Theo truyền thống của Gia đình dòng Đức Mẹ Lên Trời, bao gồm Dòng Anh em Augustinô ĐMLT (AA), Tận hiến ĐMLT (OA) và Tiểu muội ĐMLT (PSA) đã tổ chức khoá thường huấn hằng năm từ ngày 2/06-6/06/2014 (còn gọi là Session) tại Vũng Tàu. Có khoảng hơn 80 thành viên trong 3 Hội dòng từ Linh mục, tu sĩ nam (nữ), tập sinh, thỉnh sinh và các em tìm hiểu đã có mặt tại Cộng đoàn Bác ái Vinh Sơn Phao lô thuộc Bãi Dâu – Vũng Tàu để tham dự khoá thường huấn này.
“Session” được hiểu như là một khoá học giúp các thành viên trong Gia đình dòng Đức Mẹ Lên Trời hiểu rõ và đào sâu hơn về lĩnh vực “Truyền thông- La communication”, đây được xem là một phương tiện truyền giáo hiện đại của Hội dòng trong thế giới hiện nay.
Người được mời để thuyết trình cho năm nay là Cha André Antony – Tổng giám đốc của Tập đoàn báo chí Bayard Presse ở Pháp. Cha là người đã gắn bó với tòa soạn lâu năm và có rất nhiều kinh nghiệm học hỏi từ những năm tháng thăng trầm của tòa soạn.
Mở đầu một loạt bài thuyết trình của mình, Cha André tạo sự chú ý bằng một câu nói đầy hào hứng: “Tôi đến đây đề truyền tải cho anh chị em niềm đam mê về truyền thông – một trong những đặc sủng của Dòng Đức Mẹ lên Trời chúng ta.”
Với khả năng thuyết giảng lôi cuốn, hấp dẫn và kiến thức sâu rộng , với khoảng thời gian từ 8h- 10h các buổi sáng, Ngài đã chia sẻ được một số chủ đề khá bổ ích và thiết thực.
Trong buổi thứ nhất, Ngài dành thời gian để giới thiệu về Tập Đoàn báo chí Bayard Presse, theo trình tự về lịch sử hình thành, phát triển, mục đích, sứ mạng, tôn chỉ cũng như các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Tòa soạn ra đời với tạp chí định kỳ “Những người hành hương”, đây là tạp chí nhằm lưu giữ và thiết lập các mối tương quan thân thiết với những người hành hương trở về từ Đất Thánh do các Anh em dòng Đức Mẹ Lên Trời tổ chức. Và hiện tại, tòa soạn không ngừng phát triển và mở rộng với nhiều đầu báo nổi tiếng như: Nhật báo Thánh giá ( La Croix), Những người hành hương, Tạp chí công giáo…Lúc này, Tòa soạn trở thành những người đồng hành của độc giả. Bonne Presse hướng đến cuộc sống của phần đông độc giả gắn bó với tòa soạn và thiết lập mối liên kết bền chặt với họ. Đồng thời tòa soạn đặt mình trong bối cảnh của đối thoại với thế giới để gửi đến cho con người những thông điệp tốt đẹp nhất.
Qua phần trình bày, Cha André muốn nhấn mạnh một cách đặc biệt đến căn tính, những nét riêng biệt của Toà soạn Bayard – là một cơ quan ngôn luận của Dòng Đức Mẹ lên Trời, có tính chất chuyên nghiệp cao. Không chỉ đơn thuần là một tờ báo đăng tải, cung cấp những thông tin dựa trên sự thật mà vượt lên tất cả, đó là một toà soạn Công Giáo, là trung gian giữa Giáo hội và thế giới, giữa công giáo và không công giáo… Với tôn chỉ: “Mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người”. Cha nói: “ Chúng ta có quyền tự hào vì có một toà soạn riêng, có tiếng nói riêng, dám nói sự thật, dám tồn tại cho hạnh phúc của con người và dám đem Đức Kitô đến với con người thời đại. Chúng ta sử dụng tiếng nói để giáo dục trẻ em, khuyến khích người trẻ, động viên người già… đưa họ vào con đường dẫn tới tự do, gieo vào lòng họ khát khao thay đổi thế giới…”
Buổi thứ 2, Ngài giúp các tham dự viên nắm bắt được “Chân dung một nhà báo chân chính”. Cụ thể hơn “ Thế nào là một nhà báo Công giáo?” kèm theo đó là những phẩm chất, kỹ năng cần có của một nhà báo công giáo và các công việc của một nhà báo như là tìm kiếm, kiểm chứng, giải thích, đăng tải thông tin, và đặc biệt là Phúc âm hoá thông tin. Ngài khẳng định : “ Nhà báo phải đưa độc giả vào một cuộc chiến rộng lớn”. Nghĩa là báo chí không phải là sự độc tài về thông tin mà cần có sự rộng mở và cho độc giả tham gia vào việc đóng góp, xây dựng và đưa ra ý kiến của họ nữa.“Người làm truyền thông Công giáo không chỉ đưa thông tin theo sự thật mà còn mang lại cho con người niềm hy vọng, sự lạc quan , tin tưởng vào cuộc sống, vào Thiên Chúa tình yêu”. Đồng thời, một nhà báo cần phải biết có khoảng cách với thông tin, với sự kiện, để có thể đưa ra một quan điểm đúng đắn và khách quan…
Chủ đề thuyết trình thứ 3 có vẻ khiến mọi người hứng thú nhất. Cha André đã rất thông minh khi đưa ra cách trình bày chủ đề theo phương pháp mới “Trao đổi làm việc nhóm, đối thoại, xung đột – quản lý và điều tiết xung đột” bằng cách khuyến khích sự tham gia của các thành viên. Với việc thảo luận, hoạt động thành các nhóm đối nghịch ý kiến khi nhìn nhận một vấn đề. Có 4 quan điểm rất sát thực về các vấn đề liên quan đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người tu sĩ ngày nay được đưa ra để thảo luận như: sử dụng điện thoại thông minh, Facebook, xe hơi, và một người bạn khác phái trong đời sống dâng hiến. Qua đó mỗi người tự nhìn lại lối sống của mình và trưởng thành hơn trong đời sống tu trì. Cha đúc kết: “Xung đột trong cuộc sống và đặc biệt trong đời sống cộng đoàn là điều bình thường, cần đối mặt với xung đột để xây dựng và thăng tiến”. Cha cũng đưa ra các biện pháp để giải quyết xung đột có hiệu quả. Yếu tố thời gian, kinh nghiệm và tìm kiếm sự đồng thuận… được xem là quan trọng nhất.
Chủ đề của buổi thứ 4 mang tính thần học khá cao, với một khái niệm khá mới mẻ và trừu tượng về: “Sân chư dân”, được hiểu nôm na là một cuộc đối thoại có hệ thống với những người còn xa lạ với tôn giáo. Qua đối thoại và gặp gỡ, giúp họ hiểu biết về Ngài. Lấy ý tưởng từ cách phân chia khu vực của Đền Thánh Giêrusalem thời Chúa Giêsu. “ Sân chư dân” là nơi khơi dậy niềm khát vọng trong lương tâm con người, là biểu tượng của sự tự do và không bị chiếm hữu, mời gọi con người tạo ra những khoảng trống trong tâm hồn, trong con tim của mình để lấp đầy nó bằng sự thật, bác ái, niềm tin và tình yêu.”
Bài thuyết trình cuối cùng, cha André dành thời gian để giới thiệu một bộ sách giáo lý giáo dục bằng “Sư phạm khơi dậy khát khao (Pédagogie du désir) nơi tâm hồn trẻ em do Tập đoàn Bayard phát hành bao gồm những câu hỏi về đời sống đức tin của trẻ em ở Pháp gửi về toà soạn, được biên soạn công phu và rất khoa học với những hình ảnh minh họa sinh động, phù hợp với tầm tiếp nhận của các em. Đây được xem là một trong những phương pháp khá mới lạ để giáo dục đời sống Đức Tin nơi tâm hồn các em. Bộ sách đã được thử nghiệm ở nhiều nơi và nhận được sự ủng hộ. Kết hợp với việc giới thiệu bộ sách, Ngài cũng trình bày về các phương pháp dạy giáo lý cho trẻ em với thông điệp “ truyền rao niềm tin”.
Một thế giới phát triển, hiện đại cho chúng ta những cách tiếp cận mới , tận dụng những thành quả, “những điều kỳ diệu của công nghệ”, những xu hướng của thời đại để truyền giáo, để hoạt động tông đồ. Truyền thông bằng báo chí, bằng các trang mạng xã hội và các kênh thông tin khác nhau vừa là một thách đố vừa là một niềm hy vọng mới cho Giáo hội nói chung và tu sĩ Dòng Đức Mẹ lên Trời nói riêng.
Ngoài việc tham dự khoá thường huấn, các thành viên còn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, giao lưu, gặp gỡ các anh chị em trong Hội dòng, cùng nhau đi dạo, tắm biển, tham quan núi Đức Mẹ Bãi Dâu, hay quây quần bên nhau ca hát với cây đàn ghita giản dị. Vui nhất vẫn là những giờ cơm “gia đình” ấm cúng với những câu chuyện dí dỏm, thân tình.
Khoá thường huấn không chỉ là khoảng thời gian để các thành viên trong Gia đình Đức Mẹ lên Trời được học hỏi, đào sâu và mở rộng thêm những kiến thức thiết yếu để phục vụ và hoạt động trên cánh đồng truyền giáo hữu hiệu, mà còn là dịp để xây dựng, thắt chặt tình huynh đệ keo sơn của “ những người con cùng Cha sáng lập- Cha Emmanuel d’Alzon.”
Bãi Dâu những ngày hè rực lửa.
Maria Phạm Huệ, tìm hiểu OA.