-->
Mừng Chúa Lên Trời
24/05/2020
Xin cho con cảm nếm – Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa
13/06/2020
Show all

Hiệp nhất trong sự khác biệt – Lễ Chúa Ba Ngôi

Thật là trùng hợp khi tôi vừa tham dự khoá thường huấn về sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn tuần qua của gia đình Dòng Đức Mẹ Lên Trời cũng là lúc lễ Chúa Ba Ngôi đang đến gần. 

Những suy tư, hiểu biết về Chúa Ba Ngôi luôn là một vấn đề mà bao thời đại vẫn tìm kiếm. Tại sao chỉ một Chúa mà ba ngôi vị? Tại sao trong sự duy nhất ấy lại có sự khác biệt? Và mầu nhiệm này có ý nghĩa gì với cá nhân tôi cũng như cộng đoàn?

Ở Đông Phương, người ta có thói quen cầu nguyện với các icône. Bức Icône về Chúa Ba Ngôi mà tôi được biết đến là bức “Thiên Chúa Ba Ngôi” do hoạ sĩ Andrei Rublev người Nga vẽ. Lấy cảm hứng từ ba vị khách ghé thăm Abraham lúc ban trưa và báo cho ông Tin mừng. Trong bức tranh, họ là ba người với nhiều điểm tương đồng trên khuôn mặt cũng như trang phục trong tư thế đang ngồi dùng bữa. Với icône, mỗi chi tiết đều có ý nghĩa linh thánh nhưng tôi không thể chia sẻ hết. Điều tôi muốn nhấn mạnh là tương quan mà Ba Ngôi diễn tả. Chúa Thánh Thần và Chúa Con nghiêng mình về Chúa Cha là khởi điểm. Chúa Con hướng ánh mắt vào trái tim của Chúa Cha- nơi phát xuất tình yêu. Chúa Thánh Thần hướng theo 2 ngón tay của Đức Giêsu về chén có con chiên ở giữa bàn tiệc, hy tế cứu độ của Ngài.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ ra Người là Đấng tác thành vũ trụ bằng lời của Ngài với Thần khí bay là là trên mặt nước (St 1,1). Thiên Chúa tạo dựng con người để trao ban tình yêu của mình. Ngài cho con người làm bá chủ mọi loài, và nhất là cho họ được giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27-28). Thiên Chúa luôn can thiệp vào lịch sử con người để cứu giúp họ. Xuyên suốt Cựu Ước, chúng ta thấy nổi bật lên một hình ảnh Thiên Chúa như một người Cha “nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Để hoàn thành công trình cứu độ của mình, Thiên Chúa trao ban chính Con Một của mình cho nhân loại nhằm xoá đi những ngăn cách mà tội lỗi tạo nên. Trong lịch sử cứu độ này, không thiếu sự cộng tác của Chúa Thánh Thần từ khi nhập thể, chuẩn bị sứ vụ công khai và nhất là cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu. Công trình ấy vẫn được tiếp tục qua sự hoạt động của Thánh Thần cách rõ ràng hơn qua ngày Lễ Hiện Xuống. 

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi  là mầu nhiệm quan trọng nhưng cực kì khó hiểu. Chúng ta chỉ có thể đi trong Đức Tin và chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này. Ba Ngôi rất khác biệt nhưng luôn hướng về nhau, luôn ở với nhau, trong nhau và cho nhau. Ba ngôi chỉ hiện hữu khi sống tương quan với nhau, Cha chỉ là Cha khi sống tương quan với hai ngôi còn lại. Sự khác biệt chỉ làm phong phú chứ không làm mất đi sự hiệp nhất của ba Ngôi.

Trong đời sống chung, chúng ta luôn khao khát đi tìm kiếm một sự hiệp nhất, một cái chung: một sự đồng lòng, một quyết định, một tinh thần… Nhưng chúng ta vẫn luôn bị giằng co khi xung quanh ta toàn khác biệt và ai cũng muốn “cái tôi” của mình được thể hiện. Theo mẫu hình Ba Ngôi, chúng ta thấy mình chỉ thực sự là chính mình khi sống với người khác và cho người khác.

 Xin Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu đổ tràn trên tâm hồn chúng con quả tim biết yêu thương, lắng nghe và quảng đại dấn thân. Vì chính khi chúng con biết quên mình là lúc chúng con tìm lại bản thân. Hầu chúng con sống mầu nhiệm hiệp nhất trong tình yêu Chúa. Amen

Maria N. Thuý OA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ