-->
Chúa Nhật Phục Sinh
15/04/2017
Đức Thánh Cha công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Phép Lành Urbi et Orbi
19/04/2017
Show all

Gặp Đấng Phục Sinh, gặp được niềm vui

Trong bài Tin Mừng ngày thứ 4 tuần bát nhật Phục Sinh, ta bắt gặp hình ảnh hai môn đệ đi từ Giêrusalem trên núi cao xuống làng Emmau, nơi cách thành Thánh mười một cây số. Đoạn đường đi xuống ấy như chính tâm trạng ‘buồn rầu’ của hai ông. Họ trò chuyện, bàn tán với nhau về những điều xảy ra mà họ không thể hiểu được. Họ thất vọng: “chuyện ông Giê-su Na-da-rét, Người là một ngôn sứ đầy uy thế …. Thế mà Người bị án tử hình, đóng đinh vào thập giá…Chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” Họ đã tin tưởng biết bao nhiêu, kì vọng biết bao nhiêu nơi người Thầy Giêsu. Nhưng, cái chết nhục nhã của Người khiến cho giấc mộng Giêsu của họ sụp đổ, tan vỡ như mây khói. Hỏi sao không buồn cho được ?

Và kìa, trong lúc cô đơn, tuyệt vọng, tủi sầu u ám ấy, Đấng Phục Sinh nhẹ nhàng đến bên họ, cùng đồng hành với họ một đoạn đường. Người lắng nghe và giải thích cho họ bao điều chưa tỏ tường, “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, cho đến những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” Cao điểm của sự hiện diện của Đấng Phục Sinh chính là nghi thức bẻ bánh mà Người thực hiện trước hai môn đệ. Mắt các ông đang khép kín vì những nỗi buồn chợt mở ra dưới tấm bánh yêu thương. Tâm hồn như thửa đất khô cằn của các ông như được tưới tắm. Chúa Giêsu thắp lên trong tim họ một tia sáng, và dường như một ngọn lửa hi vọng lại nhen nhúm tỏa hơi ấm trong sâu thẳm cõi lòng. Hai ông dần dần cảm nghiệm sâu xa hơn ý nghĩa những điều mà các ông đang sống, đang trải nghiệm. Hai ông vội vã quay lại Giêrusalem để báo tin vui gặp Chúa. Ừ, đoạn đường từ Emmau lên Giêrusalem là một đoạn đường đi lên, như chính niềm vui, niềm hoan hỉ đang trào dâng trong tim các ông vậy.

Cũng như hai môn đệ kia, chúng ta cũng đi nhiều đoạn đường Giêrusalem – Emmau như thế trong cuộc đời mình. Nói khác đi, mỗi chúng ta chính là người môn đệ thứ hai không có tên, đang cùng đi với Clêôpát trong hành trình ấy. Có những lúc ta cũng buồn sầu, đau thương, và con mắt như bị che phủ bởi những điều ta không thể hiểu, bởi những việc những người làm ta tuyệt vọng cùng cực. Có những lúc ta như bị cô đơn vây kín, và không còn biết cách tin tưởng, hi vọng, yêu thương thế nào cho đúng. Có những lúc, tâm hồn ta như ‘chết’ trong một thân xác ‘sống vật vờ’. Những lúc ấy, ta được mời gọi dừng lại, lấy thời gian mà đọc lại hành trình cuộc đời của mình. Hai môn đệ ấy có Chúa Giêsu đồng hành, sẻ chia, vậy chúng ta có nhận ra những ‘Chúa Giêsu’ khác trong cuộc đời mình, đang cùng đồng hành với ta trên đoạn đường rất trũng ấy để giúp ta khám phá lại ý nghĩa của cuộc sống hay không? Liệu chúng ta có biết cảm ơn họ về sự âm thầm của họ bên đời chúng ta không? Chúng ta có đủ niềm tin để tặng cho bản thân mình cơ hội khám phá và nhìn ra ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không ngừng dành cho ta hay không? Và nếu đã thấy Chúa, liệu ta có đủ khiêm nhường và tình yêu để mời Chúa ở lại với chúng ta, ở lại trong gia đình chúng ta, trong giáo xứ chúng ta khi ‘trời đã xế chiều và ngày sắp tàn’ hay không?

Hai môn đệ trên đường Emmau xưa may mắn được gặp Đấng Phục Sinh và để cho niềm vui Phục sinh lan tỏa trong tâm hồn họ. Chúng ta, ngày hôm nay, không nhìn thấy cũng không chạm được đến Đấng Phục Sinh, nhưng khi đến với bàn tiệc Thánh Thể, ta có cơ hội cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương vô bờ bến của Người. Nơi bàn tiệc ấy giúp ta hiểu rằng ta không bao giờ một mình, để tin rằng ngược xuôi ngang dọc tung hoành trong đời, Thiên Chúa luôn đi cùng ta. Hãy để cho niềm vui được gặp Chúa và có Chúa trong đời ngập tràn trong ta, hầu ta có thể ra đi loan báo Tin Mừng này đến toàn thể địa cầu. Bởi lẽ, nếu như không có Chúa, không gặp được niềm vui và sự bình an Phục Sinh, ta lấy gì trao ban cho nhân loại đang khắc khoải tìm Chúa và tìm hạnh phúc an yên?

Sr Thục Đoan, O.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ