> Ơn gọi? – Ai lại chẳng có ơn gọi riêng?
– Không: ơn gọi muốn nói đây là ơn gọi tu trì, ơn gọi tận hiến!
– Ah, là vậy!
“ …thiếu thợ gặt!”: thiếu thợ gặt! thiếu thợ gặt! Phải kêu lên Chúa mới đuợc! – Một phút cầu cho ơn gọi:
– Anh Thư : Chúa ơi! Lúa chính đầy đồng mà thiếu thợ gặt! Xin Chúa sai gấp thợ đến gặt trong đồng lúa chín của Chúa! (x. Mt 9,37b-38; Lc 10,2).
– Chúa: Con nói… gì?
– Anh Thư: … thiếu thợ gặt trong đồng lúa chín của Chúa! Xin Chúa phái họ tới!
– Chúa: Làm sao thiếu được?! Có đến mấy tỷ kitô hữu trong thế giới, giữa loài người mà! Họ sẽ gặt…
– Anh Thư: Có mấy người kitô biết và lo gieo vãi, thu gặt? Chính họ cũng cần được gieo vãi, cần nhận được hạt giống, làm cho nẩy sinh… và thu gặt… Cần gửi thợ chuyên môn đến “gặt” cả họ nữa… Chính vì thế, ở đây, con muốn xin Chúa: gửi linh mục và tu sĩ nam nữ đến… ban thêm nhiều ơn gọi, kêu thêm nhiều người bước vào đời tu trì, tận hiến.
– Chúa: Có bao giờ Chúa kêu thiếu, gửi ít đâu? Luôn luôn gửi đủ, gửi dư…
– Anh Thư: Sao hầu như đâu đâu – nhất là bên Âu Mỹ – cũng thấy thiếu: các nhà, các cơ sở của dòng nam, dòng nữ thiếu nhân sự phải đóng của, bán đổ bán tháo; hàng trăm giáo xứ thiếu chủ chăn phải phân tán, giải thể… ?
– Chúa: Chắc không đó?
– Anh Thư: …thì xin Chúa cứ phái các sứ thần xuống, đi khắp trái đất mà kiểm chứng…
– Chúa: Được!
[một hồi lặng thinh…]
– Chúa: Đúng! Mà tại sao lại thế? Bao giờ Chúa cũng kêu cũng gọi đủ… Nhưng thực tế là thiếu!… Ah, …hiểu ra rồi: kêu gọi mà người ta– nhất là người trẻ – không nghe, không chịu nghe. Họ bịt tai… đi đâu cũng đeo – bưng kín hết hai lỗ tai – bộ ống nghe ca, nghe nhạc cát xét walkman, MP3, ipod, để người say mê uốn quyện theo nhịp điệu các ca khúc rộn ràng, dồn trọn cặp mắt lờ đờ vào những náo hoạt thế tục, những phơi bày lòe loẹt trần gian… Thế thì làm sao nghe được thấy đuợc tiếng Chúa mời gọi!
Thiếu thì đâu có lạ, thiếu là phải! Làm sao đây, con?
– Anh Thư: Làm sao đây, Chúa?
[lại một hồi lặng thinh…]
– Anh Thư: Chúa ơi! Chúa còn nhớ không?
Để khuyến dụ ‘tâm hồn ngoại tình’ trở về với Chúa, Chúa đã nghĩ ra kế này: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó – lòng kề bên lòng, khe khẽ – Ta thố lộ tâm tình.” (Hs 2,16).
– Chúa: Có nhớ! Đúng rồi… nhưng thời nay, đưa vào sa mạc không phải là chuyện dễ, đâu phải chuyện bình thường! Và không phải ở đâu cũng có sa mạc.
– Anh Thư: Chúa Thánh Linh chỉ cho con thấy rồi… cần phải đưa người ta, đặc biệt là các người trẻ, đi vào thinh lặng, bên ngoài và bên trong, tức là khuyến khích, là đưa họ đến tham dự các khóa tĩnh tâm, cấm phòng để họ có cơ hội lắng nghe tiếng Chúa, đọc ra ý Chúa, xem Chúa muốn họ làm gì, thấy rõ Tình yêu vô biên của Chúa… tất họ sẽ nghe và hiểu đuợc tiếng gọi của Chúa, nhận ra ơn gọi của mình, dù là ơn gọi tận hiến!!!
– Chúa: Chí lý, thật chí lý! Con giỏi thật!
Nhưng con phải ra sức – và nói với các bạn của con ra sức – giúp Chúa làm chuyện đó!
– Anh Thư: Amen, amen! Halleluia!
╬
Nhận ra ơn gọi tận hiến? Để sống khác đời, bất thường hoặc là để sống ở một bậc cao hơn, danh dự, vẻ vang hơn người lập gia đình?
– Bất thường? Có phần đúng, nếu chỉ nhìn với cặp mắt trần, tự nhiên (= vô gia đình với đời độc thân, bỏ tư hữu với đời khó nghèo, hiến tự do với ý nguyện vâng phục…); nhưng nếu nhìn với con mắt siêu nhiên thì sẽ thấy đó là công trình của ơn thánh Chúa có khả năng chẳng những làm cho người tận hiến vì Nước Trời sống một cuộc sống bình thường, mà còn nắn đúc nên một kiệt tác siêu việt nữa, kiệt tác biểu hiện cao độ – qua cuộc đời hy sinh tận hiến như Đức Kitô – Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa, nói lên tình trạng siêu thăng cách chung của người lành (“như các thiên thần trên trời…”: Mt 22:30). Cụ thể mà nói ơn thánh biến đổi ấy chính là ơn gọi. Đó là điểm đặc thù của ơn gọi tận hiến, so với ơn gọi làm người, ơn gọi chung.
– Bậc sống cao trọng hơn, danh dự hơn? Nếu do những yếu tố cấu tạo, bậc sống tu trì có hoàn thiện hơn – bởi thế mà gọi là “nỗ lực theo đuổi Đức Ái trọn hảo” (x. Perfectae Caritatis, số 5) – thì không nhất thiết có nghĩa là các cá nhân sống lối sống đó đều thánh thiện trổi vượt hơn người sống bậc gia đình.
– Nhận ra? Không phải cứ có lòng muốn là được? Mà lòng muốn dựa trên những lý do xác minh nào và tự nó tồn vững được bao lâu?! Ơn gọi, ơn biến đổi nói trên đây, trước tiên đến từ Thiên Chúa. Ước muốn từ phía con người chỉ có thể là thái độ đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, chứ không phải là yếu tố chủ chốt, chủ động trong tiến trình ơn gọi. ‘Chỉ có thể’ bởi vì có khi con người muốn, nhưng Chúa lại không muốn (như đọc thấy nhiều lần trong các Phúc Âm), và trái lại! Mặt khác, một khi mời gọi, tất Thiên Chúa phải làm sao để con người có thể nhận ra, nghe thấy… Đúng thế! Thiên Chúa khắc ghi ý của Người, lời Người mởi gọi lên trên cuộc đời, trên toàn bộ cuộc đời người được mời gọi. Vậy, để nhận ra ý của Chúa, nhận ra ơn gọi thì phải đọc lại cuộc đời để thấy rõ những dấu chỉ, những gì Người muốn nói liên quan đến ơn gợi và đời tận hiến…
– Cụ thể mà nói, ơn gọi hoặc ý Chúa về đời tận hiến biểu hiện qua những gì?
Có thể nói vắn tắt: thôngthường,Thiên Chúa nói qua những yếu tố sau đây : 1. trạng thái bình thường trong đời sống tự nhiên (về thể lý, tâm lý, khả năng trí tuệ…), 2. khả năng sống đời độc thân thánh hiến, 3. thái độ thanh thoát đối với tiền của, 4. khả năng bỏ qua ý riêng để đón nhận ý Chúa (biểu hiện qua ý bề trên), 5. khả năngsốngchungvới người khác (cộng đoàn), 6. đời sống thiêng liêng ý thức và đẩy mạnh, và 7. động cơ chính yếu và của riêng mình, thôi thúc chọn đời tận hiến.
– Ai cũng “biết đọc” những gì Chúa viết như thế trên cuộc đời mình?
Dĩ nhiên là không! Có học, có tập thì mới biết đọc; biết đọc những gì dễ rồi tiến dần đến những gì khó, phức tạp… Mà học thì phải có người chỉ dẫn, và cần thời gian. Trong trường hợp ‘đọc ơn gọi’ thì cũng thế! Đọc ơn gọi là chuyện khó, cần phải học, cần phải được hướng dẫn, cần thời gian… Bảy yếu tố nêu trên đây có thể đuợc dùng ngay khi khởi sự nhận định. Cuối cùng, tối thiểu, đương sự nhận định cũng phải tiến đến chỗ có khả năng làm ‘bài toán’ đời mình với sự hướng dẫn của một người kinh nghiệm, chuyên môn trong lãnh vực…
–Nhận định ơn gọi mang lại lợi ích nào?
Khi chưa xác tín thì người ta do dự, phân tâm, phân tán nghị lực, thiếu quyết tâm… Khi chưa xác tín về ơn gọi của mình, thì khó mà dồn hết nỗ lực vào việc tu luyện, thì khó mà sống cho hết mình trong đời tu, thì khó mà nên yếu tố tích cực xây dựng trong đời cộng đoàn, thì khó mà có nghị lực phấn đấu khi gặp khủng hoảng… Đó là chưa nói tới chuyện có thể đi sai đường! Trái lại, xác tín trong ơn gọi – và sống xác tín đó – tất có đủ vốn liếng cho toàn bộ đời tận hiến!
Lm. Minh, SJ