-->
Chúa Nhật Phục Sinh
14/04/2022
Giới trẻ – Hội Thao Phục Sinh 2022
02/05/2022
Show all

Nguồn gốc tháng hoa

Mẹ ngàn hoa

“Hoa kia dẫu thơm và hương sắc đậm đà,

nhưng đem sánh với Mẹ còn kém thua xa,

vì đây Mẹ là Mẹ ngàn hoa” (Thánh ca)

Mỗi khi tháng năm về, các tín hữu công giáo lại thể hiện lòng yêu mến và tình con thảo đối với Đức Mẹ bằng nhiều cách khác nhau, nhất là qua nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc tháng dâng hoa. Có tác giả cho rằng tháng dâng hoa bắt nguồn từ một tập tục ngoại giáo ở Rôma để kính nữ thần có tên là Flore mà họ xưng là “Nữ Thần Mùa Xuân”. Về sau, tập tục này được “rửa tội” và trở thành tháng tôn vinh Đức Mẹ, giống như nguồn gốc ngày lễ Giáng Sinh. Lịch sử Giáo Hội đã ghi lại nhiều vị thánh có lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Năm 1815, Tòa Thánh ra sắc ban nhiều ân xá cho những giáo hữu sốt sắng làm việc kính Đức Mẹ trong tháng dâng hoa. Đời Đức Thánh Cha Pio IX (1846-1878), tháng dâng hoa đã được Ngài khuyến khích và ban phép mừng long trọng ở Nhà Thờ Thánh Phêrô tại Rôma.

Trong Tháng dâng hoa, các tín hữu mượn hình ảnh và màu sắc của những loài hoa để diễn tả các nhân đức của Mẹ Thiên Chúa. Ngôn ngữ của các loài hoa thật phong phú bất tận, giúp con người thể hiện những điều muốn nói. Đẹp về màu sắc, hình dáng và hương thơm, hoa diễn tả niềm vui mừng hạnh phúc, đồng thời cũng nói nên những ưu tư của kiếp sống con người. Hoa giúp ta tìm thấy niềm hy vọng và hướng lòng ta về sự thanh tao cao thượng, vượt lên những toan tính nhỏ nhen của đời thường. Những đóa hoa không chỉ tỏa muôn hương sắc làm dịu lòng người, mà chúng hàm chứa những ngôn ngữ, những sứ điệp phong phú dồi dào.

Từ xa xưa, các bậc tiền nhân của chúng ta đã rất khéo léo để “hội nhập văn hóa”, đưa quan niệm của người Việt Nam về các loài hoa vào việc sùng kính Đức Mẹ. Trong bài thơ ca tụng Đức Mẹ dựa trên những loài hoa, vẫn quen gọi là “vãn dâng hoa”, có năm sắc hoa được nêu để diễn tả cuộc đời Đức Mẹ: Hoa đỏ, hoa trắng, hoa vàng, hoa tím hoa xanh. Năm sắc hoa diễn tả những nhân đức và những trải nghiệm khác nhau trong cuộc đời dương thế của Đức Nữ Trinh Maria. Màu đỏ là màu máu, diễn tả sự đau khổ hy sinh của Đức Mẹ dưới chân thập giá để thiệp thông với Con mình trong hy tế của giao ước mới. Màu trắng diễn tả đức đồng trinh trọn vẹn của Đức Mẹ. Màu vàng diễn tả lòng yêu mến và trung thành của Đức Mẹ đối với Chúa. Màu tím chỉ sự khiêm nhường của Đức Mẹ từ giây phút Sứ thần truyền tin đến trọn cuộc đời. Cuối cùng, màu xanh diễn tả Đức Mẹ no đầy phúc đức và được Chúa đưa về trời hưởng hạnh phúc viên mãn. Nghi thức dâng hoa còn mượn ý nghĩa của 7 loài hoa trong quan niệm truyền thống Việt Nam để nêu bật những nét đẹp của cuộc đời Đức Mẹ. Đức Mẹ như hoa Hướng dương (hoa Quỳ) luôn một niềm quy hướng về Chúa; Đức Mẹ tinh tuyền như hoa Sen, gần bùn mà cao thượng thanh tao, chẳng vương vấn mùi bùn; Đức Mẹ đầy ân phúc như hoa Lê mang hương sắc độc đáo tuyệt vời; Đức Mẹ khi cuối đời sung mãn phúc đức như hoa Cúc nở vào cuối mùa thu; Đức Mẹ được các thiên thần và các thánh tôn kính như hoa Mai được phong tặng là đứng đầu trăm hoa; Đức Mẹ gần gũi mọi người và bao dung như hoa Mẫu đơn diễn tả tình thương người mẹ; Đức Mẹ cao sang như hoa Lan tinh tế dịu dàng mà tỏa hương thơm ngát. Năm sắc màu cùng với bảy loại hoa làm thành một bản hòa tấu tuyệt vời tôn vinh Đức Mẹ đầy ơn phúc.  Mẹ Maria chính là Đóa Hoa Huyền Nhiệm.

Hoa là phần tinh túy của loài thảo mộc. Trong mọi nền văn hóa, hoa trở thành thiêng liêng, đến nỗi không ai nỡ giày đạp những cánh hoa, dù đã sắp tàn. “Người ta nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” với sự trân trọng. Dường như hoa có “hồn thiêng” được phát biểu qua những sắc màu và hương thơm khác nhau. Bất cứ ai làm nghề trồng hoa đều kinh nghiệm về sự tận tụy chăm bón vun trồng. Hoa được nâng niu ngay từ khi mới trồng, rồi chăm bón cho đúng phương pháp, nhờ đó mới có thể đơm hoa vào thời điểm người làm vườn mong muốn. Đức Maria là Đóa Hoa Huyền Nhiệm của Thiên Chúa. Đóa hoa này đã được chính Thiên Chúa chăm sóc và vun trồng, với mục đích chuẩn bị cho màu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ…” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, ngày 8-12). Mẹ Maria được Thiên Chúa chăm sóc cách đặc biệt để xứng đáng là ngai tòa Ngôi Lời ngự xuống.

Khi ca tụng Đức Mẹ với tước hiệu “Mẹ ngàn hoa”, chúng ta tuyên xưng vẻ đẹp diệu kỳ của Đức Mẹ. Vẻ đẹp này được chính Sứ thần Gabrien ca ngợi: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc  1,28). Đây vừa là một lời chào, đồng thời cũng là lời diễn tả vẻ đẹp siêu nhiên của Đức Mẹ. Vẻ đẹp của Đức Mẹ thật diệu huyền phong phú. Chúng ta mượn sắc đẹp của loài hoa để diễn tả vẻ đẹp của Đức Mẹ. Đức Mẹ là Đấng “Đầy ân sủng”, bởi vì Mẹ luôn đẹp lòng Chúa và Mẹ được hưởng niềm vui tròn đầy do việc Mẹ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.

Khi tôn vinh Đức Mẹ qua vẻ đẹp của những đóa hoa muôn màu, người tín hữu được mời gọi nhận ra mỗi người là một loài hoa trong vườn cuộc đời. Như thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, chúng ta hãy nhận mình chỉ là một loài hoa rất tầm thường mà được Chúa chăm sóc bằng ân sủng của Ngài. Vì được Chúa chăm sóc, nên mỗi đóa hoa phải tỏa hương thơm cho đời. Ơn gọi của người tín hữu là phản ánh vinh quang của Thiên Chúa qua chính cuộc đời của mình. Dù ở địa vị và hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể tôn vinh ca tụng Chúa, giống như các loài hoa dù đa dạng về sắc hương, đều có chung một mục đích là làm đẹp cho đời.

Lạy Mẹ là Mẹ ngàn hoa, xin giúp chúng con biết tỏa hương thơm là sự thánh thiện cho cuộc đời hôm nay. Amen

(Gm Giuse Vũ Văn Thiên)

Nguồn: https://thanhlinhvien.wordpress.com

Comments are closed.

Liên hệ