Ngôn sứ loan báo Lời đã nghe và thể hiện Lời ấy bằng cách sống thông điệp này trước tiên. Họ tố cáo nhưng cũng mở ra những chân trời mới. Một ngôn sứ thực sự phải là một ngôn sứ của niềm hy vọng bằng cách mang đến những viễn cảnh mới cho dân Chúa khi họ bước về phía lời hứa.
Vai trò của ngôn sứ là giữ cho niềm hy vọng luôn luôn sống động, dù cho bất cứ điều gì xảy ra thì Thiên Chúa là người quyết định tất cả. Thiên Chúa vẫn là Đấng chiến thắng và Ơn cứu độ của Ngài đã được thực hiện. Ơn cứu độ này đã được mang đến trong lịch sử. Tùy thuộc vào chúng ta để liệu xem chúng ta, bằng cách nào có thể sống thái độ ngôn sứ theo kinh thánh trong cuộc sống của chúng ta!
2. Ngày hôm nay liệu có còn các ngôn sứ nữa không ?
Còn chứ, Thiên Chúa vẫn mời gọi nhiều người nam người nữ lên tiếng chống lại sự bất công, áp bức, bạo lực, thiếu tôn trọng nhân phẩm, tham nhũng, lạm dụng tài nguyên, phân biệt đối xử xưa và nay trong tất cả các hình thức.
Ngôn sứ ngày hôm qua cũng như hôm nay, phơi bày bộ mặt đen tối, đêm đen của mỗi người và xã hội, của những hệ thống và thể chế. Họ ngăn chúng ta suy nghĩ luẩn quẩn, đi vòng vòng. Họ quấy rầy chúng ta. Họ tố cáo nhưng cũng loan báo. Và, những gì họ loan báo mở ra tương lai và những điều có thể. Lời loan báo của ngôn sứ gây mất ổn định tất cả hiện trạng của xã hội hay của nhóm người mà họ can thiệp vào. Chúng ta cũng biết một số mẫu gương.
Chúng ta có thể nhớ những cái tên như Mẹ Têrêsa ở Calcutta, cha Oscar Rômerô, cha Jean Vanier, sơ Emmanuelle, cha Pierre, thầy Roger, Giám mục Claverie và các đan sĩ ở Tibhirine, Martin Luther King, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, … cũng như tất cả những người dấn thân vì công lý, hòa bình, tình huynh đệ, đoàn kết trong cuộc sống hàng ngày và trong các tổ chức xã hội, nhân đạo, nhân quyền, thúc đẩy hòa bình … Trong số đó, có Đức Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta.
Nhưng đọc và nghe về các ngôn sứ ngày nay cũng có nghĩa là lắng nghe họ. Và ở đây một lần nữa, để đánh giá được mức độ đúng đắn của các ngôn sứ ngày nay thì sự hài hòa với mô hình của các ngôn sứ đi trước là nền tảng.
Các ngôn sứ sống và dấn thân trong hiện tại của mình. Sự can thiệp của họ chạm vào cái “ở đây và bây giờ”. Hơn bao giờ hết, thế giới của chúng ta cần những “ngôn sứ” của hy vọng, hòa bình, đối thoại giữa các dân tộc.
3. Nữ tu Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời, ngôn sứ của niềm Hy vọng
Như mọi tín hữu, chúng ta tham dự vào chức vụ vua, tư tế và ngôn sứ. Trong chính con người Kitô hữu chúng ta mà sứ vụ ngôn sứ được ghi dấu.
Là nữ tu Tận Hiến Đức Mẹ lên Trời, chúng ta phải bày tỏ tính đặc thù của đặc sủng nền tảng của mình trong Giáo hội, niềm đam mê Nước Thiên Chúa với tư cách là những thợ của sự hiệp nhất, và được mời gọi đồng hành với những người nghèo nhất trong xã hội để giúp họ khám phá dấu vết của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Sứ vụ ngôn sứ của chúng ta là trở nên những nghệ nhân của hòa bình và công lý. Làm việc để mở rộng Triều đại của Thiên Chúa giúp chúng ta biến những niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ của thế giới và của Giáo hội chúng ta ngày nay thành tâm tình của chính chúng ta.
Trong thực tế cộng đoàn cũng như trong môi trường Giáo hội và xã hội, chúng ta có thể tự hỏi: Làm thế nào để sống chiều kích ngôn sứ ngày hôm nay? Chúng ta nói gì, truyền đạt gì về khuôn mặt của Thiên Chúa xung quanh chúng ta? Thông điệp của Thiên Chúa là gì? Cuộc sống và hành động của chúng ta trên thế giới này có tiếng nói với những người gặp gỡ chúng ta không? Liệu có sự liên kết nào giữa cuộc đời của người môn đệ Chúa Giêsu Kitô và hành động, lời nói của chúng ta?
Trong hoàn cảnh thế giới đầy rắc rối ngày nay, chúng ta cần phải làm sống lại niềm hy vọng của mình, nếu không, chúng ta có nguy cơ “dậm chân và tự kéo lê” … Một ngôn sứ thực sự không bao giờ hờ hững nửa vời. Họ dám liều mình. Mà chúng ta thì được mời gọi làm muối đất và ánh sáng thế gian!
Lời ngôn sứ về niềm hy vọng không thể được sống nếu không có nội tâm sâu sắc và thiếu gần gũi với cuộc sống cụ thể, thực tế của dân tộc mình. Có nhiều hoàn cảnh mà các dân tộc của chúng ta đang trải qua, hãy dành thời gian để cầu nguyện và để nhận thấy nơi điều gì mà Chúa mời gọi chúng ta hãy là những ngôn sứ của hy vọng ở đây và bây giờ.
Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông là một ân sủng mà chúng ta cần cầu xin mỗi ngày trong cuộc sống! Những người xung quanh mong đợi từ chúng ta một sự nâng đỡ trong việc tìm kiếm niềm hy vọng chung này. Nếu không, đâu là ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta? Sự nản lòng luôn chờ đón chúng ta bất cứ lúc nào. Hãy bắt đầu từ chính mình … Vì vậy, chúng ta phải vững vàng! Chúng ta tìm được sức mạnh và sự can đảm trong Chúa, từ mối tương quan của chúng ta với Ngài … Và từ trong những điều nhỏ bé của cuộc sống đã minh chứng cho sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa.
Giữa các dân tộc bị đóng đinh và một Giáo Hội dậy sóng, tất cả chúng ta cần phải hy vọng nhiều như hơi thở. Chúng ta cần xây dựng niềm hy vọng và cậy trông duy nhất của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô!
Ngay cả khi chúng ta bị tổn thương và thất vọng bởi một số người, hoặc nếu chúng ta là người gây tổn thương; ngay cả khi bởi một số kinh nghiệm mà chúng ta đã mất niềm tin vào nhân loại, Thiên Chúa vẫn lớn hơn trái tim của chúng ta, và niềm hy vọng, cậy trông sẽ đưa chúng ta về phía trước. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, chính nhân đức Kitô giáo vĩ đại này sẽ “đưa thế giới tiến lên”: “Giáo Hội cần các ngôn sứ của niềm hy vọng! Đừng đánh cắp hy vọng!”
Đã bao lần, các Chị lớn tuổi và chính chúng ta – trên bốn lục địa truyền giáo – đã không cam chịu trước những thất bại và khó khăn của cuộc sống?!
Trong các lưu xá sinh viên và các ngôi nhà đào tạo, chúng ta hãy dấn thân vào việc đào tạo chính mình sống hy vọng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy chúng ta rằng: “Sống, yêu, mơ ước và tin tưởng … Đây là tất cả những gì một đứa trẻ, một người trẻ cần trong cuộc sống hầu “rèn luyện bản thân để hy vọng”. Hãy tìm trong Sách thiêng liêng của Cha d’Alzon và trong các lá thư giữa các Đấng sáng lập của chúng ta, những đoạn nói về niềm hy vọng Kitô giáo. Ngày hôm nay, các Ngài muốn nói những điều ấy với chúng ta như thế nào?
Trong tất cả các cộng đoàn, bất chấp sự yếu đuối về tuổi tác, sức khỏe, tiến bộ tâm linh hay sứ vụ … chúng ta hãy tự giúp mình sống niềm Hy vọng của Chúa Giêsu Kitô!
Các chị em thân mến, tôi muốn nói với các chị em: Hội Dòng của chúng ta, các cộng đoàn của chúng ta và thế giới cần các ngôn sứ của niềm Hy vọng!
Nếu chúng ta sống thật và hiệp nhất giữa chúng ta, chúng ta có thể là và trở thành những ngôn sứ của niềm Hy vọng. Trước hết là cho chính chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta … cho các mối tương quan của chúng ta … Và sau đó cho cộng đoàn của chúng ta … cho gia đình … cho Hội Dòng của chúng ta … cho những nơi chúng ta làm việc tông đồ … cho đất nước truyền giáo … cho Giáo hội và xã hội của chúng ta! Là và trở thành … Liệu chúng ta có phải là ngôn sứ của Hy vọng không? Và liệu mỗi ngày ta có tự kiểm điểm lương tâm mình về chính kinh nghiệm sống niềm Hy vọng của mình không?
Trong năm mới 2019 này, chúng ta hãy xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để Ngài đào sâu trong chúng ta khả năng lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe và phân định các dấu chỉ của thời đại chúng ta; xin Ngài đến sống trong suy nghĩ của chúng ta và làm trổ sinh hoa trái các hoạt động của chúng ta. Xin Ngài làm cho mọi thành viên trong gia đình tu sĩ của chúng ta, mỗi ngày có thêm nhiều hơn, những người nữ của niềm hy vọng cho một sứ mệnh ngôn sứ theo ý định của Thiên Chúa!
Chúng ta hãy cùng nhau trở nên những ngôn sứ của hy vọng!
Hãy là những người nữ của hy vọng!
Để kết thúc, nhân dịp đầu năm, tôi gửi tặng các chị em một món quà tinh thần: “Mười chìa khóa của Giáo hoàng Phanxico để giáo dục chúng ta và giáo dục cho niềm hy vọng Kitô giáo”
Gửi đến các chị em tình thương mến huynh đệ.
Cầu chúc mọi người năm mới 2019 sống trong sự hiệp nhất và hy vọng!
Paris, 01/01/2019, Lễ Mẹ Thiên Chúa
Sr Felicia GHIORGHIES, Bề trên Tổng quyền
“Hãy nhớ rằng kẻ thù đầu tiên cần khuất phục không ở ngoài, nhưng ở bên trong con. Vì thế, đừng dành chỗ cho các tư tưởng tiêu cực (…) Con hãy tin vào sự hiện hữu của các sự thật cao cả và đẹp đẽ nhất. Hãy tín thác nơi Thiên Chúa Tạo Hoá, nơi Chúa Thánh Thần hướng mọi sự tới thiện ích.”
“Đừng tin rằng sau cuộc đời này cuộc đắm tàu chờ đợi con (…) Thiên Chúa không gây thất vọng: nếu Ngài đã đặt để trong trái tim chúng ta một niềm hy vọng, thì Ngài muốn nó bẻ gẫy với mọi tước đoạt.”
“Bất cứ ở đâu con cũng hãy xây dựng! Nếu con bị ngã xuống đất, hãy đứng dậy! Nếu con ngồi, hãy bước đi! Nếu sự chàm chán làm con tê liệt, hãy đuổi nó đi với các việc thiện! Nếu con cảm thấy trống rỗng và mất tinh thần, hãy xin Chúa Thánh Thần lại có thể làm tràn đầy sự hư không của con.”
“Hãy tạo dựng hoà bình giữa con người, và đừng nghe theo tiếng nói của kẻ gieo vãi thù hận và chia rẽ. Con người, dù có khác nhau tới mấy đi nữa, cũng đã được tạo dựng để sống với nhau. Trong các đối chọi, hãy kiên nhẫn: một ngày kia con sẽ khám phá ra rằng mỗi người đều nắm giữ một mảnh sự thật.”
“Hãy mơ tưởng một thế giới chưa trông thấy, nhưng chắc chắn sẽ tới. Niềm hy vọng tin tưởng nơi sự hiện hữu của một việc tạo dụng trải dài cho tới sự thành toàn vĩnh viễn, khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người. Những người có khả năng tưởng tượng đã trao tặng cho nhân loại các khám phá khoa học và kỹ thuật. Họ đã vượt các đại dương và đã bước đi trên các vùng đất chưa có ai đặt chân tới. Các người đã vun trồng các niềm hy vọng cũng là những người đã chiến thắng nô lệ và đem lại các điều kiện sống tốt đẹp hơn trên thế giới này. Hãy nghĩ đến họ!”
“Con hãy có trách nhiệm đối với thế giới này và cuộc sống của mỗi một người. Mỗi một bất công chống lại một người nghèo túng là một vết thương mở rộng và giảm thiểu chính phẩm giá con người (…). Trong thế giới này sẽ có các thế hệ khác tiếp nối thế hệ của chúng ta, và biết bao nhiêu thế hệ khác nữa (…). Hãy xin Thiên Chúa ban cho con ơn can đảm (…) Và khi con cảm thấy sợ hãi trước vài khó khăn nào đó, hãy nhớ rằng không sống nó cho chính mình. (…) Và nếu một ngày kia hoảng sợ xâm lấn con, hay con nghĩ rằng sự dữ quá lớn để có thể đương đầu, hãy đơn sơ nghĩ rằng Chúa Giêsu sống trong con. Chính Ngài, qua con, với sự hiền dịu của Ngài, muốn khuất phục mọi kẻ thù của con người: tội lỗi, thù hận, tội phạm, bạo lực.”
“Hãy nhớ rằng con không cao cả hay tài giỏi hơn ai hết. Nếu con có là người cuối cùng tin nơi sự thật đi nữa, đừng vì đó mà trốn chạy sự đồng hành của con người. Cả khi con có sống trong một tịch liêu tĩnh lặng, con cũng mang trong tim các nỗi khổ đau của mọi thụ tạo. Con là người kitô hữu và hãy phó thác mọi sự cho Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.”
“Hãy vun trồng các lý tưởng. Hãy sống cho điều gì đó cao vượt hơn con người. Và nếu một ngày kia các lý tưởng này có đòi hỏi con một giấy tính sổ đắt giá phải trả, đừng bao giờ ngừng giữ các lý tưởng đó trong tim. Sự trung thành có được tất cả.”
Nếu con lầm lỗi, hãy đứng lên: không có gì nhân bản hơn là phạm các lỗi lầm. Và chính các lỗi lầm ấy không được trở thành một nhà tù cho con. Con Thiên Chúa đã đến không phải cho người lành mạnh, nhưng cho người đau yếu. (…) Thiên Chúa là bạn của con.”
“Hãy tin chắc chắn rằng trong tất cả mọi người con hoạt động cho sự thiện: trong sự khiêm nhường của họ có hạt giống của một thế giới mới. Hãy giao du với những người đã giữ gìn được con tim như con tim của một trẻ thơ. Hãy học hỏi từ sự tuyệt diệu này, hãy vun trồng sự kinh ngạc.”
Hãy sống, hãy yêu.
(ĐTC Phanxicô – Giáo lý Giáo dục niềm hy vọng, ngày 20/09/2017)