-->
“CÙNG NGÀI VUI BƯỚC” – Đại hội giới trẻ mùa chay 2013
24/03/2013
Lễ hội đời sống thánh hiến tại giáo phận Lille
16/04/2013
Show all

Mầu nhiệm Thập giá

Thế gian chứng kiến và lưu truyền vô vàn điều thần bí hay còn gọi là mầu nhiệm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đối với người Kitô hữu, ngoài Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được coi là trên hết tất cả các mầu nhiệm, còn có một mầu nhiệm khác, đóng vai trò to lớn, củng cố cho những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa mặc khải nơi loài người và hơn hết minh chứng cho Tình yêu của Ngài dành nhân loại. Mầu nhiệm Thập giá được Thánh Maccô đặt trọng tâm trong cuốn Phúc Âm của mình. Mầu nhiệm ấy có thể làm xao xuyến, biến chuyển bao con tim, khiến nhiều người phải suy ngẫm một cách nghiêm túc và nhất là được ví như cầu nối bắc nhịp, sợi dây liên kết vô hình trong mối thông quan giữa Thiên Chúa và con người.

Chúng ta đang sống những ngày hết sức quan trọng. Tuần Thánh đã mở ra, khởi xướng bằng Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá được cử hành một cách trang trọng. Trong tâm tình Mùa Chay Thánh, ngoài những điều kiện tất yếu phải thực hiện, Giáo hội mời gọi mỗi kitô hữu chiêm ngưỡng mối tương quan mật thiết giữa Ngôi Cha và Ngôi Con trong những ngày đặc biệt này, nhắc nhớ mỗi người nới rộng khoảng không gian nội tâm, trở về sống thực với lòng mình, là cơ hội để canh tân đổi mới đồng thời trở nên thân thể của Đức Giêsu Kitô như Ngài mong muốn.

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà Phụng vụ Lời Chúa lặp đi lặp lại cuộc Thương khó của Chúa Giêsu Kitô  và những biến cố liên quan ít nhất ba lần trong một tuần. Cùng lắng nghe và suy niệm chặng đường Tử nạn của Đấng Cứu Thế, ắt hẳn sẽ khám phá được điều kỳ diệu Thiên Chúa gửi đến cho con người. Với niềm tin sắt son vào Chúa Cha, luôn quy hướng về Cha, Chúa Giêsu đã bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá, Ngài đã toàn tâm toàn ý thực hiện Thánh ý của Chúa Cha.

Cây thập tự đã kết thúc cuộc khổ hình của Đức Kitô, mang thân phận yếu đuối, mỏng giòn của phàm nhân, Đức Kitô không tránh khỏi được những bối rối, băn khoăn. Trái tim bằng da bằng thịt của Chúa cũng khắc khoải trong giờ phút cuối cùng, nhưng điều quan trọng là Ngài đã tìm được sự tương giao, nhận ra Thánh ý của Chúa Cha. Và điều cao cả hơn nữa, cây Thánh giá ấy là bằng chứng cho sự tha thứ hoàn toàn tội lỗi do con người gây ra. Đó cũng là cùng đích con đường, dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Không còn một chút nghi ngờ, đây đúng là một huyền nhiệm. Quả thật,  chính Mầu nhiệm này là dấu chỉ cho sự vâng phục tuyệt đối và vô giá. Thiên Chúa, cụ thể là Đức Kitô đã bắt đầu và kết thúc ở lòng yêu mến con người. Tình yêu ấy là cội nguồn và tâm điểm của chặng đường ba năm sống chứng tá và rao giảng hết mình vì Nước Trời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ắt hẳn, Ngài là tấm gương cao cả, mẫu mực tuyệt vời về sự khiêm nhường và vâng phục cho mỗi kitô hữu chúng ta, chỉ có nơi Ngài là nơi hội tụ tất cả những nhân đức tự nhiên và siêu nhiên.

Phần chúng ta, những kẻ mang vết nhơ tội lỗi, bắt buộc phải tự đặt câu hỏi chất vấn lương tâm mình. Đức Kitô làm tất cả những điều ấy là vì ai? Chẳng phải Chúa bị người đời hắt hủi, khinh miệt và sỉ nhục, bị vùi dập dưới những đau khổ là vì chúng ta hay sao? Hà cớ chi, một người mang bản tính Thiên Chúa lại sẵn sàng xuống thế gian để rồi phải chịu đau khổ và bị kết án thảm thương như vậy?

Sống những ngày toàn thể Giáo hội tưởng niệm những biến cố mang tính lịch sử và linh thiêng này, mỗi  người chúng ta hãy bớt một chút thời giờ lắng nghe và suy niệm, để sống những khoảnh khắc hết sức quan trọng và thiêng liêng. Trong thinh lặng, trở về với con người thật của mình, tập tránh xa rác rưởi trần thế, học cách gạt bỏ những ý nghĩ, cử chỉ như ghen ghét, nghi ngờ, ích kỷ, cá nhân, hận thù, chia rẽ…

Nếu ai đó thực sự đi vào cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, trước sự hiện diện của Thiên Chúa, hẳn không khỏi bùi ngùi, xót xa và rồi nhận ra Tình thương bao la, vô bờ bến, tình thương ấy không có gì sánh nổi.

Là một kitô hữu, tôi cũng muốn tận hưởng những khoảnh khắc này nhìn lại chính bản thân mình. Đức Kitô là con Thiên Chúa toàn năng, nhưng lại phải chịu đau khổ, tự hiến đời mình là vì ai? Hồi tâm nhìn lại những gì mình đã sống, có lẽ nhiều lần tôi cũng đối xử tệ bạc và kết án Chúa bằng cách này hay cách khác. Con người tôi cũng đầy dẫy những khiếm khuyết, những lỗi lầm, thiếu sót đã trót phạm; ắt hẳn, không ít lần xúc phạm đến tình thương và lòng từ bi của Chúa. Thật không xứng đáng làm con cái của Ngài. Tôi phải làm gì bây giờ? Liệu tôi có mạnh dạn, can đảm đối diện với nội tâm của chính mình? May thay, nhờ vào Đấng giàu tình thương, đầy lòng trắc ẩn và sự nhẫn nại, luôn mở rộng cánh tay chờ đón, như người cha hết mực yêu thương. Biết là như vậy, nhưng liệu tôi có chịu và làm được những điều Chúa mong muốn hay không hay tôi vẫn còn vương vấn với vật chất, phù vân, những lo lắng, ước vọng trần tục.

Mong muốn được thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Không còn cách nào khác, là để Lời Chúa thấm sâu vào tận xương tủy. Men theo Thánh giá để đi sâu vào trong bí tích Thánh thể, đó là những món ăn tinh thần bổ dưỡng. Nhờ đó, có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc và thực tế hơn tình yêu của Thiên Chúa. Dần dần tôi hiểu và khám phá ra được điều gì Chúa cần và mong chờ trong cuộc sống của tôi ngày hôm nay. Càng hiểu tôi càng yêu mến Chúa nhiều hơn và muốn bắt chước Ngài. Tôi cũng muốn đi tìm và mở rộng mối tương giao trong Chúa cũng như nơi tha nhân.

Mầu nhiệm tình yêu kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng vẹn toàn trước khi rời thế gian để về với Chúa Cha, Ngài đã tận dụng tất cả sinh lực để sống chứng tá và để lại dấu chỉ lớn nhất, cao cả nhất, đó là chính máu thịt của mình. Cây thập tự mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho tâm hồn mỗi người chúng ta. Nhờ cây Thánh giá ấy nhân loại được sống, cũng nhờ cây Thánh giá ấy chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Hãy để Chúa Thánh Thần biến đổi và Thánh hóa tâm hồn mỗi người chúng ta. Ngài là ngọn lửa nhiệt tình yêu mến luôn bừng cháy trong ta, ban thêm nghị lực, giúp ta quyết tâm sửa đổi và theo Chúa đến cùng, để rồi ngày càng làm triển nở Nước Thiên Chúa.

Vì tất cả những lẽ trên tôi có thể trả lời cho câu hỏi mà một em thiếu nhi đặt ra: « tại sao Chúa chết ? », câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, dễ lý giải nhưng mang giá trị bất biến này. Đây là nền tảng cơ bản, để đón mừng Đại lễ Phục Sinh và là bước đệm vững chắc để vươn tới một cuộc sống bền vững, trọn lành và nên Thánh. Ánh sáng Phục Sinh sẽ chiếu rọi mọi nẻo đường và soi chiếu tận đáy con tim nhiều người, sưởi ấm tâm hồn, mang lại ngập tràn niềm vui, làm tăng trưởng và mở rộng mối tương quan với Chúa để ai cũng được sống trong hạnh phúc và bình an.

Ước mong mỗi kitô hữu chúng ta biết cách tận hưởng, sống triệt để tâm tình Tuần Thánh như Giáo hội mời gọi, luôn mang trong mình ước ao sống và khám phá mầu nhiệm bất biến : Thập giá Đức Kitô. Nguyện xin Chúa làm cho tâm hồn của chúng con luôn biết kết hợp mật thiết với Chúa, biết múc lấy nguồn sống bất diệt và diệu vời nơi Chúa hầu luôn sống xứng đáng là con cái Chúa và  chia sẻ cuộc sống ấy với tha nhân.

Phương Thúy, thỉnh sinh oa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ