“HƠI THỞ NÀY HÔM NAY LÀ CỦA CHÚA, VÀ NGÀY MAI CŨNG LÀ CỦA CHÚA…”
Từ xưa đến nay, mỗi lần chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh, con người luôn nhìn ra sự hữu hạn mong manh của mình trước cái mông mông vô hạn của Tạo Hóa. Dù thuộc tôn giáo nào, dù thờ vị thần nào, con người vẫn ý thức rằng nay mai tôi sẽ nằm im dưới ba tấc đất, kết thúc hành trình trên chốn dương gian.
Khi theo đạo Công giáo, các tín hữu tin mãnh liệt về sự sống thay đổi chứ không mất đi sau khi hồn lìa khỏi xác. Cái chết thể lý không phải là dấu chấm hết của mỗi người, nhưng là cửa ngõ dẫn đưa con người đến với một thế giới mới, thế giới không còn khái niệm không gian – thời gian, thế giới của tình yêu – hạnh phúc thật, và thế giới đó có Thiên Chúa!
Trong thời gian phục vụ thiện nguyện tại Bệnh viện Hồi sức Covid Quận 9, tôi đã đi cùng một bệnh nhân nam qua cửa tử và nghiệm rằng đó là nơi buộc phải đi qua. Bác này cùng con trai nhập viện, là giáo dân xứ Gia Định. Thời gian trôi qua, con trai bác khỏe mạnh, được xuất viện nhưng cứ nán lại đợi bố về cùng, nhưng rồi đợi không được vì bác còn lắm liệu trình để chữa trị và bệnh viện thiếu giường cho bệnh nhân, nên anh con trai về gia đình trước. Còn lại một mình bác, mấy ngày đầu bác rất khỏe, tinh thần lạc quan, mỗi lần trò chuyện thì đều muốn cùng tôi nói về Chúa. Sau đó bác yếu dần đi, thở máy và cần người cho ăn. Bác chỉ có thể mở mắt và thều thào vài câu rất ngắn. Bác bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, nghĩ rằng không qua được. Dẫu vậy, điều khiến tôi phải suy nghĩ mỗi khi đến phục vụ bác là câu nói: Con tin Chúa đang chờ con, Chúa rất thương con, cuộc đời con sống đến bây giờ là nhờ ơn Chúa. Ngày cuối cùng bác còn ý thức và nhận ra tôi, bác đã khóc. Nước mắt chảy trên khuôn mặt buồn. Sau hôm đó bác được chuyển xuống cấp cứu vì tim ngừng…
Vậy đấy, bất lực là cảm giác của người đang dần trút hơi thở, và cũng của những người chung quanh khi thấy họ sắp lìa đời. Dù mạnh mẽ, dù vẫy vùng bao nhiêu chăng nữa, nhưng khi đối diện cái chết, ai cũng phải sợ, phải khóc. Đổi lại, niềm tin tôn giáo là một chỗ nương tựa chắc chắn, có thể nói đó là nơi trông cậy bám víu cuối cùng của họ để họ vượt qua. Mọi của cải thế gian này đều vứt bỏ, chỉ có tấm thân trần trở về với Hóa Công.
Tháng 11 – một tháng rất đẹp của thời gian, tháng của mùa thu lá vàng rụng. Đạo Công giáo cũng lấy tháng này để hướng về những người đã qua đời để biết ơn và cầu nguyện cho họ. Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh dịch bệnh Covid, tâm tình tháng Các Linh Hồn cũng chất chứa và đặc biệt hơn. Sự mất mát quá nhiều, quá đột ngột là kinh nghiệm chung của chúng ta, và cũng là một lời mời gọi thẳm sâu thúc giục chúng ta tái khám phá ý nghĩa cuộc đời để chọn lựa sống cho xứng hợp. “Tựa bông hoa sớm nở chiều tàn”, chúng ta hãy phó thác tất cả những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta cho Lòng Thương Xót của Chúa, và hãy khiêm tốn ý thức rằng: “Hơi thở này hôm nay là của Chúa, và ngày mai cũng là của Chúa…”
Sr Maria Giuse Tuyết Ny, OA