Hàng năm phụng vụ Giáo hội có nhiều ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Maria. Mỗi ngày lễ nói lên một vẻ đẹp, một đặc ân, một khía cạnh nào đó của Đức Mẹ. Tuy nhiên, mỗi độ tháng năm về, người tín hữu nói chung, các tín hữu Việt Nam nói riêng trào dâng những cảm xúc vui tươi rộn ràng vì Tháng hoa; tháng kính Đức Mẹ đang đến. Hòa trong niềm vui ấy là những sinh hoạt đạo đức dưới nhiều hình thức mang tính tâm linh, đượm sắc văn hóa dân tộc như lần hạt, đọc “Sách tháng Đức Bà”, rước kiệu, múa, dâng hoa, những bài thơ, bài thánh ca về Đức Mẹ vang lên sáng tối nơi giáo đường cũng như trong gia đình. Tất cả như muốn thể hiện tấm lòng tôn kính mến yêu Đức Mẹ một cách đặc biệt.
Tục lễ tốt lành của Giáo hội dâng tháng năm tôn kính Đức Trinh Nữ đã có từ cuối thế kỷ XIII. Bằng cách này, hồi đó Giáo hội đã “rửa tội” các lễ hội trần tục thường diễn ra trong cùng thời gian ấy. Đến thế kỷ XVI, nhiều tác phẩm đạo đức xuất hiện cổ động thói quen đạo đức này. Và thói quen này được các tu sĩ Dòng Tên yêu mến đặc biệt. Khoảng năm 1700 đã bắt đầu phổ biến trong giới sinh viên tại học viện Roma của Dòng và ít lâu sau đó được công khai thực hành tại nhà thờ Gesù, Roma. Từ đó loan truyền khắp Giáo hội và tiếp nối cho tới ngày nay.
Việc các tín hữu dành cho Đức Maria những tâm tình yêu mến đặc biệt trong Tháng hoa không có gì khó hiểu, rất tự nhiên. Ai mà chẳng yêu mến mẹ mình. Ai mà chẳng dành cho người mình thương mến điều hay lẽ phải. Ai mà chẳng bị thu hút bởi người tốt lành thánh thiện. Hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, lòng tôn kính, sự hy sinh, biết ơn… Những bông hoa tươi thắm mà các tín hữu thường dâng cho Đức Mẹ trong Tháng hoa gói gém bao tâm tình mến yêu của những người con muốn dành cho Đức Mẹ.
Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật