Trong lễ Truyền Tin ta nghe vang dội tiếng: XIN VÂNG. Không phải một lời mà là hai lời. Lời của Đức Mẹ. Và lời của Ngôi Lời nhập thể. Lời thưa XIN VÂNG của Đức Mẹ ta nghe được. Vì nói bằng ngôn ngữ loài người. Và nói ở dưới đất. Còn lời XIN VÂNG của Ngôi Lời Thiên Chúa ta không nghe được. Vì nói bằng thứ ngôn ngữ loài người không hiểu được. Và nói trong cung lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên trọn cuộc đời của Người là Lời. Nên Lời ấy vang dội trong suốt cuộc đời của Người. Từ suy tưởng đến hành động. Từ lời nói đến việc làm. Từ tử nạn đến phục sinh. Và vì cùng chung một tâm tình nên cả hai lời thưa XIN VÂNG đều có ý nghĩa giống nhau.
1. XIN VÂNG có nghĩa là vâng lời
Đây là ý nghĩa rõ nhất. Ngôi Lời hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Ngay từ đầu Người đã thưa: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Và trong suốt cuộc đời dương thế Người luôn lấy thánh ý Cha làm lương thực nuôi sống. Và Người vâng phục Chúa Cha “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thánh giá”.
Đức Mẹ cũng hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cũng vâng phục suốt đời. Nếu Chúa Giêsu vâng lời cho đến chết trên thánh giá thì Đức Mẹ cũng vâng lời đến đứng dưới chân thánh giá. Sau đó còn vâng phục cả Chúa Con. Để tiếp tục chăm sóc, đồng hành với Giáo hội.
2. XIN VÂNG có nghĩa là từ bỏ
Chúa Giêsu vì vâng lời mà từ bỏ thân phận là Thiên Chúa. Như lời thư Philipphê: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Từ bỏ thân phận đưa đến từ bỏ tất cả. Từ bỏ thế gian với những tiện nghi hưởng thụ để sống một đời nghèo hèn của anh thợ một.
Đức Mẹ cũng vì vâng lời mà từ bỏ thân phận của mình là Mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ không chỉ từ bỏ thân phận, mà còn từ bỏ tất cả. Từ bỏ ý riêng để hoàn toàn sống cho chương trình của Thiên Chúa. Từ bỏ cuộc sống dễ dãi hưởng thụ để sống đơn sơ khó nghèo. Từ bỏ danh vọng ngoài xã hội để sống âm thầm, ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa.
3. XIN VÂNG có nghĩa là hạ mình
Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Không chỉ hạ mình làm người phàm mà còn hạ mình làm một người nghèo. Không chỉ hạ mình làm người bình thường mà còn hạ mình trở nên tôi tớ cho mọi người. Hạ mình quì gối rửa chân cho các môn đệ. Hạ mình chìm xuống thẳm sâu để có thể gặp gỡ tất cả mọi người ở đáy xã hội.
Đức Mẹ cùng một lòng một ý với Chúa Giêsu. Là Mẹ Thiên Chúa nhưng Mẹ tự xưng là “nữ tỳ” của Thiên Chúa. Không chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Mẹ còn trở thành tôi tớ mọi người, khi đến thăm và phục vụ bà chị họ Êlizabeth.
4. XIN VÂNG có nghĩa là hi sinh
Chúa Giêsu xuống trần theo chương trình của Chúa Cha, là để cứu chuộc loài người. Để cứu chuộc loài người Chúa phải gánh lấy tội loài người. Trở thành của lễ hi sinh đẹp lòng Chúa Cha. Như lời Chúa thưa với Chúa Cha: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài”.
Đức Mẹ cũng dâng trọn cuộc đời mình để làm theo ý Chúa Cha. Từ bỏ chương trình sống độc thân trinh khiết để đảm nhận Chúa Giêsu. Từ bỏ cuộc sống âm thầm êm đềm nơi thôn quê, để theo Chúa Giêsu trên hành trình. Và đứng dưới chân thánh giá. Đó là một của lễ hi sinh đẹp lòng Thiên Chúa.
5. XIN VÂNG có nghĩa là đảm nhận
Khi đã xin vâng, Chúa Giêsu đảm nhận mọi trách nhiệm. Vì để cứu độ nhân loại nên Chúa đảm nhận lấy nhân loại. Nhận cả thân phận. Nhận cả tội lỗi. Nhận cả trách nhiệm đền thay. Đồng hoá với nhân loại.
Đức Mẹ khi đã thưa xin vâng cũng đảm nhận hết trách nhiệm với Chúa Giêsu. Đồng hoá với Chúa. Trao cho Chúa cả máu thịt sự sống. Trao cho Chúa tất cả danh dự và ý nghĩa đời sống. Trao cho Chúa trọn vẹn cuộc đời. Và vì Chúa mà đảm nhận nhân loại. Từ nay yêu thương nhân loại. Che chở và tìm cách cứu chữa nhân loại.
Cử hành lễ Truyền Tin trong thời đại dịch Covid-19, ta sống Lời Chúa hôm nay và mầu nhiệm nhập thể thế nào?
Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi ban Con Một cho loài người. Ta hãy có lòng yêu thương con người. Biết bao người chết. Biết bao người đau khổ. Biết bao người thất nghiệp trong đại dịch này. Đừng sợ hãi. Hãy can đảm lãnh nhận thực tại. Đừng oán hận. Hãy yêu thương. Đừng ngồi than trách. Hãy bắt tay vào hành động.
Chúa Giêsu giáng trần không phải để kết án nhưng để cứu độ. Không phải để ăn trên ngồi trốc nhưng hạ mình gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ đó nhân loại được tha thứ. Được hạnh phúc.
Chúa Giêsu đảm nhận nhân loại. Nhận hết cả tội lỗi. Để đền thay. Để chuộc tội. Để đem lại sự sống. Ta cũng hãy đảm nhận lấy mọi người và cả thế giới trong cơn hoạn nạn. Để yêu thương. Để chia sẻ. Để thấy mình trong anh em. Để cùng chịu chung số phận với anh em.
Viêtcatholic hôm nay đăng tin: Cha Giuseppe Berardelli, coi xứ Casnigo, thuộc giáo phận Bergamo, bị nhiễm Covid-19. Vì bệnh viện quá tải, không đủ máy trợ thở, nên giáo dân góp tiền mua cho ngài một máy. Nhưng khi biết có một bệnh nhân trẻ tuổi hơn không có máy, cha đã tự nguyện nhường máy cho anh thanh niên. Vài giờ sau ngài qua đời. Bà thị trưởng Clara Poli ca tụng đây là hình ảnh đẹp nhất của tâm hồn linh mục. Báo dòng Tên gọi ngài là thánh Maximiliano Kolbe của Ý. Không được dự lễ tang, nhưng 3.200 giáo dân xứ Casnigo đã đứng tất cả ra trước lan can nhà. Khi quan tài của ngài đi qua họ vỗ tay chào biệt ngài với lòng cảm mến vô biên.
Tôi nghĩ rằng cha Giuseppe Berardelli đã sống như Chúa Kitô. Đã từ bỏ thân phận của mình. Đã hạ mình xuống. Đã yêu thương. Đã đảm nhận và có trách nhiệm với anh em. Đã đến cho người khác được sống. Đã XIN VÂNG như Chúa Giêsu và Đức Mẹ hôm nay. Đó là tấm gương cho ta noi theo.
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
(Hình ảnh: sưu tầm)