Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã nghe đi nghe lại đoạn Tin Mừng của Thánh sử Luca (Lc 2, 16-21). Hình ảnh những người chăn chiên và hình ảnh Đức Maria làm cho tôi suy ngẫm rất nhiều.
Những người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi. Họ đã vui mừng và kể điều họ đã được nghe thấy về Hài Nhi. Họ đã nghe thấy điều gì về Hài Nhi? Trong đêm Chúa Giê-su Giáng Sinh làm người, Thiên Thần đã báo cho những người chăn chiên: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: hôm nay, Đấng cứu độ trần gian đã ra đời” (Lc 2, 11). Khi nghe những lời đó, họ đã sợ hãi kinh hoàng. Có thể họ nghĩ rằng họ đang nằm mơ, có thể cái lạnh của đêm đông cũng cản trở họ bước ra khỏi nơi ấm áp của mình, có thể họ đang rất mệt mỏi và buồn ngủ. Nhưng họ đã vượt qua mọi rào cản mà hối hả ra đi đến Bê-lem, sự hối hả này nói lên niềm mong đợi từ bấy lâu nay của họ. Chính sự hối hả đó đã giúp họ gặp được Đấng cứu thế là niềm vui và là nguồn bình an của họ. Sự hối hả ra đi theo lời Thiên Thần báo tin đã mang lại cho những người chăn chiên một điều trên cả tuyệt vời. Khi đã mắt thấy tai nghe niềm vui trọng đại và Đấng cứu thế vừa sinh ra tại Bê-lem, những người chăn chiên rất đỗi vui mừng, khi trở về, họ vừa đi tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Họ không che giấu niềm vui của mình, mà họ chia sẻ niềm vui đó cho những người mà họ gặp gỡ. Điều đó chứng tỏ lúc này những người chăn chiên rất vui và bình an!
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta ngần ngại để nghe và ngần ngại bước đi bởi vì chúng ta còn đầy sự ngờ vực, sự ươn lười. Chúng ta hãy noi gương những người chăn chiên này để bước ra khỏi những điều cản trở chúng ta đi tìm gặp niềm vui và sự bình an đích thực, đó chính là Đức Giê-su Ki-tô. Niềm vui và bình an mà những người chăn chiên có được là nhờ họ có đôi tai và con tim nhạy bén để lắng nghe, đôi chân của họ đã bước đi đúng hướng mà ý Thiên Chúa muốn. Vậy còn chúng ta thì sao? Đôi tai và con tim của chúng ta đang nghe những gì? Đôi chân của chúng ta đang đi về hướng nào?
“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Đây là một điều có thể nói là tóm gọn cả cuộc đời của Đức Maria. Mẹ đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng suốt cả cuộc đời. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng chắc cũng không mấy ai biết đến tước hiệu này. Mẹ luôn âm thầm theo bước Con của mình: trong cuộc đời công khai của Ngài, bên Thánh giá, chứng kiến con yêu của mình đau đớn tột cùng và chết nhục nhã. Có thể nói, Mẹ luôn bước đi đúng hướng, là hướng mà Thiên Chúa vạch ra và là hướng mà Đức Ki-tô đã đi.
Mẹ là một người nữ luôn khiêm nhường, âm thầm phục vụ. Có những lúc Mẹ đã không hiểu những điều mà Con của Mẹ (?), nhưng Mẹ đã “suy đi nghĩ lại trong lòng”, chính vì thế mà từ từ Mẹ đã hiểu được Con mình cũng như hiểu được thánh ý của Thiên Chúa. Trong thế giới hôm này có quá nhiều tiếng động: tiếng động của tranh chấp, bạo lực, bom đạn… làm cho chúng ta khó có được niềm vui và bình an, khó có thể nghe được tiếng thì thầm của Chúa, của anh em đồng loại. Chúng ta cần bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Mẹ Maria, vì như thế chúng ta mới có được sự bình an và mới có thể đem bình an đến cho người khác.
Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng con. Mẹ không chỉ yêu thương Chúa Giê-su Con Mẹ, nhưng tình yêu thương của Mẹ luôn giang rộng trên mỗi người dương thế. Chính vì vậy, Giáo Hội long trọng mừng lễ Mẹ Thiên Chúa ngày đầu của năm mới để xác tín rằng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời cũng là Mẹ của Giáo Hội, của mỗi chúng ta. Có sự nâng đỡ chở che của Mẹ, chắc chắn mỗi người chúng con sẽ được bình an, thế giới sẽ bình an.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn nguyện giúp cầu thay cho mỗi người chúng con, cho Giáo Hội, cho thế giới, hôm nay và luôn mãi. Amen
(Sr Maria Trần Thị Huệ, OA)