Nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày cho những hộ gia đình đồng bào dân tộc K’ho tại buôn làng Thực Nghiệm (thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Ðồng), Cộng đoàn Bêtania của dòng Tận hiến Ðức Mẹ lên Trời (OA) đã phát động dự án trồng rau sạch. Chương trình được cha sở Giuse Ðinh Long Văn Sỹ (giáo xứ Nam Ban, giáo phận Ðà Lạt) ủng hộ từ nguồn quỹ của các ân nhân trong và ngoài giáo xứ.
Nhận thấy đời sống của những hộ dân người dân tộc K’ho gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là chất lượng bữa ăn không được đảm bảo, đa số người dân phải đi hái những loại rau trên rừng về dùng, việc này khá vất vả và nguy hiểm, đường núi hiểm trở và khó đi khi vào mùa mưa, chưa kể có thể gặp những trường hợp hái phải các loài rau dại có độc tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe…, tháng 9.2017, nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn (dòng Tận hiến Đức Mẹ lên Trời) đã phát động dự án trồng rau sạch trên buôn làng Thực Nghiệm.
Đa phần những hộ dân nơi đây có diện tích đất trồng trọt rất ít. Các gia đình ở san sát nhau, có nhà vườn nhỏ nên chỉ trồng được đôi ba hàng cây cà phê hoặc bỏ hoang. Thiếu nguồn nước sạch cũng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt và trồng trọt của người dân. Nước sinh hoạt hầu như đều lấy ở suối, giếng nước hiếm, 10 hộ gia đình mới có một cái giếng và tất cả đều sử dụng chung. Chưa kể việc phân bổ nguồn nước không đều đã gây nên tình trạng một số hộ có nước, một số hộ thì không. Những gia đình ở gần ống nước sẽ lấy nước rất nhanh, những hộ ở xa thì nước về chậm hoặc không có. Chính vì thế khi dự án trồng rau sạch được phát động, một số hộ dân còn e ngại, chưa hết mình cộng tác với hội dòng.
Trước thực tế này, nữ tu Maria Phạm Thị Nhường đã cùng với một thỉnh sinh là chị Maria Lê Thị Thu Hoài, đã đến những hộ dân để cuốc đất, tưới nước và mua phân bón về tiến hành trồng rau. Các loại rau được trồng gần gũi với bữa ăn hằng ngày của bà con như cải ngọt, xà lách, ớt, rau muống, cải thìa, đậu ve, đậu đũa, hành, tỏi… Cứ cách vài ngày, các sơ đi từng hộ để kiểm tra vườn và cách chăm sóc rau của người dân; rồi vào chiều thứ Năm hằng tuần, lại gõ cửa từng nhà để phát những hạt giống khác nhau. Mỗi gia đình có 10 loại cây, những loại đậu thì 2 đến 3 bịch. Cũng có những khay cây giống đã được ươm sẵn khi đem đến từng hộ. Các loại rau được trồng từ 3 tuần đến 1 tháng là ăn được. Đối với những hộ có vườn rau chăm sóc tốt, sau khi thu hoạch sẽ được các sơ trao giải và phát thưởng, xem như động viên tinh thần bà con.
Cảm nhận được sự nhiệt huyết của các nữ tu cùng những thành quả bước đầu mà dự án mang lại nên một số hộ dân đã thay đổi suy nghĩ và tích cực hưởng ứng. Ban đầu có từ 50 hộ tham gia thì nay số hộ dân đã không ngừng gia tăng, lên khoảng 100 hộ. Nói về dự án này, nữ tu Maria Phạm Thị Nhường cho biết thêm: “Với việc trồng rau sạch này, chúng tôi chỉ bón phân hữu cơ, lấy nguồn từ các hộ chăn nuôi bò, gà…, sau mấy tuần thì bón một ít đạm là xong và không cần xịt thuốc sâu. Như vậy là bà con có được những loại rau sạch đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn”.
Dự án đã đi được một chặng đường khá xa và đạt được một số thành quả đáng kể. Từ những hộ dân rụt rè, giờ đây họ đã trở nên mạnh dạn và mở lòng hơn. Ý thức được tầm quan trọng của việc trồng rau sạch nên nhiều gia đình đã tự chủ động đi mua hạt giống và cây con về trồng. Nếu gặp phải khó khăn về kỹ thuật gieo trồng, họ lại đến gặp các sơ để hỏi ý kiến và trao đổi…
Xem thêm tại: http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam