Để qua được bên kia con sông người ta phải bắc một cây cầu, vì nhờ cây cầu vấn đề lưu thông giữa hai bờ sông trở nên dễ dàng và thuận tiện. Không chỉ thế người ta còn dùng hình ảnh cây cầu ( và chữ « cầu » ) để diễn tả nhiều ý nghĩa khác :
Trong toán học có tính chất bắc cầu
Trong cuộc sống người ta dùng cầu kiều, cầu danh, cầu lợi để diễn tả cho văn thơ và các mối quan hệ.
Trong đời sống đặc trưng của người Kitô Hữu nói chung, và đời sống Thánh Hiến nói riêng đó là « Cầu Nguyện ».
Và hôm nay, sau một cuộc trải nghiệm ngắn ngủi tôi tìm thấy « cây cầu của đời sống tận hiến ». Nghe có vẻ không ăn khớp với văn chương cho lắm nhưng nó lại đầy ý nghĩa với tôi.
Trong giai đoạn cuối của Thỉnh Sinh, tôi được đến thăm và khám phá một chút một cộng đoàn nho nhỏ ở ngoại ô Paris (La Verrière). Hai căn phòng nho nhỏ nằm ở tầng thứ hai trong một khu chung cư 16 tầng, chung quanh là một cộng đồng người Hồi Giáo.
Trước khi đến tôi thao thức với một loạt các câu hỏi, trong đó câu hỏi tôi tâm đắc nhất là : Không biết tại sao một nơi đầy bất tiện như thế Hội Dòng lại đặt một Cộng Đoàn với 4 sơ tuổi cao, sức yếu như vậy, bởi vì sơ trẻ nhất trong Cộng Đoàn cũng đã ngoài 60?
Và rồi câu trả lời cũng đem đến cho tôi sau chuyến trải nghiệm ngắn ngủi ấy, nó cũng ngắn và đơn giản như chuyến đi của tôi vậy, chỉ với hai chữ : « Hiện Diện » : một cộng đoàn Kitô Giáo hiện diện giữa một cộng đồng Hồi Giáo.
Không có bất cứ một sinh hoạt nào ồn ào, không có một hoạt động nào to lớn, nhưng qua chính tất cả những gì các sơ sống và thể hiện đều làm nổi bật đặc tính của đời sống người Kitô Hữu nói chung và nét đăc trưng của một công đoàn tu sĩ nói riêng.
Một cuộc sống sinh hoạt giản dị từ cách ăn mặc đến cách giao tiếp, tôi thấy nơi các sơ một đời sống khó nghèo.
Đi lễ mỗi ngày, giữ đầy đủ các giờ kinh phụng vụ chung cũng như riêng, điều đó nơi các sơ giúp cho tôi học được một đời sống cầu nguyện trung thành và vững chắc.
Tình tỉ muội thân thiện, luôn lắng nghe, chia sẻ và nâng đỡ nhau về mọi mặt trong cuộc sống thường ngày, tôi cảm thấy như một gia đình.
Chỉ là những cuộc viếng thăm, trò chuyện, chào hỏi thường ngày nhưng đầy tình Chúa, tình người.
Và hơn hết là một niềm vui, niềm hăng say trong phục vụ, trong khả năng còn có thể, tôi học được niềm vui phục vụ và sự quảng đại cho đi.
Dù rằng ở tuổi của các sơ sức khỏe đã bị hạn chế, và dù rằng cuộc sống đầy những khó khăn và thử thách nhưng những điều đó không làm tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho Hội Dòng suy giảm mà ngược lại các sơ còn là những chứng tá Phúc Âm bằng chính cuộc sống và khả năng hiện tại của mình.
Hôm nay với tôi, trước một dòng sông đời đầy sóng gió, đầy thách đố và khó khăn phía trước, tôi đã từng ngần ngại và như muốn dừng bước thì các sơ đã bắc một cây cầu để cho tôi bước đi.
Qua những chia sẻ về những kinh nghiệm mà các sơ đã từng trải trên con đường Thánh Hiến đầy nhiệt huyết, và cho đến tận bây giờ khi các sơ đọc lại những hành trình đầy gian nan ấy mà trên môi vẫn nở nụ cười trong niềm vui làm tôi thấy cảm phục biết bao…
Cám ơn Chúa, cám ơn các sơ đã cho con một cây cầu để đi tiếp con đường con đã, đang và sẽ đi.
Thu Hương, thỉnh sinh OA.