Đây là tuần thứ ba kể từ Chúa Nhật XV Thường niên A, Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm về mầu nhiệm Nước Trời. Hẳn nhiên không phải vì vô tình mà chúng ta có cơ hội nghiền ngẫm các dụ ngôn đầy hình ảnh này. Bằng góc nhìn cá nhân, thiết nghĩ chính do tầm quan trọng của việc tìm kiếm Nước Chúa trong mỗi người và trong thế giới, mà Mẹ Giáo Hội đã khôn ngoan mở dần ra bức màn che đậy muôn vàn điều kì diệu trong thời cánh chung.
Khởi đi từ kho báu chôn trong ruộng, Chúa Giêsu hôm nay giới thiệu cho các độc giả của Ngài điều quý giá hơn mọi thứ của cải gia tài trên trần gian. Đó không phải là kim cương, là vàng bạc theo nghĩa phàm nhân, nhưng là kho báu thiêng liêng, mang lại niềm vui viên mãn cho những ai đã dày công tìm kiếm, tích lũy. Việc Chúa Giêsu dùng hình ảnh “bán hết tất cả” để mua cho được kho tàng trong thửa ruộng nhắc nhở cho người nghe về sự liều lĩnh, táo bạo của nhân vật vô danh trong câu chuyện ngụ ngôn. Chỉ vì muốn có được kho báu, người đó không ngần ngại mua luôn cả thửa ruộng rộng lớn. Đọc ý Tin Mừng này với nhãn quan đức tin và thiêng liêng, chúng ta nhận ra giá trị siêu nhiên của việc từ bỏ. Xung quanh mỗi chúng ta có lắm thứ phù phiếm, mỗi thứ lại chiếm mỗi phần sự chú ý của chúng ta. Dù đang ở bậc sống nào, chúng ta cũng phải đều trung thực nhìn nhận rằng chúng ta bị phân tâm nhiều cho những ảo vọng trần thế. Chính khi phải đấu tranh quyết liệt trong nội tâm để hướng về thượng giới, mỗi chúng ta có cơ hội để tự xét mình, tự xác quyết lại khát vọng sống tiếng gọi siêu nhiên ở nơi sâu thẳm bản thân. Nếu khát vọng này, tiếng gọi này mạnh mẽ và bền bĩ, thì những mời mọc của thế gian đang âm ỉ trong bản năng mỗi người sẽ được loại trừ qua những chọn lựa từ bỏ của chúng ta. Và như nhân vật lí tưởng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng ta đang bước hiên ngang trên con đường tìm kiếm những giá trị chân thật.
Tiếp tục mạch giới thiệu của mình, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về việc phân định, chọn lựa những giá trị mang lại sự sống thật sự qua dụ ngôn chiếc lưới quăng xuống biển. Cuộc sống này tự bản chất là tốt lành, thiện hảo; song kể từ khi con người sa ngã, mọi sự trong thế giới luôn hướng chiều đến cái xấu, bất hảo. Do vậy, khi được gieo trong một mảnh vườn rộng lớn là thế giới, chúng ta được mời gọi hãy “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” để biết chọn lọc những gì giúp bản thân và thế giới thăng tiến.
Cũng như các dụ ngôn đã kể trước đây, Chúa Giêsu luôn cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tác Tạo đầy lòng trắc ẩn và nhẫn nại. Trong dụ ngôn chiếc lưới quăng xuống biển, Nước Trời giữa trần gian này có đủ cơ man kẻ xấu người tốt. Nhưng không dùng phương pháp loại trừ ngay khi vấn đề xảy ra, Thiên Chúa chờ đợi con người hoán cải, Ngài cho thời gian để các tạo vật của Ngài có cơ hội thay đổi. Ở các trang Tin Mừng hay đọc, hạn định của Thiên Chúa là “ngày tận thế”. Đó là ngày mà xấu – tốt, cỏ – lúa được phân biệt rạch ròi. Nhưng ngày tận thế là khi nào? Chúng ta sẽ không đợi đến khi sập trời mới xác nhận “hôm nay là ngày tận thế”, nhưng chúng ta sẽ khôn ngoan ý thức rằng “ngày tôi được Chúa gọi về sẽ là ngày tận thế của tôi.” Ý thức như thế, mỗi chúng ta sẽ có cách minh định chọn lựa sống của mình, để tự lựa chọn cho mình một cái kết xứng đáng sau một chặng đường dài tìm kiếm Nước Chúa.
Lạy Chúa, trên đường trần, con mãi là người hành khất, nên xin thương dạy con biết đếm tháng ngày con sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan…
Sr. Marie-Joseph Tuyết Ny, OA