Nếu Thiên Chúa là Lời, thì Ngài cũng là thinh lặng. Không phải sự thinh lặng mà ta đã nói trước đây. Sự thing lặng bao quanh và chuẩn bị cho Lời, sự thinh lặng có vẻ rất giống một sự vắng mặt. Điều này có lẽ, không ít lần chúng ta đặt ra câu hỏi này “Tại sao Thiên Chúa thinh lặng trong cơn quẫn bách?”. Điều đáng phản kháng trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, đã là một trong những ray rứt của dân Giao Uớc trong quá trình lịch sử.
Thinh lặng là vị thầy dạy chúng ta biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hòa thầm kín. Thinh lặng cũng chính là nơi cư ngụ trong ngôi nhà của lòng mình, nơi mà Thiên Chúa luôn đến trước chúng ta. Thinh lặng, chính là hiện diện trước sự hiên diện đầy thần khí vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Một sự lặng không thể nào hiểu được, khiến cho tác giả Thánh vịnh phải thốt lên những lời than thở lo lắng, khi phải đối diện với sự vênh váo trịnh thượng của kẻ dữ: “Lạy Thiên Chúa, xin đừng làm thinh, xin đừng nín lặng ngồi yên, lạy Thiên Chúa”(Tv 83,2).
Ngay cả các ngôn sứ đôi khi cũng chua chát phản kháng, vì thấy kẻ nghèo luôn bị bốc lột, người vô tội luôn bị khinh chê, còn Thiên Chúa thì vẫn im lặng. Họ kêu thét lên với Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa, con kêu cứu mà Ngài đoái nghe ? sao ngài lặng thinh khi kẻ dữ nuốt chửng người chính trực?”(Kb1,2.12)
Ta hãy nhớ lại rằng Dân Thánh, sau cuộc tàn phá Giêrusalem, vào thời lưu đày, đã từng thấy thế giới tôn giáo của mình sụp đổ, Đất hứa đã bị quân xâm lăng dẫm nát, Đền thờ điêu tàn. Đấy là một cú sốc đối với đức tin khiến cho họ đặt câu hỏi ray rứt: Thiên Chúa ở đâu? Phải một nhu cầu cấp bách phải tẩy rửa khái niệm của họ về Thiên Chúa phải đào sâu nội dung của lời hứa và ý nghĩa của ơn gọi. Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi chiều kích vượt qua của sự cô đơn mà chính Đức Giê-su đã đón nhận? Như thế, sự cô đơn của chúng ta đôi khi là thời gian huyền bí để cấy và gieo.
Sự thinh lặng của con người mới sẽ sinh ra trong đất mới, sự thinh lặng của ngày thứ bảy Tuần Thánh trong khi chờ đợi Phục Sinh, sự thinh lặng để khước từ những của cải nghèo nàn, những kế hoạch phù phiếm của mình hầu để đón nhận những sự phong phú không hề hư nát của Thiên Chúa. Đấy là sự thinh lặng, không chỉ để chiến đấu chống lại sức mạnh sự dữ, nhưng còn là để thanh luyện đào sâu mầu nhiệm về Thiên Chúa và về con người. Vâng đôi khi chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ thinh lặng!
Nhưng sự thinh lặng ấy chẳng phải là một cách tôn trong tự do của con người đó sao? Một cách mời gọi họ đào sâu khát mong của mình, mở rộng chân trời của mình sao? Nếu đôi khi tình yêu im tiếng, thì im lặng chẳng phải là một lời mạc khải sao? Khi sự thinh lặng của chúng ta có vẻ trống rỗng, khi Thiên Chúa có vẻ trở nên một thực tại mơ hồ, và ngôn ngữ của chúng ta dùng để tiếp cận Người có vẻ như những lời ngây ngô trống rỗng, có lẽ đấy là lúc mà Đấng Tạo Dựng mời gọi chúng ta mở lòng ra để đón nhận một giai đoạn mới trong quá trình tăng trưởng thiêng liêng. Sự thinh lặng đáng sợ đó còn thanh tẩy chúng ta khỏi nhu cầu tha thiết của mình đó là chiếm hữu, là thu nhập các kinh nghiệm tâm linh.
Những tiếng la hét của con người ngày nay cũng như khi xưa, đối với sự thinh lặng của Thiên Chúa, khi sự bất hạnh giáng xuống, khi thất bại sau bao cố gắng, khi thử thách dày xéo chúng ta, khi bệnh hoạn đau khổ hay cái chết xuất hiện quang ta hay trong ta. Câu hỏi trong tim bừng dậy trong lòng ta : Thiên Chúa ở đâu trong bao nhiêu biến cố ấy? Có điều nghịch lí và khó hiểu là tại sao những kẻ bất lương gian ác, làm những việc vô luân, vô đạo đức như bóc lột, lừa đảo, giết người, buôn bán trẻ em phụ nữ,…lại phát đạt, giàu sang, khỏe mạnh, trong khi quá nhiều người lương thiện, đạo đức, bác ái lại nghèo khổ, bệnh hoạn, và nhiều khi còn gặp những tai họa bất ngờ?
Đứng trước những bất ngờ này nhiều người tự hỏi: Có Thiên Chúa cực tốt lành hay không,và nếu có thì tại sao Người lại để cho những sự dữ đó xảy ra và làm khổ cho người ngay lành như vậy? Để trả lời cho vấn nạn này,trước hết người ki-tô hữu chúng ta phải tin có Thiên Chúa là tình thương, công bằng và vô cùng nhân ái. Tuy nhiên tại sao có sự dữ, có đau khổ thì không ai có thể hiểu thấu được lý do.
Trước tiên, nói sự dữ là hậu quả của tội lỗi, của việc con người lựa chọn đi sai đường “chẳng có ai có lương tri, chẳng có ai tìm kiếm Thiên Chúa” (Rm 3,11) . Vì con người đã sử dụng lí trí và ý chí của mình để làm điều sai trái, nên sự dữ, sự đau khổ phải là hậu quả tất nhiên của ý muốn tự do mà con người đã và đang sử dụng để làm những điều gian ác, nghịch với chương trình và ý muốn của Thiên Chúa, Đấng luôn mong muốn cho con người được hạnh phúc.
Thiên Chúa biết sự dữ làm khổ con người trên trần gian này, nhưng Ngài đã không can thiệp vào để ngăn cản vì trước hết, Ngài phải tôn trọng ý muốn tự do mà Ngài đã ban cho khi tạo dựng con người khác biệt với mọi tạo vật khác. Chính vì con người có lý trí để hiểu biết và có tự do để chọn lựa nên quá nhiều người đã chọn lựa những cách sống đưa lại những hậu quả khốc hại cho mình và cho người khác. Dầu vậy, đau khổ và sự khó được xem như là những phương tiện hữu hiệu mà Thiên Chúa đã dùng để thử thách và tôi luyện những tôi tớ trung tín được Người ưu tuyển.
Bởi thế ta không thể lên án khát vọng con người là muốn được nhìn thấy Thiên Chúa ra tay can thiệp, khi mọi điều chao đảo. Nhưng phải nhận ra rằng, chước cám dỗ muôn đời của con người là tạo ra cho mình một Thiên Chúa hữu dụng, vừa tầm mơ ước, nỗi sợ của mình, và Thiên Chúa đó phục vụ cho những nhu cầu trước mắt của chúng ta.Trước Thiên Chúa thinh lặng, chúng ta được mời gọi thực sự tiến hành một cuộc Vượt Qua Phục Sinh.
Nói cho sự thinh lặng của Thiên Chúa. Nhưng những sự thinh lặng ấy là một “lời âm” mà chúng ta cần phải học cách lắng nghe và giải thích. Còn là một hình thức ngôn ngữ không lời khiến chúng ta phải đào sâu, tinh luyện nội dung của khát vọng của mình.
Thinh lặng của Thiên Chúa chính là đưa con người đến gần Ngài, với mọi người và tạo vật. không phải thinh lặng của quên lãng, của mơ hồ, của cái chết. Nhưng thinh lặng đầy sức mạnh của Đấng Phục Sinh trong khi chờ đợi một cuộc sống mới trong ánh sáng của Người.
Têrêsa Phan Quyền – Tìm hiểu OA