-->
Sống Ơn Đổi Mới
27/05/2023
Lễ Chúa Ba Ngôi
03/06/2023
Show all

TRÁI TIM BÊN NGOÀI

TRÁI TIM BÊN NGOÀI

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật Bản gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukhamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!

Tsukhamoto là một nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ đến bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya, mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “ĐỐI NGOẠI HỮU KỲ TÂM, ĐỐI NỘI VÔ TÂM GIẢ”.

Từ đó Tsukhamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi thấy vậy hỏi.

Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?

Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô Giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “HỮU TÂM”, còn với bản thân mình thì “VÔ TÂM”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… nghĩa là phải đem hết trái tim mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì xả kỷ, đừng bao giờ lo cho riêng mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim mình ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng Thuật của Thần Đạo Nhật Bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên người bạn chí thân và đã âm thầm chịu phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục… (trích tài liệu riêng của người tín hữu – Lm Trọng Hương) (sưu tầm).

 

Bức ảnh mà quan đại thần Tsukhamoto nhắc tới đó chính là bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Phía trên trái tim có ngọn lửa cháy bùng, ngọn lửa tình yêu dành cho nhân loại. Đọc trong Phúc Âm chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đã sống như thế, Ngài vâng nghe Chúa Cha và hết mình phục vụ mọi người, Ngài quên đi chính bản thân mình. Phúc Âm ghi lại, Chúa Giêsu đã giảng dạy cho mọi người và nhất là Ngài đã niềm nở tiếp đón những kẻ thu thuế và tội lỗi, ghé thăm và dùng bữa tại nhà họ.

Để dạy cho những người thiếu lòng thương xót, thiếu sự cảm thông và yêu thương, Ngài đã kể cho họ nghe mẩu chuyện về người mục tử nhân lành, lang thang đi tìm con chiên lạc. Và khi đã thấy được, người ấy đã vác nó trên vai mà mang về nhà, rồi loan báo tin vui cho bè bạn.

Hay chuyện người đàn bà đốt đèn tìm kiếm đồng bạc đánh rơi. Và khi tìm thấy, người ấy đã mời chị em lối xóm đến để chia vui với mình.

Nhất là với hình ảnh người cha nhân hậu mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về, để rồi sẽ tha thứ tức khắc và tha thứ tất cả cho cậu.

Đức Kitô không dừng lại ở việc giảng dạy, mà Ngài sống những gì mình đã nói ra. Ngài còn làm nhiều điều lạ lùng để giúp ích cho nhiều người.

Thực vậy, Ngài đã cải tạo trái tim của Mađalêna, người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 8,1-3). Ngài đã tha thứ và để cho người đàn bà ngoại tình được ra về bình an. Ngài chữa lành mọi bệnh tật nguyền cho những ai tin vào Ngài. Ngài đã đổi đời cho ông Giakêu, một nhân viên thu thuế, vốn bị người Do Thái đồng hóa với phường tội lỗi (x.Lc 19,1-10). Ngài đã hứa thiên đàng cho tên trộm lành trên thập giá (x. Lc 23,43). Ngài đã đặt Phêrô đứng đầu mười hai Tông Đồ, dù ông đã chối Ngài ba lần. Nỗi khổ đau của con người thì cùng cực, những tình thương của Chúa lại vô biên.

Trải qua dòng thời gian, biết bao nhiêu người đã đi theo dấu chân của Chúa, sống hết mình phục vụ tha nhân, không ngừng tím kiếm những con chiên lạc. Chẳng hạn cha thánh Vianney đã chấp nhận mọi mệt mỏi, ngồi vào tòa giải tội nhiều giờ mỗi ngày để xoa dịu những tâm hồn tan nát vì tội lỗi. Hay mẹ Têrêsa Calcutta đi đến nơi cùng cực của trái đất để cứu vớt, yêu thương những người nghèo khổ. Còn có rất nhiều vị thánh khác cũng họa lại hình ảnh sống động của Chúa Giêsu với nhiều hình thức khác nhau.

Gần chúng ta hơn, có những linh mục, tu sĩ nam – nữ, các dòng tu…, đang đi theo bước chân của Thầy Chí Thánh đã đi xưa. Điển hình như Dòng Chúa chiên lành ở Vĩnh Long, đã mở rộng cánh cửa tiếp đón và nâng đỡ những chị em lầm lỡ, giúp họ làm lại cuộc đời. Hay như dòng Don Bosco, chuyên môn giáo dục thanh thiếu niên, nhất là những trẻ em bụi đời, để họ tìm thấy hướng đi cho cuộc sống của mình… Phải chăng đó là những phản ảnh, những tiếng vọng cho tình Chúa xót thương? Vẫn còn đó những người đang tiếp nối sự yêu thương mà Thiên Chúa trao phó, tiếp tục khắc lên hình ảnh “trái tim để ngoài” như Chúa Giêsu. Với thế giới đầy những sự bất ổn, những sự tổn thương vẫn cần lắm “những con tim được đặt ngoài lồng ngưc”. “ĐỐI NGOẠI HỮU KỲ TÂM, ĐỐI NỘI VÔ TÂM GIẢ”.

Maria Thu Lý, Thỉnh sinh OA.

Comments are closed.

Liên hệ