-->
Tuần Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo – Ngày thứ tám
22/01/2018
“Người giảng dạy như Đấng có uy quyền” (Mc 1, 22)
26/01/2018
Show all

Chia sẻ của Sr Dominique với chị em OA Việt Nam

“Hệ số kinh tế – dự án” là chủ đề buổi chia sẻ của sơ Dominique – Quản lý Tỉnh dòng Châu Âu ngày 6/1/2018 tới các chị em Việt Nam.

“Kinh tế” – một chủ đề có vẻ không mấy thiết thực với ý nghĩa của đời tu. Bản thân em cũng đã từng là sinh viên ngành kinh tế và với em lĩnh vực này khá khô khan. Thế nhưng, qua buổi chia sẻ của sơ, em có một cái nhìn rộng mở hơn về kinh tế. Đó thật sự là một vấn đề thiết thực, không chỉ ở ngoài xã hội mà cả trong đời tu. Xa hơn nữa, nó có một mối liên hệ chặt chẽ với giá trị sống của Tin Mừng, đặc biệt là ba lời khuyên Phúc Âm mà mỗi tu sĩ khấn hứa với Chúa. Thật vậy, đứng trước một sự lựa chọn chi tiêu, tu sĩ vâng phục trong việc tham vấn với bề trên hay cộng đoàn; nếu không được chấp nhận hoàn toàn theo ý muốn, tu sĩ trở nên nghèo khó để từ bỏ ý riêng; và sự nghèo khó lại giúp tu sĩ tiết chế trong ý muốn và nhu cầu để rèn luyện đức khiết tịnh.

Bản thân em là một thỉnh sinh, những chi tiêu cá nhân còn chưa đòi hỏi đi vào khuôn khổ nên thú thật rất ít khi em đặt sự phân định, tính toán trên việc chi tiêu. Vì vậy, khi sơ nói đến vấn đề này trên những chi tiêu dù là nhỏ nhặt, suy nghĩ đầu tiên chợt đến với em: “Như vậy thì mệt đầu quá!”. Nhưng câu nói sơ kèm theo liền sau đó: “Nghèo khó không phải không có gì mà là từ bỏ tất cả những gì ta đang có.” Suy nghĩ “mệt đầu quá” chợt trở nên tích cực hơn vì đó sẽ là cơ hội để thực hành sống nghèo khó, hãm mình. Thật vậy, nghèo khó với bản thân em hiện tại không phải là chỉ có một số tiền được giao để chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định, mà là sử dụng một khoản tiền tự do nhưng phải từ bỏ đi sự thoải mái, vô tư trong suy nghĩ mà thay vào đó là mang lấy những ưu tư về người nghèo và về những giá trị sống mà Tin Mừng mời gọi.

Để tạo bầu không khí hứng khởi cho các chị em, sơ cũng đưa ra những bài tập nhỏ như thiết lập dự toán chi tiêuIMG_2369 cho ngày đi chợ để làm sao vừa đáp ứng nhu cầu sức khoẻ của chị em vừa tìm cách tiết kiệm chi tiêu cho cộng đoàn; hay bài tập về việc phân định trước những món quà được biếu tặng. Những tình huống đặt ra đòi hỏi kỹ năng linh hoạt trong tính toán, trong việc xoay chuyển tình thế và sự khôn ngoan trong cách phân định trước những tình thế xảy ra trong cuộc sống. Không những thế, sơ còn cho những bài tập tuỳ theo từng nhóm giai đoạn về việc thiết lập dự toán chi tiêu để hoạch định cho một chương trình lớn, một chuyến dã ngoại, du lịch hay cho những kế hoạch kinh doanh. Bài tập này không chỉ khơi lên sự thú vị, hào hứng cho các nhóm mà còn nhắc nhớ mọi người  hãy mang lấy trong mình những mối bận tâm cho sự phát triển của Hội dòng qua những sáng kiến tự lập kinh tế, nhưng tất cả phải trong một mục đích thiêng liêng và phù hợp với linh đạo, đặc sủng của Hội dòng.

Qua tất cả những gì đã chia sẻ, sơ Dominique đúc kết lại những điểm quan trọng cần lưu tâm. Đầu tiên là: “Không có gì thuộc về riêng chúng ta cả, mà tất cả thuộc về Hội dòng. Nhưng mỗi người được mời gọi sử dụng và bảo vệ những tài sản chung như tài sản của riêng mình.” Thật khó nhưng cũng thật thú vị khi sống tinh thần này, vì chúng ta vừa được mời gọi trở nên nghèo khó, khiêm tốn, quảng đại và can đảm để từ bỏ những gì là tài sản riêng; vừa được mời gọi sống tinh thần trách nhiệm và đồng trách nhiệm với tài sản chung. Tiếp đến: “Vấn đề kinh tế không phải của một mình những người có trách nhiệm, nhưng là của tất cả các chị em trong cộng đoàn.” Ý thức được điều này, chị em nên biết cảm thông và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Cuối cùng, sơ mời gọi: “Hãy sống tình liên đới và chia sẻ với người nghèo, hãy sống tình liên đới và chia sẻ giữa các chị em, giữa các cộng đoàn và các quốc gia trong Hội dòng.” Thông điệp này gợi lại cho các chị em thái độ sống biết ơn. Bởi lẽ, mọi cơ sở vật chất và những gì chị em Việt Nam có được như ngày hôm nay, phần lớn là nhờ vào sự hy sinh và chia sẻ của các sơ ở Pháp. Chính vì vậy, để đáp lại lòng biết ơn, sơ mời gọi mỗi người hãy biết bận tâm suy nghĩ về cách để giúp đỡ, chia sẻ với người khác trong lĩnh vực kinh tế hay bất cứ một lĩnh vực nào khác; đồng thời quan sát và phân định dựa trên nguồn lực và những tiềm năng kinh tế có sẵn trên đất nước chúng ta để có trong đầu những dự án giúp phát triển Hội dòng. Và sơ đã gửi tặng các chị em một thông điệp để kết thúc bài chia sẻ: “Can đảm lên vì có Chúa Thánh Thần luôn bên cạnh đồng hành và nâng đỡ mọi dự tính cũng như quyết định của chúng ta.”

Buổi chia sẻ tuy không quá đi sâu nhưng ít nhiều đọng lại trong các chị em những suy tư để thấy rằng kinh tế không hề xa rời với giá trị và ý nghĩa của đời tu. Hy vọng mỗi chị em biết tận dụng vấn đề kinh tế không chỉ để phát triển Hội dòng mà còn để thực hành sống những giá trị Phúc Âm hầu mở mang Nước Chúa.

Thùy Linh, thỉnh sinh OA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ