Nhắm mắt để thử hình dung bối cảnh Tin Mừng hôm nay, tôi tưởng tượng ra những vẻ mặt ngỡ ngàng của các môn đệ ông Gio-an khi chính vị thầy của họ lại giới thiệu cho họ một vị thầy khác. Tôi đồng thời cũng nhìn thấy vẻ hân hoan vui sướng của An-rê khi An-rê kể lại cuộc gặp gỡ của ông với Đấng Mê-si-a cho Si-môn Phê-rô nghe. Rồi tôi như bắt gặp chân dung hai vị thầy Gio-an và Giê-su trong trình thuật: một Gio-an quảng đại, khiêm tốn, sẵn sàng chia sẻ môn đệ mình cho “một người cao trọng dù là đến sau ông”, và một Giê-su kiệm lời “đến mà xem” để đáp lại cho câu hỏi của những kẻ theo mình.
Thật đáng để cùng nhau suy gẫm hành động giới thiệu Đức Giê-su cho người khác của các nhân vật có trong đoạn Tin Mừng này. Gio-an giới thiệu Đức Giê-su cho hai người trong nhóm môn đệ của ông; Giê-su giới thiệu chính mình qua chỗ ở và ngày sống cho hai môn đệ ông Gio-an; An-rê giới thiệu Đấng Cứu Thế cho em trai mình. Dường như kết quả của sự giới thiệu này ngày càng mở rộng ra, và niềm vui của sự gặp gỡ, ở lại là một dấu ấn muôn đời đáng nhớ: Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Cao điểm của những cuộc giới thiệu này nằm ở chi tiết Si-môn được Đức Giê-su gọi thân thương bằng một tên gọi mới. Anh sẽ là Kê-pha!
Trên hành trình theo Chúa, kinh nghiệm gặp gỡ, ở lại, và được biến đổi là một kinh nghiệm đắt giá, có sức nhắc nhớ và duy trì mối tương quan thiêng liêng giữa Thiên Chúa và tạo vật khi đương sự gặp những chướng ngại khách quan hoặc chủ quan trong ơn gọi của mình. Nhiều khi chỉ vỏn vẹn ba từ “đến mà xem” cũng đủ để làm cho một cá vị nào đó tò mò, rồi từ sự tò mò đó, họ có cơ hội theo gót Đức Giê-su sau những ngày đến xem và ở lại. Câu trả lời “đến mà xem” giản đơn và ngắn gọn, song có lẽ đôi mắt Đức Giê-su đã nói rất nhiều khiến những kẻ theo Ngài cảm thấy bình yên, thoải mái và quyết định đến ở lại với Người.
Tựa một hành động hết sức tự nhiên, những người đã gặp Giê-su đều có nhu cầu giới thiệu Giê-su cho người khác. Như An-rê và Gio-an Tiền Hô, họ vui vẻ dẫn người khác đến với Đức Giê-su qua câu chuyện gặp gỡ hoặc những lời giới thiệu. Và như Đức Giê-su, Người sẵn sàng giới thiệu chính mình cho nhân loại qua cuộc sống thường nhật của Người.
Được gọi bằng một tên gọi mới, ấy là dấu chỉ của một sự biến đổi sâu xa nhờ ân phúc gặp gỡ Thiên Chúa. Giống câu Tin Mừng “người chăn chiên gọi tên từng con chiên một” (Ga 10,3), Thiên Chúa cũng yêu vì sủng ái những ai mau mắn tìm đến, nghỉ ngơi và lắng nghe Lời Người.
Ước mong mỗi chúng ta biết dành những giờ phút thinh lặng trong ngày để tìm gặp Chúa, và đủ sức thiêng liêng để sống tinh thần tươi trẻ, hân hoan khi đem Chúa đến cho mọi người.
Sr Marie-Joseph Tuyết Ny, OA