SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC PHANXICÔ
MÙA CHAY 2024
Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do
Anh chị em thân mến!
Khi Thiên Chúa mặc khải về Người, thông điệp của Người luôn là thông điệp tự do: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Đây là những lời mở đầu Mười Điều Răn được ban cho ông Môsê trên Núi Sinai. Những người nghe những lời này biết rõ về cuộc xuất hành mà Thiên Chúa đang nói đến: kinh nghiệm nô lệ vẫn còn đè nặng trên thân xác họ. Trong sa mạc, họ đã nhận được “Mười Lời” như một con đường dẫn đến tự do. Chúng ta gọi đó là “các điều răn”, để nhấn mạnh sức mạnh của tình yêu mà Thiên Chúa dùng để dạy dỗ dân Người. Lời kêu gọi đến với tự do là một lời kêu gọi đòi hỏi, khắt khe. Nó không thể được đáp lại chỉ trong một biến cố, nhưng được thực hiện cách trọn vẹn trong hành trình. Giống như Israel trong sa mạc vẫn bám chặt lấy Ai Cập – thực ra, họ thường luyến tiếc quá khứ và lẩm bẩm chống lại Đức Chúa và chống lại ông Môsê – thì ngày nay dân Chúa cũng mang trong lòng những mối ràng buộc đè nặng tâm hồn mà họ phải chọn từ bỏ. Chúng ta nhận ra điều đó khi chúng ta thiếu hy vọng và lang thang trong cuộc sống như thể đang ở một vùng đất hoang vắng, không có một miền đất hứa để cùng nhau hướng đến. Mùa Chay là thời gian ân sủng, trong đó sa mạc một lần nữa trở thành – như ngôn sứ Ôsê đã loan báo – nơi của tình yêu ban đầu (x. Os 2,16-17). Thiên Chúa giáo dục dân Người để họ thoát khỏi cảnh nô lệ và trải nghiệm quá trình chuyển đổi từ sự chết sang sự sống. Như một chàng rể, Người lại kéo chúng ta đến với Người và thì thầm những lời yêu thương vào trái tim chúng ta.
Cuộc xuất hành từ nô lệ đến tự do không phải là một hành trình trừu tượng. Để Mùa Chay của chúng ta cũng trở nên cụ thể, bước đầu tiên là muốn nhìn thấy thực tế. Khi Chúa gọi ông Môsê từ bụi gai đang cháy và nói với ông, ngay lập tức Người mặc khải Người là Thiên Chúa Đấng nhìn thấy và trên hết là lắng nghe: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tuôn chảy sữa và mật” (Xh 3,7-8). Ngay cả ngày nay, tiếng kêu than của nhiều anh chị em bị áp bức đã thấu tới tận trời. Chúng ta hãy tự hỏi: tiếng kêu than đó có thấu đến chúng ta không? Nó có đánh động chúng ta không? Nó có làm chúng ta cảm động không? Nhiều yếu tố khiến chúng ta xa cách nhau, phủ nhận tình anh em vốn nối kết chúng ta từ thuở ban đầu.
Trong chuyến viếng thăm của tôi đến Lampedusa, tôi phản đối việc toàn cầu hóa của sự thờ ơ bằng hai câu hỏi vốn ngày càng trở nên hợp thời hơn: “Ngươi đang ở đâu?” (St 3,9) và “Anh/em ngươi đang ở đâu?” (St 4,9). Hành trình Mùa Chay sẽ cụ thể nếu khi nghe lại những câu hỏi này, chúng ta nhận ra rằng ngày nay chúng ta vẫn còn ở ách thống trị của Pharaô. Đó là sự thống trị khiến chúng ta kiệt sức và tê liệt. Đó là một mô hình tăng trưởng chia rẽ chúng ta và đánh cắp tương lai của chúng ta. Trái đất, không khí và nước bị ô nhiễm, nhưng tâm hồn cũng bị ô nhiễm. Thực ra, mặc dù Bí tích Rửa Tội bắt đầu tiến trình giải thoát của chúng ta g, nhưng trong lòng chúng ta vẫn còn một nỗi nhớ nhung không thể giải thích được về tình cảnh nô lệ. Nó giống như sự thu hút hướng tới sự an toàn của những thứ quen thuộc, gây tổn hại đến tự do của chúng ta.
Tôi muốn chỉ ra cho anh chị em, trong câu chuyện Xuất Hành, một chi tiết không kém quan trọng: chính Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy, cảm động và giải thoát; không phải là Israel yêu cầu điều đó. Trên thực tế, Pharaô cũng dập tắt những giấc mơ, chặn tầm nhìn lên trời cao, khiến cho có vẻ như là thế giới này, trong đó phẩm giá bị chà đạp và những mối ràng buộc đích thực bị phủ nhận, không bao giờ có thể thay đổi. Ông ta cột chặt mọi thứ với ông. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có muốn một thế giới mới không? Tôi có sẵn sàng bỏ lại đàng sau những thỏa hiệp với thế giới cũ không? Chứng từ của nhiều anh em giám mục và đông đảo những người hoạt động vì hòa bình và công lý càng ngày càng thuyết phục tôi rằng chúng ta cần đấu tranh chống lại sự thiếu hy vọng. Đó là một trở ngại cho giấc mơ, một tiếng kêu thầm lặng thấu tới trời và lay động trái tim của Thiên Chúa. Nó giống như nỗi hoài niệm về cảnh nô lệ đã làm dân Israel tê liệt trong sa mạc, ngăn cản họ tiến lên. Cuộc xuất hành có thể bị gián đoạn: nếu không thì không thể giải thích được tại sao một nhân loại đã đạt tới ngưỡng của tình huynh đệ đại đồng và trình độ phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hóa và pháp lý có khả năng bảo đảm phẩm giá cho tất cả mọi người lại đang mò mẫm trong bóng tối của những bất bình đẳng và xung đột.
Thiên Chúa không hề mệt mỏi vì chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận Mùa Chay như thời gian mạnh mẽ trong đó Lời Chúa lại được ngỏ với chúng ta: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Đó là thời gian hoán cải, thời gian tự do. Chính Chúa Giêsu, như chúng ta nhớ hàng năm vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, đã được Thánh Thần thúc đẩy vào sa mạc để thử thách sự tự do. Trong bốn mươi ngày, Người sẽ ở trước mặt chúng ta và ở với chúng ta: Người là Ngôi Con nhập thể. Không giống như Pharaô, Chúa không muốn thần dân mà là con cái. Sa mạc là nơi chốn trong đó sự tự do của chúng ta có thể lớn lên thành một quyết định của cá nhân không quay trở lại tình trạng nô lệ. Trong Mùa Chay, chúng ta tìm thấy những tiêu chuẩn phán đoán mới và một cộng đoàn mà chúng ta có thể cùng tiến bước trên con đường chúng ta chưa từng đi.
Điều này đòi hỏi một cuộc chiến đấu: sách Xuất hành và những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc thuật lại điều này với chúng ta cách rõ ràng. Những lời dối trá của kẻ thù chống lại tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng phán: “Con là Con yêu dấu của Cha” (Mc 1,11) và “Ngươi sẽ không có thần nào khác ngoại trừ Ta” (Xh 20,3). Những thần tượng còn đáng sợ hơn Pharaô: chúng ta có thể coi chúng như tiếng của hắn đang nói trong lòng chúng ta. Có thể làm được mọi việc, được mọi người ngưỡng mộ, thống trị người khác: mỗi con người đều ý thức được sự quyến rũ của lời nói dối này trong lòng mình. Đó là một con đường cũ chúng ta đã quen đi. Chúng ta có thể trở nên gắn bó với tiền bạc, với những dự án, ý tưởng, mục tiêu, với địa vị của mình, với một truyền thống, thậm chí với một số người. Thay vì giúp chúng ta tiến bước, chúng sẽ làm chúng ta tê liệt. Thay vì đưa chúng ta gặp gỡ nhau, chúng sẽ khiến chúng ta xung đột. Tuy nhiên, cũng có một nhân loại mới, một dân tộc của những người nhỏ bé và khiêm tốn không khuất phục trước sự quyến rũ của sự dối trá. Trong khi các thần tượng làm cho những người phục vụ chúng trở nên câm, mù, điếc, bất động (xem Tv 114,4), thì những người có tinh thần nghèo khó lại ngay lập tức cởi mở và sẵn sàng: một sức mạnh tốt lành thầm lặng chăm sóc và nâng đỡ thế giới.
Mùa Chay là thời gian hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là dừng lại. Dừng lại trong cầu nguyện, để đón nhận Lời Chúa, và dừng lại như người Samaria, trước sự hiện diện của người anh em bị thương tích. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là một tình yêu duy nhất. Không có các thần khác có nghĩa là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bên cạnh thân xác của tha nhân. Vì thế, cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc làm độc lập, mà là một động tác duy nhất cởi mở và dứt bỏ: loại bỏ những thần tượng đang đè nặng chúng ta, loại bỏ những ràng buộc đang giam cầm chúng ta. Khi đó trái tim teo tóp và cô độc sẽ thức tỉnh. Vì thế hãy chậm lại và dừng lại. Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống mà Mùa Chay giúp chúng ta khám phá lại, sẽ sinh ra những nguồn năng lượng mới. Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, nhạy cảm hơn với nhau: thay vì những mối đe dọa và kẻ thù, chúng ta tìm thấy những người bạn đồng hành. Đây là giấc mơ của Thiên Chúa, miền đất hứa mà chúng ta hướng tới một khi thoát khỏi cảnh nô lệ.
Hình thức hiệp hành của Giáo hội mà chúng ta đang tái khám phá và vun trồng trong những năm gần đây, gợi ý rằng Mùa Chay cũng là thời gian của những quyết định của cộng đoàn, của những lựa chọn lớn nhỏ đi ngược với dòng đời. Những quyết định này có khả năng thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người và của toàn bộ khu xóm: thói quen mua sắm, quan tâm đến thụ tạo, nỗ lực hòa nhập những người không được nhìn đến hoặc bị coi thường. Tôi mời gọi mọi cộng đoàn Kitô hữu hãy làm điều này: tạo cho các tín hữu của mình những giây phút để họ suy nghĩ lại về lối sống của mình; hãy dành thời gian để xét lại sự hiện diện của mình trong khu vực và sự đóng góp của mình để làm cho nó tốt hơn. Khốn cho chúng ta nếu việc sám hối của Kitô giáo giống như loại sám hối đã khiến Chúa Giêsu buồn lòng. Người cũng nói với chúng ta: “Anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6,16). Ngược lại, hãy để người khác nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt, ngửi mùi hương của tự do và trải nghiệm một tình yêu làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ, bắt đầu từ những người bé nhỏ nhất và gần gũi chúng ta nhất. Điều này có thể xảy ra trong mọi cộng đồng Kitô giáo.
Tùy theo mức độ chúng ta thực hành hoán cải thế nào trong Mùa Chay này mà nhân loại đã lạc hướng sẽ cảm nhận được một sự sáng tạo trào dâng: một tia sáng hy vọng mới. Tôi muốn nói với anh chị em, như với những người trẻ tôi đã gặp ở Lisbon mùa hè năm ngoái: “Hãy tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm. Vào thời điểm lịch sử này, chúng ta đối diện với những thách đố to lớn, chúng ta nghe những tiếng van nài đau đớn của nhiều người. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh. Nhưng chúng ta hãy can đảm để thấy rằng thế giới của chúng ta không phải đang hấp hối mà là đang trong quá trình sinh nở; không phải ở cuối, mà là ở đầu của một chương mới vĩ đại của lịch sử. Chúng ta cần phải can đảm để nghĩ như thế” (Diễn từ với sinh viên đại học, ngày 3 tháng 8 năm 2023). Đó là lòng can đảm của sự hoán cải, nảy sinh từ việc thoát khỏi cảnh nô lệ. Vì đức tin và đức ái nắm tay hy vọng, đứa bé này. Chúng dạy nó bước đi, và đồng thời, nó kéo chúng về phía trước[1].
Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em và hành trình Mùa Chay của anh chị em.
Roma, San Giovanni in Laterano, ngày 3 tháng 12 năm 2023, Chúa nhật I Mùa Vọng.
—————————–
[1] Xem Ch. Péguy, Il portico del mistero della seconda virtù, Milano 1978, 17-19.
Nguồn: https://www.vaticannews