-->
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA KINH MÂN CÔI
30/09/2021
Tháng 11 – Cầu nguyện cho các linh hồn
01/11/2021
Show all

SỨ ĐIỆP TRUYỀN GIÁO 2021 CỦA ĐTC PHANXICÔ

“Chúng tôi không thể không nói về những điều
chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20)

Anh chị em thân mến,

Một khi đã được trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ điều chúng ta đã thấy và đã nghe. Mối quan hệ của Đức Giêsu với các môn đệ của Người và với toàn thể nhân loại, như được mặc khải cho chúng ta trong mầu nhiệm Nhập Thể của Người, trong Tin Mừng và Mầu Nhiệm Vượt Qua, chỉ ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào và Người cũng lấy làm của mình những niềm vui và nỗi khổ của chúng ta, những hy vọng và lo âu của chúng ta (x. Gaudium et Spes, 22). Mọi sự nơi Đức Kitô đều nhắc nhớ chúng ta rằng Người biết rõ thế giới của chúng ta và nhu cầu cứu rỗi của thế giới ấy, và Người mời gọi chúng ta tích cực dấn thân cho sứ mạng này: “Vậy các ngươi hãy ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22:9). Không một ai bị loại trừ, không một ai phải cảm thấy xa lạ hay bị gạt ra ngoài tình thương yêu trắc ẩn này.

Trải nghiệm của các Tông Đồ

Lịch sử rao giảng Tin Mừng bắt đầu với ước muốn cháy bỏng của Chúa Giêsu là kêu gọi và đối thoại thân tình với mọi người, bất kể họ như thế nào (x. Ga 15:12-17). Các Tông Đồ là những người đầu tiên kể lại cho chúng ta điều này; họ thậm chí còn nhớ cả ngày và giờ họ được gặp Người lần đầu: “Lúc ấy là khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1:39). Được trải nghiệm tình bạn của Chúa, được chứng kiến Người chữa lành các bệnh nhân, ngồi ăn với những người tội lỗi, cho người đói ăn, lại gần những người bị ruồng bỏ, chạm vào những người ô uế, tự đồng hoá mình với những người nghèo khó, đề nghị các mối phúc thật, và giảng dạy một cách mới mẻ và đầy thẩm quyền, để lại dấu ấn không thể xoá nhoà nơi họ, khơi dậy sự ngạc nhiên, niềm vui lan toả và một tâm tình biết ơn sâu xa. Ngôn sứ Giêrêmia mô tả kinh nghiệm này như là trải nghiệm một ý thức nồng cháy về sự hiện diện chủ động của Đức Giêsu trong trái tim chúng ta, thúc đẩy chúng ta thi hành sứ mạng mà không sợ hy sinh và bị hiểu lầm (x. 20:7-9). Tình yêu luôn luôn tiến tới, nó truyền cảm hứng để chúng ta chia sẻ một sứ điệp kỳ diệu và tràn trề hy vọng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1:41).

Với Đức Giêsu, chúng ta cũng đã thấy, đã nghe và trải nghiệm rằng các sự việc có thể được biến đổi. Ngay cả bây giờ, Người đã khai mào thời đại tương lai, đồng thời nhắc nhớ chúng ta về một chiều kích thường bị lãng quên của nhân tính chúng ta, đó là “chúng ta đã được tạo dựng để hoàn thành điều chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu” (Fratelli Tutti, 68). Một tương lai làm thức tỉnh một đức tin có khả năng khơi dậy những sáng kiến mới và hình thành những cộng đồng gồm những người nam và người nữ cổ vũ cho tình huynh đệ và tình bạn xã hội, nhờ biết chấp nhận sự mỏng dòn của chính mình và của người khác (x. ibid., 67). Cộng đoàn Hội Thánh biểu lộ vẻ diễm lệ của mình khi Hội Thánh nhắc nhớ lại với tấm lòng biết ơn rằng Chúa đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4:19). “Lòng ưu ái của Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên, và tự bản chất của nó, sự ngạc nhiên không phải là cái chúng ta sở hữu hay có thể áp đặt… Chỉ bằng cách này, phép lạ của sự cho không, món quà cho không bản thân mình, mới có thể nảy nở. Sống “trong tình trạng truyền giáo” là một phản ánh của lòng biết ơn” (Sứ điệp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21-5-2020).

Mặc dù vậy, các sự việc không luôn luôn dễ dàng. Các Kitô hữu sơ thời bắt đầu cuộc sống đức tin của họ giữa sự thù nghịch và khó khăn. Các kinh nghiệm về tình trạng bị loại trừ và giam cầm, cộng với các cuộc đấu tranh bên trong và bên ngoài, có vẻ như nói ngược lại và thậm chí phủ nhận những điều họ đã thấy và đã nghe. Nhưng, những trải nghiệm ấy, thay vì là một khó khăn hay một trở ngại khiến họ lui bước hay khép kín trong nội bộ, trái lại, chúng thúc đẩy họ biến những vấn đề, những mâu thuẫn và những khó khăn thành những cơ hội cho sứ mạng. Những giới hạn và những trở ngại trở thành một cơ hội ưu việt để xức dầu Thần Khí Chúa cho mọi sự và mọi người. Không một sự gì và không một ai phải bị loại trừ khỏi sứ điệp giải phóng.

Chúng ta có một chứng từ sống động cho tất cả điều này trong sách Công Vụ các Tông Đồ, một cuốn sách luôn luôn ở trong tầm tay của các môn đệ truyền giáo. Trong cuốn sách ấy, chúng ta đọc thấy hương thơm Tin Mừng khi được rao giảng đã lan toả như thế nào, đánh thức niềm vui mà chỉ một mình Thần Khí có thể ban cho. Sách Công Vụ dạy chúng ta chịu đựng những khổ cực bằng cách bám chặt vào Đức Kitô, để lớn lên trong “niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hành động trong mọi hoàn cảnh, thậm chí cả giữa những cái có vẻ là thất bại” và chắc chắn rằng “tất cả những ai phó thác mình cho Thiên Chúa thì sẽ sinh hoa kết quả dồi dào” (Evangelii Gaudium, 279).

Cũng đúng như thế cho chúng ta hôm nay: những thời khắc chúng ta đang sống không dễ chút nào. Cơn đại dịch đã cho thấy rõ hơn và nặng nề hơn những nỗi đau đớn, cô đơn, nghèo khổ và bất công mà biết bao nhiêu người phải trải qua. Nó đã vạch mặt cái cảm giác an toàn giả tạo của chúng ta và bộc lộ sự đổ vỡ và đa cực đang âm thầm gia tăng nơi chúng ta. Những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất càng cảm nhận một cách nặng nề hơn nữa. Chúng ta đã cảm nghiệm sự chán nản, thất vọng và mệt mỏi; và chúng ta cũng đã không tránh được cảm giác tiêu cực ngày càng tăng, nó bóp nghẹt niềm hy vọng. Tuy nhiên, về phần mình, “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (2 Cr 4:5). Vì thế, trong các cộng đoàn và các gia đình của chúng ta, chúng ta có thể nghe thấy Lời sự sống vang lên mạnh mẽ trong lòng chúng ta và nói với chúng ta: “Người không có ở đây, nhưng đã sống lại rồi (Lc 24:6)! Thông điệp hy vọng này xua tan mọi hình thức của chủ nghĩa định mệnh, và đối với những ai sẵn sàng để cho thông điệp ấy chạm vào, nó cho họ tự do và sự mạnh dạn cần thiết để đứng dậy và tìm mọi cách có thể để tỏ lộ lòng thương xót, cũng là “phụ tích” của việc Thiên Chúa gần gũi chúng ta, một sự gần gũi không bỏ lại ai bên lề đường.

Trong những ngày đại dịch này, khi sự cám dỗ xuất hiện dưới danh nghĩa của việc giãn cách xã hội lành mạnh để nguỵ trang và biện minh cho thói thờ ơ và vô cảm, thì sứ mạng của lòng thương xót là một nhu cầu cấp bách, để sự giãn cách cần thiết ấy biến thành một cơ hội để gặp gỡ, chăm sóc và thăng tiến. “Những gì chúng ta đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20), lòng thương xót mà chúng ta đã trải nghiệm, có thể trở thành một điểm tham chiếu và một nguồn mạch của sự khả tín, giúp chúng ta phục hồi một niềm đam mê chung đối với việc xây dựng “một cộng đồng của những người thuộc về nhau và liên đới với nhau, xứng với thời gian, nghị lực và các tài nguyên của chúng ta (Fratelli Tutti, 36). Lời Chúa mỗi ngày cứu chữa chúng ta khỏi những kiểu chữa lỗi có thể dìm chúng ta vào sâu trong một loại thuyết hoài nghi tệ hại nhất: “Chẳng có gì thay đổi, trước sau gì vẫn thế thôi”. Với những người thắc mắc tại sao họ phải từ bỏ sự an toàn, tiện nghi và thú vui của họ nếu họ không thể thấy có kết quả gì, câu trả lời của chúng ta sẽ vẫn là một như thế này: “Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và bây giờ là Đấng toàn năng. Đức Giêsu Kitô đang sống thực sự” (Evangelii Gaudium, 275) và muốn chúng ta sống, đầy tình huynh đệ, và có khả năng yêu quí và chia sẻ thông điệp hy vọng này. Trong các hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, nhu cầu cấp bách là phải có những người thừa sai của niềm hy vọng, những người được Chúa xức dầu để có thể cống hiến một lời nhắc nhở tiên tri rằng không ai được cứu rỗi một mình.

Như các Tông Đồ và các Kitô hữu sơ thời, chúng ta cũng có thể nói với tất cả niềm xác tín của mình: “Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20). Mọi sự chúng ta nhận được từ Chúa là để chúng ta đem ra sử dụng một cách có ích và tự nguyện chia sẻ với người khác. Giống như các Tông Đồ đã thấy, nghe và chạm vào sức mạng cứu rỗi của Đức Giêsu (x. 1 Ga 1:1-4), chúng ta cũng có thể hằng ngày chạm vào da thịt đau thương và vinh hiển của Đức Kitô. Ở đó chúng ta có thể tìm được sự can đảm để chia sẻ với mọi người một số phận chung của niềm hy vọng, niềm tin chắc rằng Chúa luôn luôn ở bên chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ lấy Chúa cho riêng mình: sứ mạng Phúc Âm hoá của Hội Thánh được thể hiện qua việc biến đổi thế giới của chúng ta và việc chăm sóc công trình tạo dựng.

Một lời mời gọi mỗi người chúng ta

Chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay—“Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4:20)—là một lời kêu gọi mỗi người chúng ta “sở hữu” và đem đến cho người khác những gì chúng ta mang trong tim mình. Sứ mạng này đã luôn luôn là dấu chứng nhận của Hội Thánh, vì “Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng” (Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI,Evangelii Nuntiandi, 14). Đời sống đức tin của chúng ta yếu đi, mất sức mạnh tiên tri và khả năng đánh thức sự ngạc nhiên và lòng biết ơn, khi chúng ta trở nên cô lập và rút vào thành những nhóm nhỏ. Tự bản chất của nó, đời sống đức tin kêu gọi một sự mở rộng ngày càng nhiều hơn để bao gồm mọi người, mọi nơi. Các Kitô hữu đầu tiên, thay vì chiều theo cám dỗ trở thành một nhóm tinh hoa, họ được Chúa soi sáng và được Người đề nghị một cuộc sống mới là ra đi để đến với các dân tộc và làm chứng về những gì họ đã thấy và đã nghe: tin mừng rằng Nước Thiên Chúa đã ở gần. Họ đã làm như thế với lòng quảng đại, biết ơn và tính cách cao thượng tiêu biểu của những người gieo giống luôn biết rằng những người khác sẽ vui hưởng hoa trái của các cố gắng và hy sinh của họ. Tôi thích nghĩ rằng “ngay cả những người yếu đuối nhất, giới hạn nhất và gặp rắc tối nhất cũng có thể là những người truyền giáo theo cách riêng của họ, vì sự tốt lành có thể được chia sẻ, cả khi nó đi kèm với nhiều giới hạn” (Christus Vivit, 239).

Vào Ngày Thế Giới Truyền Giáo mà chúng ta mừng hằng năm vào ngày Chúa Nhật áp chót của Tháng Mười, chúng ta nhớ lại với lòng biết ơn tất cả những người nam và người nữ mà nhờ chứng tá đời sống của họ, họ giúp chúng ta canh tân cam kết rửa tội của chúng ta để là những tông đồ quảng đại và vui tươi của Tin Mừng. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ đến tất cả những người đã kiên quyết ra đi, rời bỏ nhà cửa và gia đình mình, để đem Tin Mừng đến cho mọi nơi và mọi người đang khao khát sứ điệp cứu rỗi.

Khi chiêm ngắm chứng tá truyền giáo của họ, chúng ta được truyền cảm hứng để cũng trở nên can đảm như họ và cầu xin “chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Chúng ta biết ơn gọi truyền giáo không phải là một chuyện của quá khứ hay một cái gì lãng mạn còn sót lại của những thời xa xưa. Hôm nay, Đức Giêsu cũng cần những trái tim có khả năng trải nghiệm ơn gọi như là một câu truyện tình thực sự thúc đẩy họ ra đi tới những vùng ngoại biên của thế giới chúng ta, trong tư cách là những sứ giả và những tác nhân của lòng thương xót. Chúa ngỏ lời mời này đến mọi người, bằng những cách thức khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ đến những vùng ngoại vi xung quanh chúng ta, trong trung tâm của các đô thị hay trong chính các gia đình của chúng ta. Sự mở rộng toàn cầu cho tình yêu mang một chiều kích hiện sinh chứ không phải là địa lý. Luôn luôn, nhưng đặc biệt trong thời kỳ đại dịch này, điều quan trọng là chúng ta hằng ngày gia tăng khả năng mở rộng vòng quan hệ của mình, để đến với những người khác, những người tuy ở gần chúng ta về thể lý, nhưng không là thành phần trực tiếp thuộc “giới lợi ích” của chúng ta” (x. Fratelli Tutti, 97). Sống trong tình trạng truyền giáo là muốn suy nghĩ như Đức Giêsu suy nghĩ, cùng tin với Người rằng những người xung quanh chúng ta cũng là những anh chị em của chúng ta. Xin tình yêu thương xót của Người chạm đến trái tim chúng ta và làm cho tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo đích thực.

Nguyện xin Đức Maria, người môn đệ truyền giáo đầu tiên, gia tăng nơi mọi người đã rửa tội ước muốn là muối và ánh sáng trên đất nước của chúng ta (x. Mt 4:13-14).

Rôma, Đền Thánh Gioan Lateranô, ngày 6 tháng 1, 2011, Đại lễ Chúa Hiển Linh.

PHANXICÔ

(Bản dịch tiếng Việt:

Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên,

UBLBTM/HĐGMVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ