“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 16-20)
Sau khi phục sinh, Đức Giêsu hiện ra với các các phụ nữ và dặn: “Các chị em đừng sợ, về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. (Mt 28,10)
Mười một tông đồ ra đi, trở về miền Galilê, nơi các ông đã sinh ra và lớn lên. Đó là quê hương của các ông, là nơi của những kỉ niệm với gia đình, những buổi đánh bắt cá, của những nghề nghiệp quen thuộc. Và hơn hết, đó là nơi mà Đức Giêsu đã gọi các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)
Nếu như sự hoảng sợ trước cái chết của Đức Giêsu đã làm các tông đồ chao đảo, thì giờ đây Chúa Giêsu Phục sinh mời gọi các ông trở về với gia đình, với làng quê để xa lánh cái thành phố đã gây quá nhiều chấn động nơi tâm hồn các ông, cũng là để đọc lại những kinh nghiệm các ông đã có với Đức Giêsu.
Và, không chỉ dừng lại ở việc nhìn lại những kinh nghiệm đã có với Chúa, các ông còn được mời gọi “đi tới” miền Galilê của niềm vui để gặp Đấng Phục sinh, để hưởng trọn sự sống của Đấng giờ đây được tôn vinh và được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Ngài chính là sự sống và là sự sống lại.
Tiến thêm một bước trong hành trình thiêng liêng để có thể cảm nghiệm tình yêu thương và sự hiện diện của Chúa trong đời sống, ắt hẳn bước chân của các môn đệ rất khác. Bước chân ấy sẽ đong đầy hân hoan và vui mừng vì họ đang đi đến với Đấng Phục sinh. Chính đức tin đã thúc bách các môn đệ đứng dậy ra đi dù rằng các ông vẫn chưa hiểu hết được biến cố Phục Sinh quá trọng đại. Và niềm vui lớn lao hơn cả đó là các ông đã được gặp Thầy tại chính ngọn núi mà trước đây các ông đã từng được nghe Thầy giảng dạy.
Lời từ biệt cuối cùng của Chúa trước khi về trời là lời sai đi hầu làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Sứ mạng của các tông đồ không chỉ là đi theo Đức Giêsu nhưng còn là người chiêu sinh các môn đệ khác trở thành những “kẻ lưới người như lưới cá” . Giờ đây các tông đồ sẽ sống những gì mà Đức Giêsu truyền dạy và chính các ông cũng trở nên những thầy dạy cho muôn người nhận biết Thiên Chúa, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để họ được kết hợp vào đoàn chiên duy nhất của Thiên Chúa. Muôn người sẽ cùng hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và cùng hiệp thông với nhau trong một tình yêu duy nhất, là tình yêu của sự vĩnh cửu, nơi sự sống luôn hiện diện và trường tồn.
Việc Đức Giêsu về trời không phải là tách lìa khỏi chúng ta, nhưng Ngài sẽ ở với chúng ta dưới một sự hiện diện khác thân mật, phổ quát và bền vững hơn. Và hơn hết, Chúa Giêsu hiện diện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào trong cuộc sống của chúng ta. Chính chúng ta cũng phải sống sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút hiện tại của cuộc sống, để có thể cảm nghiệm được Ngài và lắng nghe thánh ý của Ngài.
Cuộc sống bộn bề, tất bật, lo toan,… con người phải chạy đua với thời gian để kiếm miếng cơm manh áo, để lo cho mình có một chỗ đứng trong xã hội và làm sao có được nhiều tiền trang trải cho cuộc sống. Kể cả những bận tâm của đời tu với những thách đố của thời đại… Liệu chúng ta có nhớ đến Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài trong từng phút giây của chúng ta, cho dù phút giây ấy vui hay buồn, thành công hay thất bại? Dẫu biến cố đời thường muôn hình vạn trạng, hãy ghi nhớ một điềurằng: Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta!
Anna Đoàn Thắm – tập sinh OA