Hẳn không ít người tò mò dừng chân tham vấn, tìm hiểu hay có khi tham dự chương trình này. Chương trình mang tên « Cercle de silence » có thể tạm dịch là : “Vòng tròn thinh lặng”. Đây là chương trình được khởi xướng từ tháng 10 năm 2007 bởi các tu sĩ dòng Phanxicô, dành cho tất cả mọi tầng lớp xã hội, dân bản địa, dân nhập cư, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo… Ai cũng có quyền tham gia, với mục đích kêu gọi và đòi các quyền phù hợp với chế độ bảo vệ quyền trẻ em, phụ nữ, bảo vệ tư cách nhân phẩm của con người. Đặc biệt là dành cho người dân di cư, không có giấy tờ tùy thân. Cụ thể được diễn ra vào mỗi thứ Sáu, tuần thứ Ba trong tháng tại các quảng trường lớn của các Trung tâm thành phố lớn, nhỏ trên khắp nước Pháp. Quảng trường là nơi gặp gỡ, thư giãn … của người dân, thỉnh thoảng lại có chương trình này nên, có người còn nói, đây là một hiện tượng lạ, nghe cũng có lý, bởi Trung tâm thành phố là nơi người người qua lại tấp nập với các trung tâm dịch vụ, các cửa hiệu và đầy đủ mọi hoạt động, buôn bán, trao đổi. Mọi người tới đây quy tụ với nhau tạo thành một vòng tròn, đứng giữ thinh lặng tuyệt đối trong vòng một giờ đồng hồ, trên người đeo các khẩu hiệu : đoàn kết, đòi quyền trẻ em, phụ nữ, bình đẳng… Có người được giao trách nhiệm phân phát tờ rơi, thông tin… Những người tham dự có thể cầu nguyện hoặc để tâm đến những người dân vô gia cư, không có giấy tờ hoặc cầu nguyện theo ý riêng của họ. Chương trình này còn tùy thuộc vào tình hình dân cư mỗi thành phố, vì thế mà cách tổ chức có phần hơi khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện sự quan tâm của người dân dành cho dân nhập cư.
Qua những lần tham gia chương trình này, trong đầu tôi không ngừng đặt ra nhiều thắc mắc. Thắc mắc vì giữa một thế giới hiện đại ngày nay, con ngươi dần dần bị che mờ bởi máy móc, vi tính, điện tử, các thiết bị hiện đại, con người ngày càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ giữa những cảnh xô bồ của cuộc sống bon chen và vô cảm. Vậy mà lại tồn tại những chương trình như thế này. Cuộc sống hiện đại quá đầy đủ về mặt vật chất đến nỗi tinh thần tương trợ đã trở thành một thứ lỗi thời, xa xỉ, đó là bức tường ngăn cách con người đến với con người. Đành rằng với những lo toan của cuộc sống nhưng cuộc sống của con người đâu chỉ là tiền, tài, danh vọng. Bất cứ người nào sinh ra đã mang trong mình tính thiện, đó là căn nguyên của con người nhưng cuộc sống, môi trường ngày nay đã làm khuất mờ đi. Giới trẻ ngày nay thường hay than phiền là cuộc sống quá bận rộn đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng sự góp mặt của một số người trẻ một cách nào đó đã đánh động tôi. Tôi cảm nhận được sự đồng cảm, trái tim độ lượng, lòng nhân ái bao dung của những người tham dự. Bởi sau giờ thinh lặng, đây còn là dịp gặp gỡ của mọi người đến từ các khu vực, các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau, những lời hỏi thăm, trao đổi và chia sẻ với tinh thần cởi mở, thân ái. Đối với người Kitô hữu, ai đã từng biết đến hoặc tham gia chương trình này cũng cảm nhận được điều kỳ diệu là sức mạnh của lời cầu nguyện, trái với các cuộc biểu tình đình đám, rầm rộ hay bằng vũ lực. Vòng tròn thinh lặng cũng mang tính chất một cuộc biểu tình nhưng diễn ra một cách nhẹ nhàng và tĩnh lặng. Trong giây phút thinh lặng nào đó, con người ta sẽ nghe được những tiếng kêu than từ những khu phố nghèo, những khu nhà ổ chuột hay dưới gầm cầu, họ bị bỏ rơi, đói khổ giữa những bước chân xôn xao và hờ hững. Thấu hiểu được nỗi đau khổ tuyệt vọng của họ, một số người dân đã nhiệt tình, hưởng ứng tham gia chương trình này, dù chưa mấy nổi bật nhưng tính đến nay số lượng lên tới trên 175 địa điểm như vậy.
Đang sống trong những ngày gay gắt, khi mà chính phủ Pháp quyết định trao trả về nước số đông những người vô gia cư, không có giấy tờ tùy thân, gọi là « Roms ». Đề tài này nóng bỏng trên các mặt báo cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có rất nhiều xu hướng, quan điểm khác nhau nhưng rất nhiều nhiều người không đồng tình với sắc lệnh này. Cuộc sống quá khó khăn nơi chôn nhau cắt rốn, họ rời quê hương mong muốn tìm chốn nương thân, lý do cũng chỉ là cơm, áo, gạo, tiền. Một trong những người đứng ra kêu gọi bảo vệ và lo cho dân di cư là cha Arthur Hervet, tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời, một khuôn mặt hết sức thân thiện và gần gũi với họ từ nhiều năm nay. Qua những bài phỏng vấn của báo chí, truyền thông, cho thấy cha thấu hiểu được sự thiếu thốn, cực khổ, sự cấp thiết, phải kêu gọi sự giúp đỡ. Và cha quá thất vọng về các nhà lãnh đạo Pháp nhưng cuối bài phỏng vấn, lời nói của cha đã thức tỉnh nhiều người: « Tình thương, sự quan phòng của Thiên Chúa ». Ngay cả khi chính quyền Nhà nước thờ ơ, hững hờ thì cha đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của một số cá nhân, đoàn thể. Và chúng ta càng hiểu rõ rằng quyền lực nếu nằm trong tay những kẻ thiếu đức hạnh và tình thương thì đó là mối hiểm họa cho xã hội và thế giới. Ngay cả lên tiếng bảo vệ sự thật và công lý mà nhiều người cũng phớt lờ nhưng chúng ta nên nhớ rằng vũ trụ không ưu tiên cho bất cứ ai và cũng không loại trừ ai. Càng tham gia chương trình này, tôi càng hiểu và đồng cảm hơn với những người dân nhập cư, không có giấy tờ và cảm nhận được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và nguyện ước một điều là chúng ta hãy mở lòng ra một cách không phân biệt, xóa bỏ những rào cản, ngăn cách, đó là sự phân biệt giàu nghèo, tôn giáo chủng tộc, sự kỳ thị sắc tộc và cùng nhau xây dựng một thế giới an ổn lành mạnh qua bàn tay trợ lực và tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và thầm mong chương trình này ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn để thu hút sự quan tâm chia sẻ và ủng hộ của quần chúng, để ai ai cũng được sống an bình, hạnh phúc trong tin tưởng, phó thác như ai đó có câu :
« Thổi ân tình vào hồn ai ngột ngạt
Sưởi ấm bằng đức tin lặng thầm »
Phương Thúy, tìm hiểu OA