-->
Mừng sinh nhật trên Thiên Quốc của Đấng sáng lập
19/11/2020
Tĩnh tâm mùa Vọng 2020
02/12/2020
Show all

Đức Ki-tô Vua Tình Yêu

Hình ảnh một vị Vua trong mỗi người chúng ta chắc là một người đứng đầu cao cả, một người có quyền uy cai trị, một người như một vị Tổng Thống cầm quyền ở một quốc gia, hay một vị vua luôn sống trong cung điện của hoàng gia. Nghe chức tước của Vua, trí tưởng tượng của ta chắc hẳn đã liên tưởng tới điều gì đó nghiêm khắc và oai vệ.

Còn Vua hôm nay chúng ta nói đến thì sao?

Trái ngược với vị vua trần thế, Người cũng có mang tên Vua, tên của Vua ấy chính là “Giê-su Ki-tô”- Đức Vua TÌNH YÊU. Rất hiếm có một vị Vua nào dương thế này ra đi và để lại cho thế hệ này qua thế hệ khác một tình yêu nhưng không như Đức Vua Tình Yêu Này. Chúng ta là những người đã tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, thì hẳn chúng ta cũng thấy các mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Mặc Khải nơi Con một của Người. Đức Giê-su là Vua trên các vua, Chúa các chúa, Vua cả trời đất, nhưng cuộc sống, lời rao giảng và ngay cả ngày đăng quang của Người cũng rất đặc biệt. Phải chăng đây là điều lạ lùng nơi Vua Giê-su Ki-tô.

Một vị vua lạ lùng, vì từ lúc sinh ra Người đã nằm trong máng cỏ. Ngay thời thơ ấu, Người đã phải chạy trốn vì Vua Hê-rô-đê tìm cách giết. Khi muốn chọn các quan đại thần, Người đã dùng cách cầu nguyện suốt đêm. Hơn thế nữa, các vua trần thế thống trị và củng cố vương quyền bằng quyền lực, thì Đức Giê-su lãnh đạo bằng con đường tình yêu và phục vụ. Bởi vì Vương quốc ấy là nơi sự thật và công lý ngự trị. Còn ngày Đức vua nhận sứ vụ, Người tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem trong một cử chỉ khiêm tốn: ngồi trên lưng lừa. Và chỉ sau một thời gian ngắn, Người đã bị bắt, chế nhạo, đánh đập. Cuối cùng,Người đăng quang với bản án treo trên đầu người “Đây là Vua dân Do-thái”. Với người Do Thái xưa, có lẽ đó là một sự sỉ nhục, thì giờ đây với các Ki-tô hữu lại là một bản tuyên tín “Người là Vua”. Còn lạ hơn nữa là Vua Giê-su không có vương miện mà thay vào đó là vòng gai đội đầu, không có cẩm bào, chỉ có trần trụi, nhuốc nhơ. Không có tán tụng mà chỉ có nhạo báng và khinh chê, không thống trị bằng quyền lực mà bằng cái chết vì tình yêu.

Đức Vua Giê-su này mang đầy mầu nhiệm tình yêu. Như lời hứa của Thiên Chúa Cha, Người sẽ cho Con một của Người xuống để quy tụ toàn nhân loại dưới quyền thủ lãnh là Đức Ki-tô hầu dẫn chúng ta vào sự sống vĩnh cửu. Chính vì tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, người đã trút bỏ vinh quang và mặc lấy xác phàm và sống như một con người bình thường ngoại trừ tội lỗi. Và chính vì tình yêu của Đức Ki-tô, chúng ta được nhìn thấy Người mang vác những con người bệnh tật, những con người tù tội, những con người đói khát bần cùng bị bỏ rơi bên lề xã hội. Đức Giê-su đã cảm nghiệm được những nỗi đau khổ của con người. Người thấu hiểu được nỗi khổ đau của kiếp phàm nhân. Cái làm cho chúng ta bất ngờ hơn nữa đó là Đức Giêsu đã đồng hoá mình với mỗi người trong anh em chúng ta “Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một kẻ khốn khổ là các ngươi làm cho Ta”(x. Mt 25,45). Ngài gọi những người hèn mọn là anh em của Ngài. Từ cách gọi và cách làm của Đức Giê-su hẳn chúng ta cũng đã nhận ra mình ở vị trí nào trong cung cách sống và làm việc của mình cho anh em. Để đến ngày chúng ta cũng gặp Đức Vua, Người cũng sẽ xét hỏi chúng ta “về tình thương”.

Đức Giê-su Ki-tô là Vua tình yêu mà chúng ta tin kính, Người đã để lại cho toàn thể nhân loại mẫu gương đầy khiêm hạ và phục vụ. Là những người con của Chúa, chúng ta đã và đang Đức Kitô chữa lành. Vì thế, chúng ta được mời gọi kín múc sức mạnh, tình yêu nơi Đức Kitô để chữa lành những vết thương cho nhân loại khởi đi từ  những anh chị em thân cận của mình.

Sr Têrêsa Phan Quyền, OA

  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ