Hàng năm Giáo hội Công Giáo dành trọn tháng mười làm tháng Mân Côi, tháng kính Mẹ Maria cách đặc biệt. Trong tháng này, Giáo hội khuyến khích và kêu gọi các Kitô hữu siêng năng cầu nguyện bằng việc đọc kinh Mân Côi. Để qua kinh Mân Côi, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho thế giới được ơn sám hối, trở về cùng Thiên Chúa, canh tân đời sống theo Tin Mừng; để khỏi những tai hoạ do tội lỗi của nhân loại gây ra. Đọc kinh Mân Côi để cầu cho thế giới được hoà bình, gia đình được hạnh phúc, con người biết yêu thương nhau…
Bởi vì, chuỗi Mân Côi là dây ràng buộc người Kitô hữu với Mẹ Maria. Chính Đức Mẹ đã ban cho loài người chuỗi Mân Côi, trong đó chứa đựng sứ điệp của Mẹ với những tiếng đơn sơ mà ý nghĩa thâm thuý.
Tháng Mân Côi về, chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua đôi nét về nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị của kinh Mân Côi.
Ngày xưa, các giáo sĩ và tu sĩ đọc 150 Thánh vịnh. Đến năm 1906, các tu sĩ không hiểu biết tiếng La Tinh nên có thói quen đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế cho các Thánh vịnh. Sang thế kỉ XIII, họ đọc 150 kinh Lạy Cha tôn kính Thiên Chúa và thêm 150 kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ. Năm 1300, sau mỗi chục kinh, người ta thường thêm một mầu nhiệm tôn kính Chúa và Đức Mẹ. Năm 1400, các mầu nhiệm được đúc kết thành 15 mầu nhiệm chính. Năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm vào 5 mầu nhiệm sự sáng.
Từ thế kỉ 16, do sáng kiến của các tu sĩ dòng Đa Minh ở Rôma, khi đọc kinh Mân Côi, người ta thường đọc lên ý nghĩa của các mầu nhiệm suy gẫm, một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và kết thúc bằng kinh Sáng Danh… Nhờ đó mà chúng ta có được một gia sản vô cùng quý giá là kinh Mân Côi.
Thời trung cổ, các tín hữu Tây Phương phát triển việc đọc kinh Mân Côi như một hình thức bình dân thay thế cho các giờ kinh Phụng vụ.
Năm 1569, Đức Giáo Hoàng Piô V đã quy định rõ ràng hình thức đọc kinh Mân Côi [2]. Và năm 1572, cũng chính Đức Giáo hoàng Piô V đã lập lễ kính Đức Mẹ thắng trận trên vịnh Nêpan, sau này đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 07 tháng 10 hằng năm.
Chuỗi Mân Côi chính là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. Chuỗi kinh này tóm gọn Phúc Âm thành các mầu nhiệm chính yếu. kinh Mân Côi khởi đầu bằng lời chào của sứ thần Gabriel và Đức Maria khiêm tốn nhận lời.
Quả thế, lời kinh Mân Côi chiêm niệm các mầu nhiệm cứu độ, giúp chúng ta tôn thờ, chiêm ngưỡng và suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu, nhờ đó dâng lên Chúa Cha lời ca ngợi, tạ ơn và cầu xin vì Người đã ban Đấng cứu độ cho nhân loại.
Kinh Mân Côi nhắc nhở chúng ta kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu chấp nhận thân phận con người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, để biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha và phục hồi bản tính nhân loại cho con người vì đã đánh mất do tội lỗi [3].
Kinh Mân Côi nhắc chúng ta kính nhớ mầu nhiệm cứu chuộc. Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã sống một đời sống nhân loại với tất cả sự thiếu thốn, đau thương, ưu phiền, buồn vui… và kết thúc bằng cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc nhân loại [4].
Kinh Mân Côi đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta kính nhớ mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giêsu chiến thắng tử thần, sống lại khải hoàn và lên trời vinh hiển [5]. Mầu nhiệm này khơi dậy niềm tin, niềm hy vọng phục sinh cho nhân loại chúng ta, điều mà Mẹ Maria đã tin, đã hy vọng và đã được Chúa ban đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác.
Hơn nữa, kinh Mân Côi chiêm niệm mầu nhiệm Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ nhân loại. Mẹ Maria được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Bởi thế, Mẹ trở nên cao trọng với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của mỗi chúng ta.
Ngày nay, trước những cám dỗ của thời đại, trước sóng gió cuộc đời, trước mọi biến động xã hội và trước những khó khăn gian nan, thử thách của cuộc đời, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria qua kinh Mân Côi để xin Mẹ cứu giúp nâng đỡ ủi an.
Thật vậy, trong cơn nguy biến, trong lúc ngặt nghèo, trong lúc gian nguy và trong mọi hoàn cảnh éo le khác của cuộc đời, chúng ta đừng quên nhìn lên và kêu cầu Mẹ Maria qua chuỗi Mân Côi. Có Mẹ chở che, chúng ta không sợ chi và có Mẹ dẫn lối, chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến bến bình an.
Pet Võ Tá Đương, OP
Nguồn: http://daminhvn.net/
[1] Phêrô Nguyễn Bá Ân OP, Tu đức học, tr.10
[2] Trong sắc chỉ Consueverunt Romani Pontifices ngày 17/09/1569
[3] xc Lc 2, 6-7
[4] xc Ga 19, 18
[5] xc Lc 24, 51