Từ ngày 14/10 đến 21/10/2012, Giáo Hội dành 1 tuần cầu nguyện cho việc truyền giáo trên Thế Giới.Chủ đề Sứ điệp năm nay được trích từ Tự sắc Porta fidei – công bố Năm Đức Tin – của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Được kêu gọi làm ngời sáng lên Lời Chân lý”.Sứ điệp chia thành bốn phần với các tiểu đề: Giáo hội truyền giáo; Ưu tiên truyền giáo; Đức tin và Truyền giáo; Truyền giáo là Bác ái.
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em, và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.( Mt 28, 19)
Các nhà truyền giáo tiếp tục sống tinh thần Tin Mừng của Đức Kitô một cách nhiệt tình và hăng say. Họ hiện diện khắp nơi trên thế giới, trên mọi nẻo đường của nhân loại để loan báo Tin Mừng và tình yêu của Nước Thiên Chúa cho những ai chưa biết Ngài. Họ truyền giáo cho người khác bởi sự hiện diện, hoặc qua công việc tông đồ bác ái như y tế, giáo dục; họ cũng có thể là những chứng nhân sống động đến gặp gỡ,trò chuyện hay đồng hành người nghèo khó, người công nhân…Bài viết sau đây xin chia sẻ 2 chứng nhân của Tin Mừng vời tư cách là một giáo dân và cũng là tình nguyện viên người Pháp qua sự cộng tác và quen biết với anh em dòng Đức Mẹ Lên Trời; một chứng nhân khác là tu sĩ dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời, sơ đang đi học và làm công tác tông đồ ở Pháp.
“Tên tôi là Greg Hoàng Phúc, tôi là tình nguyện viên với tổ chức DCC. Tôi đã sống ở Việt Nam hai mười tháng rồi, tôi dạy tiếng Pháp cho các học sinh của các dòng nam và nữ Đức Mẹ Lên Trời. Sau 20 tháng, tuy nhiên tôi cảm thấy có nhiều thách thức đối với Việt Nam ngày nay. Trước hết đối với xã hội, ra khỏi « nền văn hóa sống còn » thừa hưởng từ lịch sử nơi mà mỗi người đã tập trung cho lợi ích riêng của họ và học cách lo lắng cho điều tốt đẹp chung và thắt chặt những mối quan hệ tự nguyện. Đối với các bạn trẻ, học cách chọn lựa cá nhân đúng đắn và tự do thực hiện tính nguyên vẹn cái tôi, bao gồm trong đó những tình cảm và những mong muốn sâu đậm của tôi. Nhưng đối với điều đó, chúng phải tìm thấy trên con đường của những người đồng hành của họ để giúp đỡ họ tự do chọn lựa cuộc sống của họ.
Cuối cùng đối với Giáo Hội, rời khỏi nhà thờ, không mang một cái nhìn ngây thơ và khiếm khuyết về xã hội dân sự, mà tỉnh táo, đầy niềm tin và đi vào trong hội thoại, nếu có thể, với các thành phần nhân sự của xã hội này. Và mọi lúc, tiếp tục đào sâu lòng tin của mình, những người tôn giáo tự rèn luyện điều đó.
Nghĩ lại thấy mình cũng là một người ra đi, một người rời đất nước quê hương để đến một nơi xa lạ. Nơi đó không rừng hoang hẻo lánh, không đường món khó đi nhưng không phải con người ở đó tìm thấy và đón nhận đức tin một cách dễ dàng.”
“Đúng vậy, Pháp một đất nước văn minh, giàu có với biết bao công trình kiến trúc đồ sộ, có nhiều người thỏa mãn với nhà cao cửa rộng, với tầm hiểu biết cao về các lãnh vực tri thức, khoa học kỷ thuật. Họ cho như thế là đủ. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người luôn luôn muốn tìm kiếm một cái gì đó cao hơn mình, thiêng liêng hơn mình, cái vượt ra giới hạn của vất chất. Nhưng thật không phải dễ cho họ khi sống trong thế giới vật chất quá đẩy đủ này.
Sang Pháp để tu học từ mấy năm nay, tôi có cơ hội làm mục vụ tại viện Đại học công giáo Lille qua việc dạy giáo lý tân tòng cho các bạn sinh viên đến từ viện đại học và nhiều trường đại học khác nhau của vùng. Nghiệm lại thấy công việc mình làm thiệt nhỏ nhoi, nhưng niềm hạnh phúc thì thiệt lớn lao. Thật hạnh phúc khi có thể nói về Đức Kitô cho họ, có thể truyền đạt, mang Tin mừng tình yêu đến cho các bạn học sinh và sinh viên nơi đây.
Nhiều người khi nghĩ đến Tây Âu là nghĩ đến nền văn minh, sự giàu có đồng thời nghĩ tới lối sống sa đọa, lê là về đạo đức cũng như tinh thần của người dân nơi đây. Nhưng khi tới nơi, sống, tìm hiểu và đồng hành cùng các bạn trẻ tôi mới hiểu thực hư như thế nào, tất cả không như mình nghe nói.
Đúng là sự giàu có, dư thừa về vật chất khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng không cần ai, không cần Thiên Chúa, không cần thượng đế, và ngay cả « không cần chính mình » để rồi rơi vào những thảm cảnh đáng thương. Tuy nhiên cũng có rất nhiều, rất nhiều người luôn luôn hướng tìm chân lý, tìm sự thật, trong đó giới trẻ chiếm một phần rất đông. Qua công việc mục vụ ở viện Đại học công giáo Lille, tôi mới cảm nhận được điều đó. Rất nhiều, rất nhiều bạn trẻ đến gõ cửa nhà xứ, nhà thờ, phòng tuyên úy để hiểu biêt Thiên Chúa của người kitô hữu, để được hướng dẫn lãnh nhận bí tích rửa tội, để được đón nhận vào gia đình lớn là Giáo hội của Đức Kitô.
Các bạn thường chia sẻ lý do khiến các bạn đến gõ cửa Giáo hội là có sự thúc đẩy từ bên trong, cảm nhận được nỗi khao khát tìm gặp Đấng mà người kitô hữu tin, hoặc qua việc gặp gỡ và chứng tá của một kitô hữu nào đó, hay một bạn cùng trang lứa hoặc sau một chuyến hành hương ở đâu đó. Taizé, Lộ Đức, Đại hội giới trẻ là một trong những nơi mà các bạn trẻ cảm nhận được tiếng gọi, tiếng thúc giục của Thiên Chúa mời gọi họ tìm Ngài, mời gọi họ đi xa hơn. Ở giáo phận Lille, một giáo phận miền Bắc nước Pháp, hằng năm thí sinh xin gia nhập đạo rất đông, phần đa là giới trẻ. Ở đây có những năm không đủ người đồng hành, không đủ giáo lý viên để hướng dẫn họ.
Vâng Chúa Thánh Thần vẫn và hằng luôn hoạt động trong Giáo hội và trong tâm hồn của mỗi người. Ngài thức tỉnh những tâm hồn ngủ mê và động viên những người đang trên đường lữ hành tìm kiếm Đấng là Đường là Sự thật và là Sự sống. Thật là một niềm vui lớn khi thấy nhiều bạn trẻ khát khao tìm kiếm chân lý, khát khao đón nhận Tin Mừng tình yêu. Đức tin là hồng ân, là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người và con người hoàn toàn tự do đón nhận hay không đón nhận món quà này. Niềm vui, hồng ân càng lớn lao hơn khi con người đáp trả lời mời gọi này. Gặp gỡ và đồng hành với nhiều bạn trẻ Pháp, tôi cảm nhận được sự « thức tỉnh » sau một giấc ngủ dài và niềm khát khao tìm kiếm Đức Kitô trong họ. Họ tìm kiếm, họ khát khao và họ cũng mong muốn gặp gỡ những chứng nhân của Tin Mừng, chứng nhân của Đấng đã chết, đã sống lạị, đang sống và sống muôn đời. Vì lẽ đó rất cần, rất cần nhiều người thợ thực sự sẵn sàng cho Nước Chúa hiển trị.
Đúng là mùa gặt đã đến, lúa đã chín vàng. Mong sao có nhiều thợ lành nghề cầm liềm cầm hái để cùng nhau xuống đồng truyền giáo. Đừng sợ hãi ra đi, đừng sợ hãi khi cho đi, vì chúng ta tin rằng hạnh phúc khi cho đi sẽ lớn hơn nhiều khi lãnh nhận. Lời bài hát này nói lên niềm hanh phúc vô biên của người thợ Tin mừng: « Bao đồng lúa mênh mông phơi mình dưới nắng hồng lúa đã trổ bông dâng ngàn sức sống, người đi trong đau thương và người về trong nước mắt tay ôm bó lúa lòng mừng bao la »
Kính chúc những người thợ của Tin mừng luôn can đảm và lòng nhiệt thành trong sứ mệnh mang thông điệp tình yêu của Đức Kitô đến cho mọi người!”
Sr Thùy Dung, oa