“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
Đối diện với Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà Ba Ngôi cũng chỉ là Một Thiên Chúa, chúng ta không biết nói gì và làm gì, nếu không khiêm nhường im lặng thẳm sâu, chiêm ngắm và chờ đợi Thánh Thần giải thích điều mà chúng ta không có thể biết được. Đối diện với điều khó tả, khó giải thích và khó tưởng tượng, chúng ta thường bị cám dỗ dùng những hình ảnh cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta không có quyền tránh né một ngày lễ trọng đại như vậy. Dù sao, Chúa Giêsu cũng đã vén mở một chút tò mò về mầu nhiệm này. Ngài cống hiến cho con người bí mật lớn lao về gia đình: Thiên Chúa không phải là một người độc thân khô cằn khó tính khó nết. Thiên Chúa là một gia đình, Thiên Chúa là tương quan, Thiên Chúa không tự chiêm ngắm mình, vì Thiên Chúa là Ba Ngôi.
Đối diện với mặc khải cao cả này, một số người phản đối một Thiên Chúa trong cả ba ngôi! Thật là vô lý và phản khoa học! Tuy nhiên, nếu có ai nói rằng vào lúc nào đó sẽ có người giải thích được mầu nhiệm về Thiên Chúa, thì người đó cũng sai lầm lớn. Thánh Athanasiô nói: “Một Thiên Chúa mà có thể hiểu được thì không còn là Thiên Chúa nữa”.
Hãy thử hình dung Thiên Chúa bằng những từ ngữ như là một đại dương không bờ bến, một vực thẳm tình yêu, một Everest tình yêu. Tất cả những từ ngữ đó cũng không thoả mãn được. Dù không hiểu gì, chúng ta cứ hãy đến gần chân lý!
Nhiều người kitô hữu sống mà không rút ra được hậu quả của chân lý đức tin quan trọng này. Liệu có bao nhiêu người kitô hữu sống một đời sống tu đức do mầu nhiệm này soi chiếu? Chính Ba Ngôi Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Chính tâm hồn chúng ta là một khách sạn thần linh. Vậy hãy để cho Chúa Cha yêu mến, Chúa Con cứu độ và Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta!
Thiên Chúa Cha ở trong chúng ta. Vì chưng, trong Ba Ngôi, Thiên Chúa Cha là suối nguồn. Chúa Cha chỉ là ân ban, không là gì khác. Người chỉ tồn tại để tự hiến đời đời cho Chúa Con. Chúa Cha yêu chúng ta bằng chính tình yêu mà Người đã yêu Con Yêu Dấu của Người, vì chúng ta là những người con thừa tự. Nếu là một người cha trong gia đình, người cha sẽ bênh vực con cái để con cái không còn sợ, người cha nhẫn nại và tha thứ cho con cái, người cha trao ban tất cả cho con cái không tính toán. Nhưng điều này chỉ đưa ra một ý tưởng nhỏ nhoi về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta mà thôi!.
Hãy trở nên những người con để được Chúa Cha yêu mến vì Người ở trong chúng ta. Đừng bao giờ chúng ta sánh ví Thiên Chúa như một quan xét xử rình chờ khuyết điểm của chúng ta để mà kết tội. Cũng đừng sợ một người Cha, vì Người là một người cha tốt nhất. Một tôn giáo mà coi Thiên Chúa như viên giám thị hoặc cảnh sát, thì không phải là Kitô giáo. Một người cha trần thế có thể ôm đứa con yếu ốm gầy còm khi nó đi xa trở về, phương chi Chúa Cha trên trời lại không có thể tha thứ cho chúng ta tất cả sao? Chúng ta hãy có thái độ của người con hướng về Cha bằng kinh nguyện đích thực, đó là kinh nguyện của người con.
Hãy để Chúa Cha yêu chúng ta! Mỗi buổi tối khi đi ngủ, hãy đi ngủ trong tinh thần phó thác vào cánh tay Cha. Louis Eùvely viết: “phép lạ vĩ đại nhất mà Chúa đã mặc khải cho tôi vượt trên tất cả những điều mà tôi có thể mong ước, đó là tôi là người con. Chúa yêu tôi. Chúa ở trong tôi. Chúa bế tôi. Chúa nuôi tôi. Sự sống mà Chúa ban cho tôi, chính là sự sống sung mãn của Chúa.”
Chúa Con ở trong chúng ta. Người có là bởi Chúa Cha và vì Chúa Cha. Người vui mừng chiêm ngắm Chúa Cha và đón nhận ân ban mà chính Chúa Cha đã ban cho Người. Chúa Con vui mừng vì được làm theo ý Chúa Cha, và vui mừng vâng phục hoàn thoàn Chúa Cha. Thái độ này hoàn toàn chống lại thái độ của Adam và vì thế Chúa Con đã làm cho toàn thể nhân loại được nhận lại chức vị làm con Thiên Chúa. Chúa Con xuống trần gian để cắm mốc con đường hướng về Chúa Cha. Vì vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, Chúa Con là đại diện toàn quyền cho nhân loại chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Người thiết lập lại mối hiệp thông với Thiên Chúa đã bị tội lỗi cắt đứt. Người đã mở cho nhân loại con đường tiệc cưới muôn thuở. Người là Giêsu đích thực, có nghĩa là Đấng Cứu Độ.
Như vậy, nếu Chúa Con ở trong chúng ta, chúng ta hãy cứ để cho Người cứu độ chúng ta. Để được cứu độ, chúng ta phải nhận biết mình nghèo hèn và thiếu thốn. Thiên Chúa chỉ đến với chúng ta nếu chúng ta nhận biết mình khốn khổ và cần đến Người. Cha Charles Monier nói: “Bạn hãy đến! bạn hãy đi tìm Thiên Chúa là đấng đang tìm bạn. Hãy đến với tâm hồn nghèo khó, vất vả, và đói khát. Hãy hướng nhìn Người, hãy nương tựa Người. Người luôn trung thành”. Hơn nữa, chúng ta phải nhận mình là tội lỗi. Nếu không biết nhận mình là tội lỗi, chúng ta sẽ không được Thiên Chúa cứu độ.
Chúa Thánh Thần cũng ở trong chúng ta. Vì trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Người là nụ hôn trao cho nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần không phải là một người quấy rầy hoặc quan sát tò mò tình thân mật của Chúa Cha và Chúa Con.
Như vậy trong con tim chúng ta, Chúa Thánh Thần hương thơm tình yêu dâng trào, là người truyền giáo tình yêu vì tình yêu trải rộng con tim chúng ta. Tình yêu biến đổi người mình yêu mến. Hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta. Chúa Thánh Thần là giáo sư tâm hồn dẫn đưa chúng ta tới sự thật bằng tình yêu. Giáo dục một đứa trẻ trở nên một con người xứng với phẩm giá, là một việc khó. Nhưng Chúa Thánh Thần có thể giúp chúng ta từ một con người trở nên con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta sống một thứ luân lý căn bản là làm đẹp lòng người yêu là Chúa Cha. Đừng bao giờ chúng ta quên mình là người con thừa tự của Thiên Chúa. Hãy làm vinh danh Cha chúng ta!
Con người chúng ta thường bị sức mạnh của thần dữ chiếm hữu hơn là sức mạnh của Thần linh. Nhưng nếu chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, thì tất cả các nẻo đường của chúng ta đi sẽ được biến đổi. Chúng ta sẽ có một đời sống gia đình hoặc đời sống cộng đoàn hiệp nhất sâu xa mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của các ngôi vị. Vì thế, chúng ta hãy để Chúa Ba Ngôi ở trong chúng ta, nếu muốn, thì một ngày nào đó trong cõi vĩnh hằng đến lượt chúng ta chúng ta cũng sẽ được ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
(www.giaophanhunghoa.org)