“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai Quốc Gia Chị Em này, Chile và Peru, xin Chúa chúc phúc cho họ”
Theo tin Zenit, ngày thứ Tư, 24 tháng 1, tại buổi triều yết chung tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành phần lớn thì giờ nói về chuyến tông du Chile và Peru mà ngài mới kết thúc trước đó mấy ngày.
Sau đây là lời ngài:
Tôi trở về hai ngày trước đây từ chuyến tông du Chile và Peru. Hãy vỗ tay hoan hô Chile và Peru! Hai dân tộc tốt, thật tốt lành… Tôi cám ơn Chúa vì mọi sự diễn tiến tốt đẹp: tôi đã có thể gặp gỡ dân Chúa đang lữ hành trên các lãnh thổ ấy – và cả những người không lữ hành nữa, những người hơi đứng yên một chỗ… nhưng đều là những người tốt lành – và khuyến khích việc phát triển xã hội của các nước ấy. Tôi nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với các nhà cầm quyền dân sự và các giám mục, những người đã nghinh đón tôi một cách đầy chăm sóc và đại lượng; cũng như các người cộng tác và thiện nguyện viên. Anh chị em hãy nghĩ tại mỗi nước này đều có hơn 20 ngàn thiện nguyện viên: 20 ngàn và hơn thế tại Chile, 20 ngàn tại Peru. Quả là những người tốt lành, mà phần lớn lại là giới trẻ.
Trước khi tôi tới Chile, đã có một số cuộc biểu tình phản đối, vì những lý do khác nhau, như anh chị em đọc thấy trên báo chí. Và điều này làm cho khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của tôi càng có liên quan và sống động hơn: “Mi paz os doy – Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Đây là lời lẽ của Chúa Giêsu ngỏ cùng các môn đệ, những lời lẽ được chúng ta nhắc lại trong mọi Thánh Lễ: ơn bình an, mà chỉ có Chúa Giêsu chết và sống lại mới có thể ban cho những người tự phó thác nơi Người. Không phải chỉ một số người trong chúng ta cần bình an: cả thế giới, trong thế chiến thứ ba đánh từng mảng ngày nay nữa… Xin anh chị em vui lòng, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!
Trong cuộc gặp gỡ các nhà cầm quyền chính trị và dân sự của nước này, tôi đã khuyến khích con đường dân chủ của Chile, như là nơi gặp gỡ của tình liên đới và có khả năng chấp nhận tính đa dạng; vì mục đích này, tôi đã chỉ ra phương pháp lắng nghe: mà đặc biệt là lắng nghe người nghèo, người trẻ và người cao niên, di dân, và lắng nghe cả trái đất nữa.
Trong Thánh Lễ đầu tiên, cử hành cho hòa bình và công lý, các mối phúc đã được nói vang lên, nhất là “phúc cho những người kiến tạo hòa bình vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5: 9). Một Mối Phúc làm chứng bằng lối sống gần gũi, thân mật; với ơn Chúa Kitô, chia sẻ và do đó củng cố kết cấu của cộng đồng Giáo Hội và của xã hội như một toàn thể.
Trong lối sống gần gũi này, các cử chỉ đáng kể hơn lời nói, và cử chỉ quan trọng tôi có thể làm là viếng nhà tù phụ nữ ở Santiago: gương mặt các phụ nữ này, nhiều người là các bà mẹ trẻ, với những đứa con của họ trong vòng tay, đã nói lên rất nhiều hy vọng, bất chấp mọi điều khác. Tôi khuyến khích họ đòi cho được, từ chính họ và từ các định chế, một hành trình chuẩn bị nghiêm túc để tái hội nhập, như một chân trời đem ý nghĩa lại cho các đau khổ hàng ngày của họ. Ta không thể nghĩ tới một nhà tù, bất cứ nhà tù nào, mà lại không có chiều kích tái hội nhập này vì nếu không có niềm hy vọng tái hội nhập xã hội này, nhà tù là một cuộc tra tấn bất tận. Thay vào đó, nếu anh chị em cố gắng tái hội nhập, ngay cả những người thọ án chung thân cũng có thể tái hội nhập, bất chấp việc làm của nhà tù hay của xã hội, cuộc đối thoại cũng sẽ mở ra. Nhưng nhà tù phải luôn luôn có chiều kích tái hội nhập này, luôn luôn.
Với các linh mục và người tận hiến cũng như với các giám mục Chile, tôi trải nghiệm hai cuộc gặp gỡ rất thâm hậu, càng có hiệu quả hơn nhờ cùng chia sẻ việc chịu một số vết thương gây ra cho Giáo Hội tại nước này. Nhất là, tôi đã củng cố các anh em tôi trong việc từ khước bất cứ thỏa hiệp nào đối với việc lạm dụng tình dục vị thành niên, và đồng thời, trong việc tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng thanh tẩy và đổi mới các thừa tác viên của Người bằng cuộc thử thách gian nan này.
Hai Thánh Lễ khác tại Chile đã được cử hành, một ở miền nam và một ở miền bắc. Thánh lễ ở miền nam, ở Araucanía, lãnh thổ nơi người Bản Địa Mapuche sinh sống, đã biến bi kịch và gian khổ của dân tộc này thành niềm vui; [tại đây tôi] đã phát động lời kêu gọi hòa bình, một thứ hòa bình vốn là hòa hợp trong tính đa dạng, và kêu gọi từ bỏ mọi thứ bạo lực. Thánh lễ ở miền Bắc, ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, là một bài thánh ca ca tụng cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả một cách đặc biệt bằng lòng đạo bình dân.
Các cuộc gặp gỡ giới trẻ và Đại Học Công Giáo Chile đã đáp ứng thách đố chủ chốt phải đem lại một ý nghĩa lớn lao cho đời sống các thế hệ mới. Tôi đã để lại cho giới trẻ các lời lẽ có tính lên chương trình của Thánh Albert Hurtado: “Chúa Kitô sẽ làm gì ở vị trí tôi?” Và ở Đại Học, tôi đề nghị mô thức đào tạo toàn diện, phiên dịch căn tính Công Giáo thành khả năng tham dự vào việc xây dựng các xã hội hợp nhất và đa dạng, nơi tranh chấp không bị che dấu nhưng được giải quyết bằng đối thoại. Luôn luôn có tranh chấp: cả trong nhà; luôn luôn. Nhưng xử lý tranh chấp một cách tồi sẽ tồi tệ hơn nhiều. Không được dấu diếm các tranh chấp, phải mang chúng ra ánh sáng, chúng phải được đối mặt và giải quyết bằng đối thoại. Anh chị em hãy nghĩ tới những tranh chấp nho nhỏ mà chắc chắn anh chị em sẽ gặp trong gia đình: không được dấu diếm chúng, nhưng chúng phải được đối mặt. Anh chị em hãy tìm thời gian [thích đáng], rồi nói ra: tranh chấp được giải quyết cách này, bằng đối thoại.
Ở Peru, khẩu hiệu chuyến tông du là “Unidos por la esperanza – Hợp nhất nhờ hy vọng”. Hợp nhất không phải trong độc dạng khô cằn, mọi người y như nhau, đó không phải là kết hợp; nhưng chính trong sự phong phú của các dị biệt, chúng ta nhận được di sản từ lịch sử và văn hóa. Cuộc gặp gỡ các dân tộc vùng Amazon của Peru là biểu tượng của việc này; nó cũng đã làm phát sinh cuộc hành trình của Thượng Hội Đồng Toàn-Amazon sẽ được triệu tập vào tháng Mười năm 2019, và nó cũng đã được làm chứng bởi các khoảnh khắc sống với người dân Puerto Maldonado và các trẻ em ở “Nhà Tiểu Hoàng Tử”. Cùng nhau, chúng tôi đã nói “không” với chính sách thực dân kinh tế và thực dân ý thức hệ.
Nói với các nhà cầm quyền chính trị và dân sự Peru, tôi đã đánh giá cao di sản môi trường, văn hóa và tâm linh của nước này, và tôi đã tập trung vào hai vấn đề đang đe dọa nó một cách trầm trọng hơn cả: xuống cấp sinh thái và xã hội, và tham nhũng. Tôi không biết anh chị em có nghe nói đến tham nhũng ở đây không… Tôi không biết… Nó không những chỉ tìm thấy ở những nơi đó mà thôi: cả ở đây nữa, và nó còn nguy hiểm hơn là bệnh cúm! Nó làm xáo rộn mọi sự và hủy diệt các trái tim. Tôi van xin đó, đừng tham nhũng. Và tôi đã nhận xét rằng không ai bị miễn trách nhiệm khi giáp mặt với hai đại họa này, và việc dấn thân chống lại chúng phải là quan tâm của mọi người.
Tôi đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại Peru bên cạnh đại dương, tại thành phố Trujillo, nơi năm ngoái trận bão có tên “Niño costiero” đã làm dân chúng thiệt hại nặng. Do đó, tôi đã khuyến khích họ phản ứng điều đó, nhưng cũng phản ứng cả những cơn bão tố khác như hình tội, thiếu giáo dục, việc làm và nhà ở yên ổn. Tại Trujillo, tôi cũng đã gặp các linh mục và người tận hiến của miền bắc Peru, chia sẻ với họ niềm vui ơn gọi và sứ mệnh, cũng như trách nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Tôi thúc giục họ phong phú trong ký ức và trung thành với gốc rễ của họ. Và trong số các gốc rễ này, có lòng tôn sùng bình dân đối với Đức Trinh Nữ Maria. Cũng tại Trujillo, một cuộc cử hành kính Đức Mẹ đã được tổ chức, trong đó, tôi đội triều thiên cho Đức Mẹ Cổng Thành, tuyên bố ngài là “Mẹ Thương Xót và Hy Vọng”.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, tức Chúa Nhật vừa rồi, diễn ra tại Lima, với sắc thái thiêng liêng và Giáo Hội mạnh mẽ. Tại Đền Thánh Peru rất nổi tiếng, nơi bức tranh đóng đinh tựa là “Señor de los Milagros” được tôn kính, tôi gặp chừng 500 nữ tu nội cấm, sống đời chiêm niệm: quả là “lá phổi” đích thực của đức tin và cầu nguyện dành cho Giáo Hội và xã hội như một toàn thể. Tại nhà thờ chính tòa, tôi đã thực hiện hành vi cầu nguyện đặc biệt nhờ sự cầu bầu của các thánh người Peru; tiếp theo là cuộc gặp gỡ các giám mục của xứ sở, với các ngài, tôi có đề xuất gương mặt gương mẫu của Thánh Turibius thành Mogrovejo. Tôi cũng chỉ ra rằng các thánh nam nữ người Peru không để mất thì giờ cho việc “sửa sang” hình ảnh của họ, mà thay vào đó, là bước chân theo Chúa Kitô. Đấng nhìn họ một cách đầy hy vọng. Như mọi lúc, lời của Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho mọi sự, và Tin Mừng Thánh Lễ cuối cùng cũng thế đã tóm tắt sứ điệp của Thiên Chúa gửi cho dân của Người ở Chile và Peru: “hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chúa dường như muốn nói, như thế, các con sẽ nhận được sự bình an mà Thầy ban cho các con và các con sẽ hợp nhất nhờ lòng hy vọng của Thầy. Đó hơn kém là bản tóm lựợc chuyến đi của tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia chị em này, là Chile và Peru, xin Chúa chúc phúc cho họ.
Vũ Văn An
Thông tin trên trang web: http://www.vietcatholic.net