Mỗi năm, khi Giáo Hội cử hành Tam Nhật Vượt Qua của Chúa Giêsu, tôi luôn bị đánh động bởi những gì thánh Gioan thuật lại trong Tin Mừng của Ngài về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 1-15).
« CỞI » và « LẤY »
Qua việc cởi áo và thắt khăn vào lưng, tôi chiêm ngắm Chúa Giêsu như Vị Mục Tử nhân lành, tự ý hy sinh mạng sống mình vì đòan chiên (Ga 10, 18). Tôi hiểu được như thế nào là yêu thương đến cùng : chọn lựa cởi bỏ, chấp nhận mất hết, không giữ lại gì cho mình để những người mình yêu, quý mến, được có, được sống, được hạnh phúc. Chỉ có những người đi đến cùng trên con đường của yêu thương mới biết được giá trị của cử chỉ này.
Về mặt thiêng liêng tôi thiết nghĩ cử chỉ « cởi » và « lấy » của Chúa Giêsu vạch ra cho tôi một cách sống mật thiết hơn với Ngài, đặc biệt trong Tam Nhật này. Ngài mời gọi tôi cởi những gì còn ràng buộc tôi và cản trở tôi làm chứng cho Tin Mừng.
Nếu tôi không cởi, nếu tôi tiếp tục giữ cho mình thì tôi sẽ không thể lấy được tấm khăn của phục vụ, trong tôi sẽ không có chỗ cho sự sẵn sàng, sự khiêm tốn, sụ nhân lành để đến với tha nhân một cách vô điều kiện.
« ĐƯỢC CHUNG PHẦN »
Chúa Giêsu không chỉ cởi áo và lấy khăn thắt lưng nhưng còn đổ nước và rửa chân cho các môn đệ rồi lau chân cho họ. Trước đây, các môn đệ đã tìm cách để được ở bên hữu hoặc bên tả Người, và Chúa đã phải dạy họ tìm kiếm Nước Trời bằng cách cúi xuống như một người đầy tớ để phục vụ (Mt 20, 26-28).
Đức Giêsu là một vị Thầy tuyệt vời ! Sau ba năm đồng hành, dạy dỗ, chỉnh sửa, khích lệ, các môn đệ giờ « được chung phần » một cách rõ rệt hơn với Thầy của mình qua việc chấp nhận Ngài « rửa » họ. Tôi bỗng nhớ đến việc Chúa đã dùng nước để chữa lành người mù (Ga 9, 7). Một cách rất tế nhị, Chúa dùng nước để nói lên sự thanh tẩy để giải phóng con người khỏi vòng tội lỗi, khỏi sự chết. Sự thanh tẩy này sẽ trọn vẹn qua cái chết của Người trên thập giá để mang lại cho nhân loại sự sống. Sau này các môn đệ sẽ hiểu…
Ngày hôm nay làm sao tôi có thể được chung phần với Đức Giêsu nếu tôi không để Ngài thanh tẩy tôi qua những cái chết hằng ngày của tôi? Làm sao sự gian dối, sự thống trị của sự dữ sẽ bị tan vỡ nếu con người không để sức sống của Ngài lớn lên trong họ?
« LÀM NHƯ THẦY »
Sứ vụ của Chúa Giêsu được cưu mang trong sứ vụ của các Tông đồ. Các ngài được mời gọi « làm như » Thầy Giêsu để Thầy ở lại trong họ. Những gì đã được sống với Người, các môn đệ phải sống như vậy với nhau.
Qua bao thế hệ, hơn hai ngàn năm nay, như Đức Giêsu đã làm, các Kitô hữu cũng đã phục vụ, hy sinh, hiến dâng mạng sống mình chỉ vì yêu.
Trong bữa Tiệc ly này, tôi xin Chúa Cha giúp tôi kết hợp với Chúa Con để cảm nghiệm một cách đặc biệt hơn tình yêu Ngài dành cho tôi, cho những kẻ thuộc về Ngài và cho nhân loại để qua đó tôi có thể yêu đến cùng những người mà Chúa Cha giao phó cho tôi.
Sr Marie-Paulette Thanh Khánh, OA