-->
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013
22/07/2013
Lễ tuyên khấn lần đầu 2013
05/08/2013
Show all

RIAD (Rencontre Internationale de l’Assomption pour le Dialogue) – « Gặp gỡ và đối thoại với Phật giáo Thái Lan »

Cứ hai năm một lần, gia đình Dòng Đức Mẹ Lên Trời lại có một cuộc gặp gỡ quốc tế cho việc đối thoại (tôn giáo và văn hóa) gọi tắt là RIAD (Rencontre Internationale de l’Assomption pour le Dialogue). Chủ đề lần gặp thứ 6 – diễn ra từ ngày 15 đến 25 tháng 7 năm 2013 – là « Gặp gỡ và đối thoại với Phật giáo Thái Lan ». 40 tu sĩ nam, nữ của 5 Hội Dòng Đức Mẹ Lên Trời từ 14 nước :  Pháp, Bỉ, Rumani, Chile, Arhentina, Mĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippine, Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam … đã đến Băng-kok, Thái lan – đất nước của Đền chùa và của màu tím hoa lan, sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ý nghĩa này.

Tuy nhiên trước đó, ban tổ chức gồm đại diện Dòng Anh em Đức Mẹ Lên Trời (A.A.), Nữ tu Đức Mẹ Lên Trời (R.A.) và Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời (O.A.) đã mất nhiều thời gian trước đó cho việc lên chương trình, tìm người thuyết trình, chọn những điểm tham quan, giao lưu, học hỏi… Một nét riêng của năm nay là nhờ có sự hiện diện của các sơ R.A. tại Thái lan nên bên cạnh những kiến thức về Phật giáo, văn hóa và xã hội của đất nước Thái Lan, chúng tôi còn được trải nghiệm nhiều kinh nghiệm thú vị trong các Tu viện Phật giáo, đi thăm những di tích lịch sử, những chương trình lo cho người nghèo, di dân, phụ nữ bị lạm dụng, tham dự Thánh lễ ở một số nhà thờ Công giáo Băng-kok hay cùng khám phá ẩm thực Thái ở chợ Chatuchak nổi tiếng v.v.

Mười ngày, không nhiều để khám phá một nền văn hóa của đất nước có bề dày lịch sử và cũng thật giới hạn để có thể hiểu sâu sắc về Phật giáo Thái Lan ( với 95% tín đồ) nhưng những điều đọng lại nơi các thành viên của RIAD qua những gì đã sống, đặc biệt qua kinh nghiệm sống 24h trong một số Đan viện Phật giáo, thì không ít. Chúng tôi có thể tóm gọn lại trong những từ sau :

Tôn trọng : có thể nói, văn hóa của người Thái là văn hóa tôn trọng. Sự tôn trọng ấy được thể hiện ngay trong những cử chỉ của đời sống hàng ngày : họ bỏ dép ra khi bước vào nơi tôn nghiêm như đền chùa, nhà nguyện, nhà khách… ; khi chào, họ chắp tay và cúi đầu ; trong Thánh lễ, họ chắp tay nghe lời Chúa… Thật ra, đây là một điều đáng để ta học hỏi vì thái độ bên ngoài ít nhiều giúp ta đi sâu vào thế giới nội tâm của của mình.

  Đơn sơ : những người tu sĩ Phật giáo mà chúng tôi được gặp rất dễ gần và dễ mến. Họ sống giản dị, không có  nhiều nhu cầu, không gắn bó nhiều với của cải vật chất. Họ ăn 1 hoặc 2 bữa trong ngày và chỉ ăn thực vật… Đời sống giản đơn có lẽ cho họ nhiều không gian nơi tâm hồn để sẵn sàng gặp gỡ chính mình, gặp gỡ thế giới xung quanh. Sự giản dị và thanh bần của họ chất vấn tinh thần sống nghèo khó của tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời chúng tôi.

  Hòa hợp : Các phật tử được dạy « Cấm sát sinh ». Tất cả các sinh vật, dù nhỏ bé, cũng có quyền sống như con người. Vì vậy, mà khi đến các Đan viện, chúng tôi nhận thấy những người sống ở đây rất hòa hợp với thiên nhiên, cây cỏ và mọi sinh vật. Họ trồng trọt và ăn những thứ họ làm ra. Họ hạn chế sử dụng các chất hóa học để diệt trừ sâu, bọ. Họ thu hoạch những gì còn lại. Điều này quả thực tác động đến suy nghĩ của chúng tôi về môi trường : chúng ta không ngừng đẩy mạnh nhu cầu, đẩy mạnh mua sắm, rồi chúng ta sẽ đi về đâu ?

  Niềm vui : Một điều rất ấn tượng với chúng tôi khi gặp những người đang sống lời Phật dạy là niềm vui trên gương mặt họ, một niềm vui trong trẻo, bình dị. Những gương mặt đó làm tôi liên tưởng đến Bài giảng trên núi của Đức Giê-su : « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó… ; phúc thay ai hiền lành… ». Thêm vào đó, phải kể đến niềm vui của gặp gỡ, của sẻ chia và sống chung kinh nghiệm RIAD của anh chị em tu sĩ gia đình Dòng Đức Mẹ Lên Trời dù có đôi chút khó khăn về ngôn ngữ. Tình huynh đệ ấy đã dạy chúng tôi bài học của Đối thoại.

  Đối thoại : Đây vốn là mục đích của RIAD, một nét quan trọng trong linh đạo Dòng Đức Mẹ Lên Trời : thao thức cho hiệp nhất của Giáo Hội, cho phong trào đại kết và liên tôn. Nhưng như Đức Tổng Giám Mục Địa phận Băng-kok  đã chia sẻ với chúng tôi trong bài giảng lễ của Ngài, đối thoại không phải là sự gặp gỡ của 2 ý tưởng nhưng là sự gặp gỡ giữa hai con người với toàn bộ những gì là của họ. Hai con người ấy đồng hành với nhau trên con đường tìm kiếm sự thật. Và đối thoại chỉ thành công khi có sự thinh lặng lắng nghe, khi có sự cởi mở và khiêm tốn. Và như thế, đối thoại là đường đến hiệp nhất.

RIAD đã kết thúc, nhưng như cha Bernard Holzer nói trong Thánh lễ bế mạc : « Bây giờ, RIAD mới thực sự tiếp tục ». Đúng vậy, những gì chúng tôi nhận được trong những ngày ở Thái Lan chỉ là những gợi mở, là cú hích để mỗi người cùng với cộng đoàn của mình, trong điều kiện cho phép, đi xa hơn, dấn thân hơn trong gặp gỡ và đối thoại với Phật giáo : có thể bằng việc chia sẻ niềm tin, xác tín hay cùng chung tay làm việc gì đó cho cộng đồng, cho những người nhỏ bé… Xin Đức Giê-su Ki-tô, con người của đối thoại và hòa bình, đồng hành và dẫn dắt chúng ta.

Sr M-E Giang, OA

XEM THÊM HÌNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ