Nhân ngày lễ mừng kính các vị tử đạo (11/11) của Hội dòng Đức Mẹ Lên Trời , con xin tóm lược và chia sẻ đôi điều về các Ngài. Câu hỏi đơn giản trước hết cho chúng ta rằng : Ai là 3 tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời người Bungagi ? Thưa đó là:
Pavel, được sinh ra trong một gia đình Công giáo Latinh vào ngày 19/06/1919, tại thành phố Plovdiv, miền Nam Bungari. Ngày 2/10/1938 vào nhà tập ở Nozero ( thành phố Jura, miền Trung nước Pháp). Ngay từ niên thiếu, Pavel đã thể hiện ước muốn trở thành linh mục và theo học ở trường trung học thánh Augustin tại thành phố plovdiv, Bungari. Theo học Thần học tại Pháp trong Thế chiến thứ 2 tại Học viện Lormoy ( gần Paris). Nhưng vì lý do sức khỏe, Pavel phải trở về Bungari vào năm 1942 và kết thúc khóa Thần học tại đây. Ngày 26/1/1945, Pavel được thụ phong linh mục theo nghi thức Latinh. Cùng năm này, Cha được chỉ định làm quản lí trường Trung học Thánh Augustin cho đến khi trường bị đóng cửa năm 1948.
Kamen – được sinh ra trong một gia đình Công giáo rất thánh thiện vào ngày 23/5/1893 tại Bungari. Ngày 8/9/1910, vào nhà tập ở Gempe (Bỉ), chịu chức linh mục ngày 22/12/1921. Năm 1929, cha lấy học vị Tiến sĩ Thần học ở Strasbourg. Từ năm 1930, là Giáo sư Triết học và là Hiệu Trưởng trường Trung học Thánh Augustin ở thành phố Plovdiv. Sau khi trường Trung học bị đóng cửa vào ngày 2/8/1948, Cha làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Đức Mẹ Lên Trời ở thành phố Plovdiv…
Josaphat- sinh ngày 09/2/1884, tại Bungari, trong một gia đình đông con và Công giáo Latinh rất nhiệt thành. Ngày 24/4/1900, vào nhà tập tại( Thổ Nhĩ Kì) khi mới chỉ 16 tuổi. Ngày 11/6/1909, chịu chức linh mục tại Malines ( Bỉ), sau đó học Triết và Thần học tại trường Đại học Louvain. Cha trở về Bungari, và ở đây Cha trở thành giáo viên của trường Trung học Saint-Michel, thành phố Varna ( miền Đông Bungari); Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Cyrille và Méthode ở thành phố Yambol ( miền Nam nước Bungari). Ngoài ra, Cha coi sóc một giáo xứ Latinh trong vùng Yambol và làm Cha Tuyên úy cho các sơ dòng Nữ Tu Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời. Cha bị bắt vào tháng 12/1951.
Cha Kamen và cha Pavel cùng bị bắt đêm 4/6/1952. Ngày 3/10/1952, cả 3 vị bị chính quyền cộng sản Bungari tuyên án tử hình vì tình yêu trung thành đối với Thiên Chúa và kiên vững làm chứng cho Đức Tin. Vào 23 giờ 30 phút ngày 11/11/1952, cả 3 linh mục dòng Đức Mẹ Lên Trời: Cha Kamen, cha Pavel, và Cha Josaphat, cùng với một vị giám mục Bungari bị xử bắn trong nhà tù trung tâm thành phố Sofia, thủ đô của nước Bungari.
Vào ngày 26/5/2002, Nguyên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố phong chân phước cho 3 vi lịnh mục nói trên của chúng ta. Trong bài giảng thánh lễ phong Chân Phước. Nguyên Đức Thánh Cha chia sẻ : “…Cuộc sống của các Kitô hữu hoàn toàn hướng về mầu nhiệm này. Lời đáp trả trung thành của chúng ta đối với tình yêu của Thiên Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần đã được chúng ta thể hiện ngay ở trần thế này.”
Ba Linh mục dòng Đức Mẹ Lên Trời mà Giáo Hội vui mừng ghi danh ngay từ hôm nay vào danh sách các bậc Chân Phước, đó là các Cha Kamen, Pavel và Josaphat đã không ngần ngại cho đi cuộc sống của các Ngài vì niềm tin vào Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần và tình yêu của Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Các Ngài đã cho đi không do dự để phục vụ Giáo Hội của Người.
Trong thời đại ngày hôm nay, chúng ta nghĩ gì về việc tử đạo để minh chứng cho đức tin của mình. Vâng ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Vị Tử đạo của chúng ta. Tuy nhiên, người tín hữu sống đạo ngày hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin mừng.
Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, đời sống đạo xem ra có nhiều thuận lợi, nhưng biết đâu có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình. Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi đôi bạn bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai, nạo thai; đó là khi những người trẻ buông thả về đời sống tình dục; đó là khi con người ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là kinh lễ; đó là khi vô tình hay hữu ý, trực tiếp hay gián tiếp chúng ta đã làm chia rẽ, phá đổ các mối tương quan vốn có bản chất rất đẹp trong một cộng đoàn đời tu.
Ước gì, lạy Chúa, vị Tử Đạo tối cao! Chúa đã hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng con. Xin hãy dạy chúng con noi gương 3 vị tử đạo của chúng con, mà cộng đoàn chúng con họp nhau long trọng mừng lễ các Ngài hôm nay. Xin cho chúng con biết đáp đền tình yêu lớn lao ấy bằng chính cuộc sống chứng tá đời tu của chúng con. Và cuối cùng, xin cho chúng con giữ được bản lĩnh, lâp trường khi sống giữa thế gian; giữ được vị mặn của muối, và độ nồng của men, để đời sống của chúng con là chuỗi ngày tháng phục vụ vị lợi ích Tin Mừng.
Thầy J-B Nguyễn Ngọc Thăng (AA)