Trái tim thốt nên lời, thật như có thể nói, lời từ trái tim. Một trái tim chỉ biết yêu và yêu đến tận cùng, dù trái tim không thể nói, nhưng lời từ trái tim đong đầy niềm yêu thương. “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Một trái tim không nỡ từ chối Ep- ra-im, không nỡ để mặc Israel.
Thổn thức vì yêu. Là một trái tim yêu thương hết lòng hướng về người mình yêu, dù có thể mang nhiều thương đau vì bội bạc, vong ân. Một tình yêu người đời không thể chấp nhận, “yêu cho đến nỗi” (Ga 3, 16) hay là “sự điên rồ của thập giá” (1 Cr 1, 18). Không yêu nữa thì bỏ đi luyến tiếc làm gì cho thêm đau khổ. Nói vậy thôi, chứ dễ gì quên được một tình yêu đã bao lần trong vòng tay hạnh phúc, đã bước đi cùng nhau qua bao năm tháng gian khổ cùng nhau gánh vác. Có những tình yêu thật khó quên trong cuộc đời, nên chia tay vẫn đong đầy nước mắt, đau thương cả cuộc đời. Chỉ khi nghĩ lại mới thấy lòng thổn thức: “Một triệu ngôn từ cũng không thể đưa anh quay lại, em biết vì em đã thử. Một triệu giọt nước mắt cũng vậy, em biết vì em đã khóc” (Khuyết danh).
Tình yêu thổn thức khi tình yêu ấy vẫn còn, dù tình duyên đã không thành, nhưng vẫn một ước mơ: “Nếu không còn được gặp nữa. Giữ cho trọn ân tình xưa. Xin gửi em một lời nguyện. Được bình yên được bình yên về cuối đời.” (Bài không tên cuối cùng trở lại, Vũ Thành An). Chúng ta có những khoảng thời gian, ở quãng đường nào đó, tưởng như không thể xa nhau. Khi xa nhau, nhiều năm gẫm lại: “Nếu chúng mình có thành đôi lứa. Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau”. Dù chia tay nhau, hãy gắng nhớ những điều tốt lành đã trao nhau, giữ cho nhau nụ cười. Khi có lần nào gặp lại nhau vẫn giữ lòng ấm áp, vui về những ngày cũ.
Thổn thức như bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Con sóng dưới lòng sâu. Con sóng trên mặt nước. Ôi con sóng nhớ bờ. Ngày đêm không ngủ được. Lòng em nhớ đến anh. Cả trong mơ còn thức. Dẫu xuôi về phương bắc. Dẫu ngược về phương nam. Nơi nào em cũng nghĩ. Hướng về anh – một phương”.
Một tình yêu giữa đời có thể nói lên phần nào tình Chúa yêu thương: “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma, để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.” (Hs 11, 7 – 8). Một tình yêu dù không giữ được đời có nhau nhưng vẫn một lòng yêu, một dây nhân ái để giữ đời nhau. Thiên Chúa yêu thương mang trái tim thổn thức chỉ vì Người là Tình Yêu.
Trái tim bồi hồi. Bồi hồi khi gọi người yêu trở về sống lại tình xưa đã mất, nối lại những gì đã đứt gẫy: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 3, 16). Dù thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẫn chờ đợi ngày lập lại giao ước tình yêu, một tình yêu của thủa ban đầu bồi hồi xao xuyến: “Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa.” (Hs 3, 18).
Tình yêu vừa hạnh phúc vừa đau khổ quyện vào nhau, vừa thổn thức, vừa bồi hồi xao xuyến. Trong tình yêu người ta thường nói: “Cuộc sống không tình yêu, chỉ có nghĩa sống để tồn tại. Để yêu cuộc sống có nghĩa đau khổ và hạnh phúc, nhưng đó là cuộc sống đáng sống.” Chúng ta có thể hiểu tình yêu và muối mặn trong tình yêu gánh vác khổ đau: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 5-17). Đó là tình yêu chết thay cho người mình yêu, không có tình yêu chết thay, có lẽ chẳng phải là yêu thương. Chúng ta cứ nghĩ tình yêu cha mẹ dành cho con, hy sinh tuổi trẻ, vẻ đẹp thanh xuân, dừng lại những khi sự nghiệp đang phát triển, có khi đón nhận cái chết, để con được sống, được lớn lên trong hạnh phúc. Tình yêu là như vậy, người ta sẽ chẳng bao giờ giải thích được bằng lý trí, khi tình yêu chết cho người mình yêu.
Trái tim chịu đâm thâu. Có khi nào chúng ta cảm nghiệm một tình yêu đau khổ đến vỡ nát tim đau. Không thể nói thành lời mà đau thấu trái tim như muốn nổ tung. Trái tim yêu thương của Chúa, dù có bị đâm thâu, dù có bị đổ hết máu và nước, tình yêu ấy vẫn: “Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103, 8 -10). Trong trái tim mở ra luôn luôn đón nhận, luôn luôn chịu đựng và tha thứ, dù có lời cay đắng: “Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27, 41 – 43).
Khi đau khổ chúng ta có thể trách Chúa đã quên ta. Khi ông Gióp quá đau khổ ông đã than van: “Hồn tôi chẳng còn ham sống, tôi muốn để mặc cho tiếng thở than tuôn trào, và muốn thốt ra lời khi tâm hồn cay đắng.” (G 10, 1). Nhưng khi đau khổ đã qua, ông Gióp nhìn lại và xin thưa: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn.” (G 42, 5 – 6).
Tình yêu chỉ hiểu được khi trái tim đã thổn thức và bồi hồi, xao xuyến. Và chỉ hiểu được trái tim khi đã hết lòng, hết sức, hết trí khôn thuần phục tình yêu.
“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31, 3).
(L.m Giuse Hoàng Kim Toan)
Nguồn: Hayvuiluon