-->
Xin cho con cảm nếm – Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa
13/06/2020
Thánh Tâm Giê-Su
18/06/2020
Show all

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

(Mt 11, 25 – 30)

“Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói rằng…” là cụm từ xuất hiện nhiều lần trong các trình thuật của Tin Mừng; là cụm từ mà mỗi khi nhắc đến, người nghe lại có thể hình dung ra dáng vẻ rất con người của Đức Giê-su. Một Giê-su bi thương trong buổi chiều Thương Khó: Sao Cha bỏ con? Một Giê-su trắc ẩn động lòng thương: Xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết!… Và hôm nay, trong Tin Mừng Mát-thêu, là một Giê-su ngập tràn hoan lạc của Thánh Thần, Ngài cất tiếng ngợi khen Cha trên trời là Đấng Khôn Ngoan khéo xếp đặt mọi sự. 

Nổi bật và trở nên tâm điểm của đoạn Tin Mừng là câu trần thuật nhẹ nhàng đầy trìu mến: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng. Đứng trước mặt Đức Giê-su (và có thể bao quanh Đức Giê-su) là đám đông dân chúng cùng các môn đệ. Có lẽ khi nghe những lời dịu dàng đó, mỗi người trong số họ đã nghĩ ngay đến những gánh nặng như những cái ách trói buộc cuộc đời họ, gia đình họ, cả thể lí lẫn tinh thần. Nhưng có phải Đức Giê-su sẽ mang vác thay cho họ những khó khăn của cuộc sống? Hay Đức Giê-su sẽ đặt lên vai họ một cái ách nữa như các nhà thông luật đã làm? Không, Ngài chỉ tìm giúp và khai sáng cho mọi người một con đường để đối diện với những điều không như ý, đó chính là đón nhận trong sự hiền lành và khiêm nhượng. Bao lâu còn mang phận kiếp con người, bấy lâu còn phải tự mình bước đi trong những chông chênh không mong đợi. Thay vì chống đối, hãy đón nhận; thay vì bi phẫn, hãy khiêm nhường. Chính Đức Giê-su đã làm gương cho đến hơi thở sau cùng trong thân phận con người của Ngài, dù Ngài không có tội. Bài học mà Đức Giê-su muốn dạy cho những ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài chính là học theo tinh thần khiêm nhượng của Ngài: như chiên con hiền lành bị đem đi giết, như cừu câm nín khi bị xén lông…

Buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh có phải là một dĩ vãng xa xôi của hơn hai nghìn năm trước? Phải chăng cái chết của Đức Giê-su năm nào đã được xếp vào hạng tử đạo của các bậc vĩ nhân trong những pho sách sử ố mốc theo thời gian? Thực ra, buổi hiến tế năm nào vẫn ngày ngày tiếp diễn trên bàn thánh, nhắc nhở cho tất cả mọi người hình bóng hạ mình vâng phục cho đến giây phút tàn hơi của Đức Giê-su. Chính sự hiền lành đó, khiêm nhường đó đã mở ra chân trời tươi sáng huy hoàng là sự sống lại của Đức Giê-su và là sự sống mới mẻ khai mở tân kỉ nguyên  cho loài người.

Cái chết của Đức Giê-su không phải là một cái chết điên rồ, cái chết của sự nhu nhược không biết chống đối. Ngược lại, cái chết đó là kế hoạch đời đời của Chúa Cha. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi, chẳng ai biết được Chúa Cha ngoài Người Con và những kẻ mà Người Con muốn mặc khải”. Bởi các vị khôn ngoan thông thái còn bận tìm quyền uy và bới lông tìm vết trên tầm ảnh hưởng của người khác, nên Chúa Cha ưu ái mặc khải mọi sự cho những kẻ bé mọn đơn sơ.

Nếu như Đức Giê-su chọn hiền lành và khiêm nhường để sau cùng được Chúa Cha dùng quyền năng cho sống lại, thì con người nếu lựa chọn sự khiêm nhường hiền lành để đối diện với các biến cố và để đối đãi với nhau cũng sẽ gặt được trái ngọt của Thánh Thần là bình an, nhẫn nại và ơn thông hiệp với những đau khổ của Đức Giê-su.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su là lại một lần nữa mỗi người thêm cơ hội chiêm niệm tình yêu thẳm sâu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giê-su. Đặc biệt, thánh lễ này được mời gọi cách riêng để cầu nguyện cho các linh mục. Xin hãy cầu cho các ngài thực hành sốt mến sự hiền lành khiêm nhường, để mỗi ngày họa lại hình ảnh yêu thương của Đấng Cứu Thế khi dang tay cừ hành thánh lễ trên bàn thờ.

M. Tuyết Ny

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ