-->
Hành trình Mùa Chay 2022
14/04/2022
Nguồn gốc tháng hoa
30/04/2022
Show all

Chúa Nhật Phục Sinh

CHÚA NHẬT PHỤC SINH: GIÁO HỘI CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Trình thuật Ga 20,1-9 là một câu chuyện có ba nhân vật, xoay quanh vấn đề ngôi mộ trống. Maria Mađalêna, Phêrô và Gioan được xem như là những người đầu tiện được diễm phúc đối diện với mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu, nhưng đâu là cách các nhân vật này đón nhận mầu nhiệm? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu vắn gọn về họ!

Ngay khi trời đang còn tối, Maria Mađalêna đã đi đến thăm mộ Chúa. Chúng ta bắt gặp một tình yêu nồng nàn tha thiết ở đây. Thời gian, không gian đâu là vấn đề quan trọng? Có lẽ cảm giác nhung nhớ, trống vắng và yêu mến là động lực khiến Maria Mađalêna không ngại quang cảnh tối mờ của buổi sáng ngày thứ nhất. Bà đến mộ, nhưng, kỳ lạ chưa! Tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mộ. Ai lăn đây? Ai làm được chuyện này? Bà hộc tốc chạy về kể với Phêrô và Gioan. Nếu đọc kĩ, chúng ta thấy rõ, Maria Mađalêna chỉ đến đứng trước cửa mộ, chứ tác giả Tin Mừng không nói gì thêm. Đây là dạng Kitô hữu thứ nhất: đứng bên ngoài, và chưa hiểu mặc khải.

Nhân vật kế tiếp, Tông đồ trưởng Phêrô. Dù chối Chúa, bỏ rơi Chúa, nhưng rõ ràng, ngay khi nghe Maria Mađalêna thuật chuyện đã xảy ra ở mộ Chúa, ông vội vàng cùng với người môn đệ kia chạy ra mộ. Sự nhiệt thành, nóng vội của một Phêrô vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Dù chạy ra sau người môn đệ kia, Phêrô vẫn chạy thẳng vào bên trong mộ Chúa. Phêrô có hiểu mầu nhiệm phục sinh không? Tác giả Tin Mừng không cho chúng ta một câu trả lời rõ cho Phêrô, mà chỉ chắc chắn rằng người môn đệ kia tin (x. Ga 20, 8b). Ngay từ những trang đầu các Tin Mừng, Phêrô đã được đặt làm người đứng đầu các tông đồ. Ông là biểu tượng cho hình ảnh một Giáo Hội cơ chế, nhưng còn cần được hướng dẫn. Vậy Giáo Hội cơ chế cần được ai hướng dẫn? Chúng ta cùng tìm hiểu nhân vật thứ ba.

Gioan, “người môn đệ kia”, “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Điều gì khiến Gioan chạy nhanh hơn Phêrô? Có nhiều cách giải thích. Người thì cho là ông trẻ hơn nên chạy nhanh hơn. Người thì nói ông tự tin hơn vì ông theo Chúa đến cùng, còn Phêrô ngượng ngùng vì đã chối Chúa trước đó. Người viết thì thích cách giải thích rằng vì Gioan yêu nhiều nên chạy nhanh. Phải, trong suốt Tin Mừng của mình, Gioan toàn để mình ẩn danh dưới biệt tính “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Đức Giêsu yêu mến Gioan, và hẳn nhiên Gioan cũng yêu mến Đức Giêsu lắm chứ. Việc theo Chúa đến cùng, đứng dưới chân Thập giá, và chắc chắn là tham gia tẩm liệm mai táng Chúa đã đủ để chứng minh cho tình yêu tuyệt đối của Gioan dành cho Đức Giêsu. Gioan đã chạy ra mộ, chạy ra trước, nhưng không vào. Gioan để Phêrô vào trước như một cách tôn trọng phẩm trật, và đồng thời, Gioan có thời gian để nhìn vào. Có ba động từ quan trọng được viết cho Gioan: nhìn, thấy, tin. Đó là cả một quá trình có sự chuẩn bị và chín muồi đúng lúc. Gioan là khuôn mặt đại diện cho một Giáo Hội lòng mến. Chính Giáo Hội lòng mến đã hướng dẫn Giáo Hội cơ chế như hình ảnh Gioan chạy trước trong ý nghĩa là người dẫn đường.

Kết thúc đoạn trình thuật, Tin Mừng khẳng định, trước khi ra mộ và thấy toàn cảnh, hai môn đệ chưa hiểu Đức Giêsu phải từ cõi chết sống lại. Thật vậy, ngay cả khi đi bên cạnh một Giêsu bằng xương bằng thịt, thì hỏi xem có ai hiểu đủ về con người Đức Giêsu chưa, huống hồ là mầu nhiệm đau khổ và Phục Sinh “đầy ngoạn mục”? Cả Phêrô lẫn Gioan đều là hình ảnh của Giáo Hội Chúa, nhưng cả hai vị này vẫn cần nhận được sự soi sáng thần linh, và Đức Giêsu vẫn là cái hồn duy nhất và vĩnh hằng của Giáo Hội. 

Trình thuật ngôi mộ trống là một đoạn Tin Mừng đẹp, được đọc thật chậm rãi và tâm tình vào các buổi sáng lễ Phục Sinh. Hình ảnh các nhân vật trong trình thuật này cho chúng ta một dịp đọc lại niềm tin của mình và cách sống niềm tin đó. Nguyện xin ơn soi sáng của Đấng Phục Sinh rọi chiếu vào nơi sâu thẳm của chúng ta, để chúng ta tái kinh nghiệm biến cố này một cách mới mẻ, năng động và đầy sức sống!

(M.J Tuyết Ny, OA)

Comments are closed.

Liên hệ