ít người tỏ ra hoang mang, lo lắng, có khi khiếp sợ, rồi một ngày nào đó…Và ai cũng biết đó là viễn cảnh, hệ quả của cuộc Phán xét.

Điểm nổi bật dễ dàng thấy rõ, đó là hình ảnh ông nhà giàu với phong thái và có lối sống hưởng thụ, thêm đó là thái độ thờ ơ khó chấp nhận của ông ta và nếu so sánh với hình ảnh anh Lazarô với bộ dạng hoàn toàn trái ngược thì quả là không công bằng chút nào. Hai hình ảnh đối lập, tương phản này vừa làm choáng mắt, vừa gây khó chịu người đời và đặc biệt là làm mất lòng Thiên Chúa. Và như chúng ta thấy, ông nhà giàu phải trả một cái giá rất đắt. Chính tội lỗi lúc còn sống làm ông phải gánh chịu tất cả, và hình phạt đáng sợ, đó là phải sa vào hỏa ngục. Đây có lẽ là lời cảnh báo cho những ai còn sống trong sự ích kỷ, thờ ơ với đồng loại bằng cách này hay cách khác. Có thể nói tội lỗi làm con người xa rời Thiên Chúa, là rào cản ngăn cách chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, thậm chí cắt đứt mối tương giao với Thiên Chúa và làm ta mất phúc Thiên đàng, nghĩa là không được chung hưởng vinh phúc trên Thiên quốc với Ba Ngôi Thiên Chúa. Hai bên trở nên xa lạ, ngăn cách bởi vực thẳm như trong Bài Tin mừng chỉ rõ.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, lấy thời gian nhìn lại những mình đã và đang sống, cố gắng đừng bắt chước ông nhà giàu đã không biết quan tâm, săn sóc đến người nghèo Lazarô, có thể hiểu là đồng nghĩa với việc không tôn trọng phẩm giá người khác. Và cần một đôi mắt biết nhìn ra thế giới.

Trong thực tế cuộc sống hiện nay, qua tận mắt chứng kiến hay qua các phương tiện truyền thông đại chúng, xã hội còn tồn đọng hàng loạt vấn đề tiêu cực, đâu  đó gần xa vẫn còn nhiều người sống trong cơ cực, lầm than, thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, biết bao con người phải chịu thiệt thòi, đày đọa bởi những bất công, phi lý. Họ là những anh Lazarô. Hơn thế nữa, những vấn đề tiêu cực ngày càng trở nên phức tạp, nhức nhối và nóng bỏng trên khắp thế giới. Khắp nơi người dân rủ nhau ra tòa, đến tận trụ sở các cấp để tranh tụng vì lẽ bất công, chính quyền thu hồi đất đai của người dân một cách vô cớ, lạm dụng chức quyền bắt bớ, đàn áp người dân một cách vô tội vạ, vậy mà chính quyền cơ quan các cấp nhà nước vẫn lặng thinh, có lên tiếng, ra mặt giải quyết phải chăng cũng chỉ là hình thức bên ngoài, giải quyết qua loa. Những vụ tai nạn đau thương vẫn xảy ra hàng ngày, người ta có rủ nhau đi xem có lẽ cũng chỉ là để thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò.

Bạo động, bắt cóc, khủng bố vẫn xảy ra khắp nơi và lan tràn trên khắp cả hoàn cầu, cho đến nay vẫn chưa tìm ra phương hướng và biện pháp giải quyết. Dường như là một sự bù nhìn.                                                                                                                

Đánh giá hiện nay về tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo, địa vị giai cấp mức sống của người dân trên khắp thế giới ngày một gia tăng. Khi mà cuộc sống thay đổi từng ngày, từng giờ theo chiều hướng có phần tích cực về ngân sách, thu nhập, dù không ổn định ; nhưng nếu đưa ra lượng giá, xem xét về mặt nhân cách đạo đức thì quả là đáng lo ngại và đáng buồn. Một số người trong xã hội ngày nay có thái độ ích kỷ, thờ ơ, dửng dưng đến mức đáng báo động. Và nếu sử dụng biện pháp thậm xưng nói quá theo văn chương thì đây là sự vô tâm.

Điểm đáng quan tâm và cốt lõi cho mỗi người chúng ta là cần biết quan tâm đến người khác, đến nhu cầu cuộc sống của họ. Do đó, cần có một tâm hồn nhạy bén, tinh tế, và cần một con tim biết cởi mở để nhìn, thấu hiểu, cảm nhận và đồng cảm với những con người thiếu may mắn, những thân phận nhỏ nhoi, bất hạnh, khốn cùng thậm chí bất lực. Xem ra đây là điều nan giải khó thực hiện, huống chi, chúng ta mang thân phận con người mỏng giòn, yếu đuối. Nhưng sẽ đơn giản hơn nếu mỗi người có một tấm lòng yêu thương nhân ái. Và đây là mẫu số chung cho tất cả các Kitô hữu. Có lẽ công đức to lớn của người Kitô  hữu chúng ta trong việc thực thi Lời Chúa là coi mọi người như anh em ruột thịt và biết quan tâm chia sẻ, phục vụ anh em đồng loại như chính bản thân mình.

Và đây cũng là dịp để ôn lại những lời tâm đắc mà Chúa Kitô dạy mỗi người chúng ta, cụ thể là giới luật yêu thương. Hãy cố gắng sống hết sức mình để thực thi Lời Chúa dành cho anh em xung quanh.

 Phương Thúy, tập sinh oa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ