-->
Tự thuật- Chương V
28/08/2020
Tự thuật- chương III
28/08/2020
Show all

Tự Thuật- Chương II

Chương II. Vật lộn với chân lý

Chương này kể lại giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Augustinô, những năm học ở Carthage. Tại đây qua những tác phẩm của Cicero ngài học biết là việc theo đuổi sự khôn ngoan quan trọng hơn uy tín hay của cải vật chất. Ý nghĩ này không bao giờ rời xa ngài, và thực sự đã trở thành căn bản cho việc tìm kiếm chân thành chân lý trong suốt cuộc đời ngài.

Nhưng cũng tại Carthage, khi chỉ mới có 17 tuổi, Augustinô có người yêu. Một năm sau cô này mang thai và sinh ra người con tên là Adeodatus. Từ đó, dù cho đôi khi ngài khinh bỉ mình về chuyện đó, ngài thấy mình không có thể sống không có bồ. Ngài trung thành với người yêu đầu đời này trong vòng 15 năm dù sau này khi định lập gia đình ngài chọn cô khác. Sự yếu đuối này theo ngài là gánh nặng thường xuyên cho Ngài và đôi khi là chướng ngại cho việc trở lại. Augustinô làm thày giáo một thời gian ngắn trong thành phố quê hương khi một người bạn chết gây cho ngài một ấn tượng mãnh liệt. Rồi khi có “việc” thơm tại Roma, ngài đã sống nhiều năm sôi động với một nhóm bạn bè tại đây. Họ coi mình như những người tìm kiếm chân lý nhưng theo ngài “họ không cho rằng trí khôn của họ là món quà của Chúa”.

Phái Manicheism Augustinô theo một thời gian chỉ là Kitô giáo thoái hoá bác bỏ mọi ý niệm về Thiên Chúa hiện diện trong vật chất hay con người. Như thế Augustinô coi việc nhập thể, với hình ảnh Thiên Chúa mang lấy thân xác con người nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là một chuyện hoàn toàn không thể chấp nhận được. Manicheism chỉ là một trong các lạc giáo trong thời đó, và khi Monica cầu nguyện cho Augustinô tìm thấy mái ấm trong Giáo hội Công giáo, bà nghĩ là giáo hội này vẫn trung thành với giáo huấn các tông đồ, chính thống, giáo hội của kinh thánh luôn đứng vững trước những tư tưởng lạ kỳ hay chóng qua.

Cuối chương ta thấy Augustinô bước thêm một bước: đoạn tuyệt phái Manicheism. Rồi có việc mới quan trọng ở Milan ngài bị ảnh hưởng của giám mục Ambrose và quyết định học đạo.

5. Chân lý quan trọng

Khi tôi học tu từ ở Carthage tôi đọc cuốn sách của triết gia Cicero. Tôi đọc cuốn ấy vì người ta cho rằng văn chải chuốt và lý luận có tính cách thuyết phục và tôi đang muốn có những tài năng đó. Điều tôi không ngờ là ảnh hưởng của cuốn sách này trong cuộc đời tôi. Tôi phải nói không phóng đại là cuốn sách đã thay đổi toàn thể thái độ của tôi về cuộc sống.

Cuốn sách nhan đề Hortensius và thực sự là lời kêu gọi độc giả yêu mến sự khôn ngoan hay điều mà người Hy lạp gọi là “philosophia”. Hậu quả của cuốn sách thực bi thương cho tôi vì kích thích những khát vọng tôi chưa hề có bao giờ. Tôi thấy sự hùng biện, nói như thế nào, không quan trọng bằng chân lý, điều ta nói. Nói cách khác cách nói là phụ thuộc điều ta nói mới là chính yếu.

Cicero đã cho tôi lòng khao khát mạnh mẽ bỏ đi những sự vật vật chất hay thế tục để theo đuổi sự khôn ngoan. Tiếng Hy lạp “Philosophia” có nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan và tôi bị lay chuyển, ngay cả bị thiêu đốt, không phải về những sự tin tưởng này kia, nhưng vì tình yêu tìm kiếm khám phá ra và giữ vững chân lý dù chân lý như thế nào.

Lúc đó tôi được 19 tuổi và mẹ tôi chu cấp tiền nong, cha tôi đã qua đời trước đó hai năm. Mẹ tôi mua cho tôi tài hùng biện, nhưng Cicero thuyết phục tôi có điều còn quan trọng hơn văn thể. Lúc đó tôi bắt đầu vươn lên ra khỏi vực thẳm tôi đã rớt xuống. Tôi chưa biết thư của thánh Phaolô hay Kinh thánh, với lời cảnh cáo đừng để cho triết lý sai lạc phỉnh phờ chỉ theo truyền thống của nhân loại, nhưng Cicero cảnh cáo rằng có những thứ vô luân lý được mặc bằng những lý luận phỉnh phờ và kêu vang và cũng có tên là triết lý.

Chỉ có một điều làm tôi cẩn trọng không theo Cicero hoàn toàn: ông không nói gì về Chúa Kitô. Dù tôi chưa có đức tin nhưng tôi đã bú sữa mẹ với thánh danh đó.Tên ngài ăn sâu vào tâm tưởng tôi nên tôi không bao giờ hoàn toàn bị khuất phục với luận cứ nào dù bác học và hùng biện cách mấy, nếu không dành cho Chúa Kitô một chỗ trong cuộc tranh luận.

Hậu quả của việc đọc sách người không công giáo này làm tôi quyết định đọc thánh kinh để xem sách này như thế nào và có thể giúp cho tôi tìm ra sự khôn ngoan hay không? Lúc đó tôi rất tự hào về việc đó. Thánh kinh là cuốn sách dành cho những kẻ khiêm nhượng tuân phục những mầu nhiệm sâu xa của Chúa. Còn tôi thì đến với thánh kinh với việc phê bình và kết luận rằng thánh kinh không thể so sánh với Cicero về ngôn ngữ hay ý tưởng siêu việt.

Tôi đâu có biết thánh kinh không tỏ lộ mầu nhiệm cho những con mắt kiêu ngạo. Sự kiêu căng của tôi từ chối hạ mình. Tôi không nghĩ rằng Kinh thánh lớn lên với trẻ nhỏ từng bước, và tiến lên theo từng giai đoạn. Chân lý đơn giản cho người đơn sơ, chân lý sâu xa cho người trưởng thành. Tôi chắc chắn mình đã trưởng thành nên tôi đã mất mát.

6. Giấc mơ của mẹ

Khi còn trẻ, tôi từ chối niềm tin của mẹ và làm thất vọng cho lời cầu nguyện của bà, Chúa đã cho mẹ tôi một thị kiến. Xảy ra trong lúc mẹ tôi đang rất lo lắng về tôi, mẹ khóc cho tôi còn hơn bà mẹ mất đứa con một. Theo mẹ tôi đã chết, chết vì không tin, chết về tinh thần. Kết quả là bà không thể đem tôi ngồi cùng bàn ăn với bà hay về nhà. Bà không chịu nổi những câu nói lộng ngôn của tôi hay những sự đả phá của tôi.

Rồi trong một giấc mơ bà có một thị kiến. Bà thấy mình đang đứng trên sàn gỗ. Một thanh niên có thể là một thiên thần đến với bà. Bà đang lo lắng cùng cực về tôi; còn chàng trai có vẻ thân tình và tích cực. Anh ta hỏi bà có chuyện gì và bà cho hay mình đang lo lắng cho đứa con đang tiêu huỷ cuộc đời khi từ chối Thiên Chúa. Câu trả lời của chàng trai làm bà ngạc nhiên. Chàng đề nghị cho bà khỏi lo lắng nên quay lại và nhìn xem tôi đứng chỗ nào. Bà làm thế và sửng sốt thấy tôi đang đứng cạnh bà. Thiên thần chỉ cho thấy bà ở đâu tôi cũng ở đó. Bà coi lời nói của chàng trai như một bảo đảm trực tiếp từ Thiên Chúa là ngài đã nghe lời bà cầu xin cho tôi và mọi sự sẽ tốt đẹp.

Tôi tin là Chúa soi sáng cho bà trả lời cho tôi khi tôi bi quan giải thích giấc mơ. Tôi nói là như thế là một ngày kia bà cũng sẽ có tôn giáo như tôi dù cho là tôn giáo nào. Bà liền trả lời ngay: “Không, mẹ không nghe nói “anh ta ở đâu bà ở đó” nhưng “bà ở đâu anh ta sẽ ở đó”.

Câu trả lời đó gây ấn tượng rất sâu xa cho tôi trong thời gian đó và tôi thường nhớ lại trong thời gian chín năm sau đó khi tôi đang đi trên con đường tăm tối của sai lầm và vô tín. Trong khi đó người phụ nữ đạo đức và trung thành tiếp tục cầu nguyện cho tôi, với nhiều lạc quan hơn, tuy cũng còn nhiều đau khổ và khóc lóc vì cuộc sống của tôi.Và lời cầu của mẹ tôi đã được nhận lời và một hôm tôi đã đứng tại chỗ bà đứng sau 9 năm phản loạn.

7. Giã từ thiên văn

Trong thời gian học tu từ tôi đi thi làm thơ. Trước khi thi tôi được một thày bói hỏi tôi trả ông ta bao nhiêu để ông thu xếp cho tôi thắng giải. Tôi thường ghét khoa học huyền bí nhất là việc giết con vật để xin ơn thần minh.

Tôi trả lời cho ông nói rằng nếu giá cả là vàng ròng và bất tử tôi cũng không đồng ý cho một con ruồi phải chết dù cho để tôi được giải. Dĩ nhiên tôi không có quan điểm theo Kitô giáo. Khác hẳn thế tôi lại là người chúa mê tín như những người theo khoa vô hình. Điều này đúng vì tôi theo khoa thiên văn. Tôi nghĩ rằng khoa này tốt hơn vì không phải cúng tế súc vật hay cầu nguyện với thần linh. Điều tôi không thấy là tại sao khoa thiên văn có liên quan đến căn bản trách nhiệm của con người. Chẳng hạn như nói “không phải lỗi tại tôi, do ngôi sao quyết định” hay Sao Venus, Saturn hay Mars đã định như thế, không phải do yếu đuối hay tội lỗi” Làm cho tôi chỉ là thịt và máu và hãnh diện vì sự hư hỏng không còn tội lỗi gì. Đấng tạo dựng trời và tinh tú bị trách cứ trong bất cứ việc gì tôi làm. Và ai là Đấng Tạo hoá đó nếu không phải là Chúa, trung tâm và nguồn gốc cho sự công chính?

Tuy nhiên trong thời gian đó tôi gặp một thày thuốc tên là Vindiciamus và tôi cảm phục ông. Lúc đó ông là tổng lãnh sự và trong khi còn tại chức ông trao giải thưởng cho tôi, đặt vòng thiên tuế trên đầu tôi. Chắc chắn đầu óc tôi cần một bác sĩ lưu ý, tuy ông không biết lúc đó.

Dù sao Chúa cũng dùng ông già đó kéo tôi ra khỏi tình trạng tự huỷ diệt. Ông nói chuyện có duyên. Ông không dùng một lời nào thừa thãi cả và có lương tri sống động quân bình cái trọng cái khinh cách hoàn hảo.

Khi ông thấy tôi mê tử vi ông khuyên tôi vứt lá số đi. Ông cho hay tôi nên dùng thời giờ cho những chuyện nên làm hơn là cho những chuyện vớ vẩn.

Ông kể cho tôi về kinh nghiệm của ông. Khi còn trẻ ông tính theo nghề tử vi. Ông học sách Hippocrates làm cho khoa tử vi thành giản dị. Tuy nhiên sau đó ông bỏ hoàn toàn và học y khoa. Lý do của ông rất đơn giản. Ông thích nghĩ mình là người lương thiện và như thế không muốn làm tiền bằng lọc lừa. Ông khám phá ra khoa tử vi luôn đánh lừa. Theo ông nói khoa này hoàn toàn bá láp.

Ông khuyên tôi bỏ khoa tử vi. Ông lý luận: “Nhất là tu từ là nghề của cậu và cậu có thể sống nhờ nghề đó. Cậu không nên thực hành nghề chuyên lừa lọc này; chỉ là thú tiêu khiển thôi. Hãy nghe lời người đã học nghề đó kỹ lưỡng, sống bằng nghề đó mà cũng phải bỏ như tôi.”

Tôi chú ý đến sự lưu tâm của ông nhưng còn muốn biết tại sao khoa này sai lầm mà nói trúng thế. Ông nói đó chỉ là may ăn may vớ cũng vô lý như bói Kiều. Đôi khi câu thơ có thể áp dụng, nhưng chung chung thôi. Nhưng chỉ là may rủi vì thi sĩ đâu có muốn hướng dẫn ta.

Lúc đó Vindicianus không thuyết phục nổi tôi. Tôi còn bị mê hoặc vì bao nhân vật thời danh sáng láng xem tử vi. Tôi thấy khó mà tin khoa này dựa trên sự may rủi. Nhưng ông đã gieo mầm mống hoài nghi trong lòng tôi.

Ít lâu sau tôi mới xác tín là Vindicianus và người bạn khác là ông Nebridius cả hai đều hoài nghi về giá trị khoa tử vi là đúng. Những trường hợp làm cho tôi kết luận như thế thật kỳ lạ.

Tôi có người bạn thân tên là Firminus đến giúp tôi. Anh muốn làm ăn khá giả và xin tôi chấm sao cho anh. Cũng như tôi anh đang học nghề tự do và tu từ, và cũng như tôi anh say mê tử vi nhưng cũng hơi nghi ngờ về khoa này.

Tôi đồng ý chấm sao cho anh nhưng thêm rằng tôi không còn tin là chính xác nữa. Anh mới kể cho tôi nghe câu chuyện của cha anh. Nhiều năm trước cha anh và người bạn học tử vi rất nghiêm túc. Họ cẩn thận đến nỗi luôn có mặt khi có ai sinh ra trong nhà để ghi chú giờ đúng và so sánh với lá số.

Khi mẹ Firminus có thai ông bạn của cha ông cho hay một đứa nô lệ gái cũng có thai. Họ quyết định theo dõi hai đứa trẻ sắp sinh ra rất cẩn thận, và so sánh hai lá số.

Hai đứa nhỏ sinh ra trong cùng một giờ tuy ở hai nhà khác nhau. Cả hai đều là con trai và một đứa tên là Firminus, bạn tôi sau này. Nhưng anh biết trong một thành phố xa khác có một chàng trai cùng tuổi cũng một lá số nhưng đang sống một cuộc sống khác hẳn.

Điều này làm Firminus khó chịu. Tại sao nếu hai đứa cùng sinh ra cùng một lá số mà có cuộc sống khác nhau như thế? Anh ta giàu có, có văn hoá, thành công, còn anh kia vẫn là nô lệ, nghèo khó, không được ăn học, và phải chật vật trong cuộc sống.

Nhưng tôi cho anh hay, tình trạng rất phức tạp. Ở đây chúng ta đoán xem anh ta có được công việc mong ước hay không. Nhưng tại sao lá số cho anh được mà lại không cho anh chàng nô lệ kia không được? Nếu có gì hữu lý trong khoa tử vi thì hai anh chàng phải có cuộc sống giống nhau, trái lại cuộc sống họ hoàn toàn khác nhau.

Kết quả thực rõ ràng. Khi tôi chấm sao cho Firminus tôi không thể cho anh lá số khác với tên nô lệ có cùng lá số và nếu khoa học này đúng thì, có cùng lá số tại sao đúng cho anh ta và sai cho tên nô lệ.

Điều này làm cho tôi nghĩ đến những người sinh đôi, cùng sinh trong một cung sao nhất là về Esau và Giacob trong sách Sáng thế, tại sao tính khí và định mệnh khác nhau như thế. Chúng tôi kết luận là tất cả đều vô lý.

Lạy Chúa, chắc hẳn, chỉ có chân lý trong tay Chúa. Không ai có thể nói “điều gì sẽ xảy ra?” Trong sự khôn ngoan tuyệt diệu của Chúa,Chúa quyết định kết quả cho những biến cố và định mệnh cho mỗi cá nhân.

8. Giọt lệ đắng cay

Trong thời gian dậy học tại tỉnh nhà, tôi có người bạn thân. Chúng tôi biết nhau hồi còn trẻ rồi qua trung học và đại học với nhau. Chúng tôi cùng học và cùng chơi, thú vị vì làm bạn với nhau và thách thức nhau trong thái độ hay suy nghĩ.

Dù bạn tôi là Kitô hữu từ nhỏ tôi làm cho anh ta bỏ đạo và rất thú vị về việc đó. Chúng tôi cùng sung sướng với nhau vì không tin gì. Tuy nhiên, đường lối Chúa như thế, tình bạn của chúng tôi bị thử thách. Anh bị lây bệnh và nóng lạnh cho đến khi bất tỉnh. Bác sĩ nói anh không thể khỏi bệnh được.

Lúc đó dù anh không ý thức anh được rửa tội. Thân nhân cho rằng anh đã muốn được rửa tội trong niềm tin thời thơ ấu. Theo tôi đó là chuyện vô nghĩa. Nếu tôi đã thuyết phục anh không tin gì thì việc xối nước trên anh đâu có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên sự thực khác hẳn. Anh tỉnh lại và khoẻ hẳn nên có thể tranh luận với tôi về điều đã xảy ra và cảm nghĩ của anh về chuyện đó. Khi có dịp nói với anh tôi mạnh mẽ nhạo báng phép rửa tội anh lãnh nhận mà người ta cho là anh đồng ý. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh nói là tôi không nên nói thế nếu muốn còn là bạn của anh. Thế là tôi không nói nữa hi vọng khi anh khoẻ hẳn tôi sẽ có dịp nói với anh về chuyện vô nghĩa trên.

Tuy nhiên không phải như thế. Ít ngày sau anh ta sốt trở lại và qua đời.

Tôi ngạc nhiên vì thái độ của tôi. Lòng tôi tăm tối và mọi sự tôi thấy hình như giơ ra bộ mặt đen tối của thần chết. Mọi điều chúng tôi cùng hưởng trở nên sự hành hạ, khi anh không còn đó chung hưởng với tôi. Tôi không thể nói gì với mình về niềm hi vọng vào Chúa. Tôi chỉ biết khóc cho vơi sầu, và lệ sầu không ngưng. Lệ chua xót nhưng cũng là một lời tạ lỗi và cầu nguyện.

Mọi sự nhắc nhở tôi về anh: nơi chúng tôi cùng đi, sân chơi, phòng hoà nhạc,sách vở, bữa ăn, ngay cả khi chơi gái. Tôi vẫn còn mãi cảm nghĩ mất mát. Tôi không thể trốn chạy chính mình nên đành làm điều tốt nhất.Tôi rời Tagaste đi Carthage. Tại đây, chắc chắn thời gian là liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu cảm giác và an ủi tinh thần.

Khi hết buồn tôi có thể nhìn lại kinh nghiệm. Tại sao tôi đau đớn nhiều? Tại vì tôi đã nhỏ lệ cho chiếc giường cát đã yêu một người mà ngày nào đó sẽ chết nhưng coi như họ bất tử. Điều tôi học hỏi sau này còn quan trọng hơn. Con người hạnh phúc đó là người đã yêu Chúa, lạy Chúa. Chúa bất tử và không thay đổi, anh đã yêu bạn bè chỉ trong Chúa và yêu kẻ thù vì Chúa.

9. Chúa của vẻ đẹp

Tâm hồn con người hướng về đâu nếu không phải về Chúa nếu không sẽ chỉ đớn đau. Đây là chân lý ngay khi cả họ dính bén với những vẻ đẹp nhất Chúa đã dựng lên như cây cối, bông hoa, lá cây hay mầm cây. Mọi sự đều có mùa thu và mùa xuân: mùa xuân khi nở rộ hoàn hảo và mùa thu khi héo tàn và chết. Bản tính của thụ tạo là thế.

Như vậy thật điên khùng khi dính bén với thụ tạo tuân theo luật chết. Tôi có thể ca tụng Chúa vì vẻ đẹp của chúng nhưng phải nhận ra chúng sẽ mau vào quên lãng. Kêu lắm lại càng tan tác lắm. Đây là con đường của thế gian, cái này thay cái khác không ngừng, vật này nhường chỗ cho vật kia.

Lời của Chúa hỏi rằng: “Ta sẽ ra đi không ?”Chúa không bỏ rơi vật ngài sáng tạo nhưng hiện diện trong nó để khi ta tìm khoan khoái trong đó thì cũng tìm thấy khoan khoái trong người. Theo căn bản đó chúng ta có thể xây dựng và yêu thụ tạo nhưng tốt nhất là yêu Chúa trong thụ tạo.

Hơn nữa, sự sống thực duy nhất của ta, Con Thiên Chúa, đã đến hành tinh của ta để mang lấy sự chết, cái chết của một thụ tạo, nhưng qua quyền lực sự sống nơi ngài đã chiến thắng sự chết. Ngài dùng tiếng sét kêu gọi ta trở lại. Và dù ngài đã về trời ta còn tìm thấy ngài trong lòng ta, hiện diện trong cuộc sống ngài đã tạo dựng và cho nó một cuộc sống mới.

10. Sự khôn ngoan vĩnh cửu

Khi được 20 tuổi con rất thoả mãn vì đọc được cuốn 10 phạm trù của Aristote và hiểu được không cần thầy dạy. Khi có dịp con thường đề cập đến cuốn sách đó, không nói tới nhan đề với một chút sợ hãi và mỉm cười khi thấy ông thầy cho rằng họ rất khó khăn khi đọc cuốn đó.

Và cuốn sách đã mang lại lợi ích cho con. Tuy nhiên nó cũng có hại vì nó khuyến khích con nghĩ đến Chúa, lạy Chúa, như Chúa chỉ là một phần của những gì Chúa tạo dựng thay vì là căn bản và nguồn gốc. Đáng buồn thay, con quay lưng lại ánh sáng và mắt con đăm đăm vào cõi tối. Con có thể hiểu không mấy khó khăn khoa luận lý, tu từ, hình học, âm nhạc, toán pháp nhưng con không thấy rằng chính trí khôn con là hồng ân của Chúa và mọi chân lý đều do Chúa là nguồn gốc.

Ích lợi gì khi tôi hiểu biết nhưng tôi không làm lành mà chạy theo sự dữ? Tôi không hiểu biết gì những người tôi coi là đơn sơ nhưng họ hơn tôi, tuy không có trí khôn như tôi nhưng tín thác vào Chúa và nương ẩn an toàn trong tổ ấm giáo hội.

11. Người mẹ cầu nguyện

Vào thời gian đó tôi ngã bệnh tưởng chết. Nếu tôi chết chắc chắn tôi sa hỏa ngục, vì tội tôi không được tha vì không thống hối, và không thống hối vì không thấy rằng làm sao Chúa Kitô mang lấy tội tôi trong thân xác người, vì tôi không thực sự tin rằng ngài có một thân xác. Tôi bị ảnh hưởng của phái Manichee và nghĩ như họ là Chúa Kitô chỉ có một thân xác thần linh, thiên thần hơn là thân xác con người với thịt và máu.

Mẹ tôi không biết tôi tin gì cũng không biết tôi bị bịnh gì nhưng như thường lệ mẹ tôi vẫn cầu nguyện cho tôi khi tôi vắng mặt: vắng nhà và xa vắng giáo hội mà mẹ tôi luôn gắn bó. Nhìn lại, tôi không thể tin rằng Chúa đã bỏ qua hay từ chối lời cầu nguyện của bà, lời cầu nguyện đau đớn và có giá trị từ môi miệng của bà như sự sinh con từ cõi lòng. Làm sao Chúa có thể làm ngơ trước lời cầu của bà goá phụ thống hối và khiêm nhường, quảng đại với người khác, giản dị phục vụ giáo hội, ngày ngày đi lễ hai lần trong ngày đến nhà thờ cầu nguyện và nghe tiếng Chúa? Làm sao Chúa có thể nhắm mắt khi bà khóc, những giọt lệ khẩn khoản không phải xin vàng bạc, hay danh vọng trần gian mau qua, nhưng chỉ cho đứa con xa lạc được cứu rỗi? Vì thế để đáp lại lời nguyện âm thầm của bà Chúa chữa tôi lành và cho tôi chỗi dậy. Tại Roma, cùng với bạn bè với niềm tin xa lạ, Chúa đã gặp tôi và đánh động tôi. Nhưng tôi vẫn không lay chuyển. Tôi kiêu ngạo đến nỗi coi mình không có tội. Theo niềm tin của phái Manichee tôi bảo tôi không có tội theo quan điểm là không phải tôi phạm tội nhưng nguyên lý sự dữ hiện diện vật lý trong tôi phạm tội, trong khi thực ra tôi duy nhất và chính do sự không vâng lời tội lỗi của tôi đã tạo nên xung đột nội tâm đó. Nhưng trong lúc đó tôi không chấp nhận điều ấy. Tôi đã phá hủy sự tự tin.

Vì thế, việc khỏi bịnh không đem tôi đến gần Chúa ngay. Hơn nữa tôi lại theo tư tưởng của giới trí thức Roma thời đó cho là ta nên nghi ngờ mọi sự và đặt vấn đề trong mọi sự vì con người không thể hiểu được chân lý tối hậu. Đồng thời tôi không thèm để ý đến những phức tạp do quan niệm ấy. Ông chủ nhà tôi ở hoàn toàn tin theo những câu chuyện trong sách của nhóm Manichee nhưng tôi không bảo ông nên nghi ngờ khi đọc những chuyện đó. Chính tôi lại nghi ngờ những chuyện đó hơn và tôi cũng không binh vực lý thuyết đó hăng hái như xưa.

Thật đáng buồn khi tôi hoàn toàn không muốn quay về với giáo hội để tìm câu trả lời, thất vọng trong việc tìm ra chân lý Kitô giáo mà bạn bè tôi đã làm tôi xa cách, và còn dậy giáo thuyết mà tôi ghê tởm là chính Thiên Chúa là thần linh đã mang lấy thịt máu nơi con ngài. Chắc chắn tôi nghĩ rằng Chúa Kitô sinh ra trong xác thịt cũng bị xác thịt làm nhơ uế. Ý nghĩ đó làm tôi chống đối. Nhưng ít ra tôi suy nghĩ và hỏi han. Và Mẹ tôi vẫn cầu nguyện.

12. Quyết định quan trọng

Tôi bối rối tí chút. Dần dần tôi thấy những ý tưởng của phái Manichee rất yếu ớt. Họ không thể trả lời cho những đoạn Kinh thánh mà bạn bè có đạo chỉ cho tôi. Họ còn nói tân ước đã bị sai lạc do người nào đó, họ không nói là ai, muốn hòa hợp luật do thái với tin mừng. Nhưng họ lại không thể phát hành bản chính nguyên bản không sai lạc.

Tôi vẫn còn không thể quan niệm về một thực thể linh thiêng có một bản thể vật chất nghĩa là tôi tiếp tục chối bỏ quan niệm Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Xung đột phát sinh trong tâm tưởng tôi trong suốt thời gian tôi dạy hùng biện tại Roma.

Tình cờ tôi nghe có một chỗ làm rất tốt ở Milan, và tôi biết tôi rất thích công việc đó. Dĩ nhiên thị trưởng thành phố Roma được xin chỉ định một giáo sư tu từ cho thành phố Milan với công quĩ. Một vài người bạn trong phái Manichee có thần thế đã xin cho tôi và trả tiền lộ phí cho tôi đi Milan.

Công việc đòi hỏi tôi phải làm việc gần gũi với vị giám mục Milan là Ambrose, tôi nghe nói rất nhiều về ngài và ngài được kính trọng vì có tài hùng biện có một không hai. Ngài tử tế và thân tình với tôi, như một người cha, và tôi mau chóng thành thân thiết với ngài, cũng đáng buồn là lúc đó chưa chấp nhận giáo thuyết của ngài, mà tôi không biết là giáo thuyết chân thật của thánh kinh, nhưng chỉ thân với ngài như một người và một học giả.

Tôi rất thích nghe ngài giảng dù trong lòng tôi bác bỏ sứ điệp cứu độ của ngài. “Sự cứu độ xa cách người có tội” dĩ nhiên, nhưng dần dần tôi thấy gần gũi hơn mỗi ngày với sự cứu độ mà ngài rao giảng. Điều tôi học được nơi Ambrose là đức tin công giáo có thể binh vực bằng lý trí. Nó không như trước đây tôi nghĩ, là vô lý từ nội tại. Tôi đặc biệt đánh giá cách thế kỳ diệu ngài dùng để giải thích cựu ước. Tôi rất có ấn tượng vì tôi thuộc những đoạn đó. Nhưng vì tôi hoàn toàn chết về tinh thần nên tôi không hiểu được. Đây là một cái tát cho niềm kiêu hãnh của tôi, tôi giả thiết thế, nhưng cũng là điều tôi phải học.

Và thế là tôi bị xâu xé giữa một mớ lý thuyết Manichee mà tôi hoài nghi và lý thuyết Kitô giáo tôi bắt đầu thán phục nhưng không thể tin theo. Nếu tôi quan niệm được một bản thể thần linh thì những pháo đài Manichee trong tâm trí tôi mới tan vỡ được.

Tôi có quyết định quan trọng. Tôi bỏ phái Manichee vì tôi không còn chia xẻ niềm tin với họ. Tôi muốn thành dự tòng đi học giáo lý cho đến khi tôi thấy được chân lý chắc chắn. Khỏi cần phải nói, mẹ tôi sung sướng lắm.

Nguyên tác: Augustinô, Confessions

Chuyển ngữ: Lm. Ngô Tường Dũng

Nguồn: catholic.org.tw

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ