Người ta thường dùng hình ảnh người lái đò thầm lặng để ca ngợi công sức trồng người của các thầy cô giáo. Bao nhiêu thế hệ sang sông là bấy nhiêu thời gian mà các nhà sư phạm cống hiến cho tương lai đất nước.
Đứng trước những chàng trai cô gái đầy sức sống và triển vọng, người người đều trầm trồ cho sự rèn luyện của lớp trẻ và ngưỡng mộ sự hy sinh của các bậc phụ huynh, chứ mấy ai nghĩ đến quá trình khai sáng của các thầy cô giáo? Có phải đó chính là lí do mà nghề giáo được gắn liền với hai chữ thầm lặng?
Từ nửa sau thế kỉ XX, kể từ khi lá thư gửi các em học sinh năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng phổ biến trên báo Nhân dân số 600, giáo dục nước nhà đã nhắc đến phương pháp giáo dục toàn diện: đức – trí – thể – mĩ. Đức dục để yêu nước, yêu dân, yêu lao động; trí dục để học về tri thức; thể dục để chú trọng sức khỏe; mĩ dục để phân biệt cái đẹp, cái chưa đẹp. Gần 70 năm trôi qua, không thể phủ nhận sự thật rằng, Việt Nam đã có nhiều nhân tài toàn diện.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống đang cho thấy một tình trạng chung về sự vô cảm, thờ ơ, và hành xử lệch lạc của một bộ phận khá đông thuộc nhiều thế hệ trong xã hội, cả trong đời thường lẫn trên mạng xã hội. Nhiều nghiên cứu tâm lí cho thấy, con người đang thiếu chiều sâu trầm trọng, và giáo dục nhân bản đang mờ nhạt trong các chương trình đào tạo.
Ngày 20.11 hàng năm, xã hội rộn ràng không khí tri ân các nhà giáo. Tuy nhiên, ngày này đáng lẽ còn phải đề cao, trân trọng sự cho đi âm thầm của những người khai sáng đức tin, mà những “giáo lý viên” đầu tiên là ông bà cha mẹ. Bằng lời nói và bằng gương mẫu, gia đình là nơi đầu tiên cưu mang và truyền đạt cách làm người và làm con Chúa cho các thành viên từ ngày đầu tiên chào đời mở mắt. Từ đó về sau, những tiếp cận mới hơn, sâu hơn nơi các cha, các thầy, các sơ, các thầy cô dạy giáo lý đã góp phần hình thành nên một mảnh đất tâm hồn tơi xốp và đầy giá trị tâm linh. Như thế, nếu nói theo cách nói của giáo dục Việt Nam, thì một nền giáo dục thật sự toàn diện phải kể thành Tâm dục – Đức dục – Trí dục – Thể dục – Mĩ dục, theo thứ tự tiếp nhận của con trẻ.
Ngồi nhớ lại những khuôn mặt, giọng nói đã từng đến và dạy dỗ chúng ta trong hành trình làm người và làm con Chúa, chúng ta tri ân tất cả những thầy cô giáo đạo lẫn đời, đã nhiệt huyết “dạy đức công chính cho nhiều người”. Đặc biệt, xin cúi mình tri ân những nhà đào tạo tâm linh, đã hoàn toàn vô vị lợi trong công cuộc loan báo Tin Mừng và giáo dục đức tin cho người khác. Xin ghi khắc công ơn của các vị linh hướng vì sự kiên nhẫn của các ngài khi sửa dạy các linh hồn bước trên đường hoàn thiện.
Trong tư cách cá nhân của đời tu sĩ nay đây mai đó, niềm tin “Tôi trồng, Apolo tưới, và Thiên Chúa làm cho lớn lên” là động lực và hy vọng duy nhất cho sứ vụ thầm lặng này.
Xin trao dâng cho Chúa tất cả những người đã – đang – sẽ giáo dục chúng con, và những người mà chúng con đã – đang – sẽ giáo dục.
M.J Tuyết Ny, OA