Chắc nhiều người đã từng đọc: “Khi một người chưa đi qua địa ngục của các đam mê mình thì họ không thể nào thắng nó và hòa nhập nó. Chúng vẫn còn ở trong người đó, vừa tầm tay họ và họ không để ý là chúng có thể bùng cháy và lan ra trong con người họ. Jung luôn luôn nghi ngờ khi thấy ai buông bỏ một cái gì đó một cách tận căn. Nếu có người nào nghĩ rằng theo Chúa là bỏ hết tất cả nhu cầu riêng và tài năng của mình, “cái nguy hiểm là họ thấy các buông bỏ, từ bỏ của họ quay trở lại gấp mười lần”. Và đó là điều Chúa Giê-su cũng đã nghĩ đến khi nói thần xấu mà chúng ta loại bỏ nó để chỉ phục vụ cho Chúa thì lại thấy nó đi về và ở lại trong nhà chúng ta. Khi nó đi trở về nhà, nó thấy nhà được quét tước dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo theo bảy thần khác dữ hơn nó và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước (Lc 11:25). Đôi khi chúng ta hấp tấp nghĩ mình đã quét dọn đuổi tất cả thần xấu đi rồi nhưng nếu chúng ta không canh chừng và không thực tế đối với chính mình, thì chúng sẽ trở lại…” [1]
Tôi rất may mắn được tham dự khóa thường huấn lần 2 dành cho các anh chị em sống đời thánh hiến, với chủ đề “Sống khiết tịnh thánh hiến trong một thế giới tục hóa” tại Trung tâm mục vụ TGP Sài Gòn, diễn ra vào 01-03/03/2018 với hơn 400 tu sĩ nam nữ. Nữ tu Cécile Vũ Trang Nhung của Hội Dòng MTG Thanh Hóa là thuyết trình viên hai ngày đầu khẳng định “đây là chủ đề “hót” “hiếm” và “hóc” vì không ai dám nói đến “cái ấy” “cái khó nói”, mình có mà không dám nói; khó nói; khó trả lời … thế nhưng “đèn lập lờ mờ ảo dễ lừa đảo nhau”. Thời đại của chúng ta có nhiều đổi thay. Ngày càng có nhiều dịp tiếp xúc của nam tu với nữ tu và với môi trường bên ngoài. Có rất nhiều nữ tu cũng đi học và cộng tác với các linh mục hay với nam tu sĩ và có thể là các nam đan sĩ, với các giáo dân trong công việc mục vụ. … Trong tình yêu khác phái, không có sự phân biệt tuổi tác chức vụ. Nếu không để ý, ta dễ bị suy vong. Bởi thế, trong giao tiếp chúng ta cần chú ý: Nơi chốn – Thời gian – Thời lượng – Khoảng cách và giới hạn cần thiết về thể lý cũng như tâm lý. Vì thế với tất cả “ý thức” “tự do” và “lòng muốn” anh chị em tu sĩ cần “hiểu” và “sống” lời khấn này một cách quân bình về mặt sinh lý, luân lý và tâm lý. Và chúng ta biết rằng, khả năng yêu thương khác phái cũng phải “đúng lúc” “đúng nơi” và “đúng đối tượng …”
Ngày cuối của khóa thường huấn, Nữ Tu Thanh Tú, FMM chia sẻ về vấn đề “Lạm dụng tình dục và các di chứng để lại…” Sơ nói “đây là thời điểm “đúng”, thời điểm “đỏ” để ta lên tiếng về vấn nạn này. “Vết thương trong ký ức thể lý” trong tâm hồn ai đó mang vác từ thủa thiếu thời cho tới bây giờ đã đến lúc cần được chữa lành, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đó mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chung của cộng đồng. Xác tín được sơ lặp đi lặp lại nhiều lần “chỉ có ân sủng Thiên Chúa mới có thể chữa lành”. Sơ mời gọi anh chị em tu sĩ mạo hiểm nhảy xuống nước trước… để lắng nghe và đi vào tiến trình chữa lành với Đức Kitô về vấn nạn này.
Khóa học bổ ích cho tôi và có thể cho nhiều anh chị em. Trong các mối tương quan, bản thân mỗi người cần nghiêm túc đọc lại. Đối với tôi, lời khấn khiết tịnh là một thách đố và luôn là thách đố, mình cần nhìn nhận đúng để tự đào tạo mình và giúp người khác nữa. Tôi nghĩ chẳng ai dám “nói trước” điều gì, chỉ biết mình “yếu thì đừng ra gió”. Khi học về lời khấn này tôi vô cùng biết ơn những người thân và những người đã đào tạo tôi qua các giai đoạn tu đức. Họ là mẫu gương mà tôi luôn cần phải học hỏi. Nhiều khó khăn về mặt tâm – sinh –luân lý, đã đang và vẫn luôn trải dài trên con đường thánh hiến. Chúng ta cần “dìu nhau đi” và giúp nhau tìm thấy ơn chữa lành để “cùng ở lại” với Chúa Giêsu Kitô trong ơn gọi của mình.
Sr Têrêxa Hoàn, OA
[1] Anselm Grun, Điều Tôi Muốn Tôi Không Làm, tr. 78